Chính là ở chỗ cái đảo giao thông hình tròn tên là Connaught Place ấy. Gọi là đảo giao thông hoặc là bùng binh, thật ra cái vòng quay hình tròn ấy phải bằng một cái vườn hoa diện tích kha khá. Ở bên dưới tâm điểm của nó là cả một cái chợ hầm như mê cung. Chợ Palika. Những đường phố xung quanh tạo thành các hình tròn đồng tâm bằng diện tích một cái phường lớn.
Tôi đã lạc trong những đường tròn đồng tâm như một cái phường. Một tập hợp những tòa nhà kiến trúc cổ điển kiểu Ăng lê. Phố phường tấp nập nơi trung tâm của đất nước hơn một tỉ dân. Đang ở trên phố Jan Path, tôi hỏi đường đến Jantar Mantar là di tích một quần thể đồng hồ mặt trời. Hỏi. Và được chỉ ngay. Đúng ra thì đám đồng hồ mặt trời ấy ở ngay trên phố Sansad Marg, song song với đường phố tôi đang đi. Nhưng cái bà chỉ đường không chỉ cho tôi sang phía tây mà chỉ hướng lên phía bắc. Đi thêm vài cây số không thấy gì, tôi hỏi người thứ hai. Ông này chỉ sang phía đông tức là về phía đường Babar Road. Lại đi rạc cẳng. Lại không thấy nơi cần đến. Lại hỏi. Lần này không hỏi đàn ông không hỏi đàn bà, hỏi ngay một hijra đang múa xin tiền trên vỉa hè. Hijra là đàn ông nhưng vận sari phụ nữ, hijra giọng khàn khàn chỉ cho tôi đi sang phía tây, tức là ngược hẳn lại.
Rốt cuộc vẫn tìm không ra. Tôi đã loanh quanh đến dăm bảy cây số trong cái bùng binh trung tâm này rồi. Hậm hực. Tức tối. Đã hỏi đủ cả đàn ông, đàn bà, hỏi đến cả đồng cô. Đủ mấy thành phần như thế mà không được tức là phải bó tay rồi. Giận người rồi giận cả mình. Lúc đi đã quên mang bản đồ theo. Ngày ấy chưa có điện thoại thông minh để mà định vị.
Nhưng tôi vẫn chưa chịu tuyệt vọng hoàn toàn. Thấy một anh chàng mặt mũi sáng sủa có vẻ là sinh viên, tôi quyết định chấm anh ta. Chọn hú họa người chỉ đường dẫn lối cuối cùng. Tôi tiến lại gần trong một trạng thái bơ phờ vì rạc cẳng. Cậu chỉ giúp đường đến Jantar Mantar với.
Gương mặt gã trai đầy vẻ cảm thông, rồi gã sốt sắng. Đây đây, cậu cứ đi thẳng, đến ngã tư thứ ba thì rẽ trái.
Sau này mới biết lúc ấy tôi đã đứng tương đối gần với điểm đến rồi. Nhưng nếu đi theo đường gã trai chỉ thì tôi lại dấn bước vào một con đường ngược hẳn, càng đi càng xa rời mục đích.
Hình như người kiệt sức và tuyệt vọng thường bùng lên một sự nhạy cảm phi thường. Tôi cảm thấy sự sốt sắng và lưu loát của gã trai có một cái gì đó thiếu tự tin. Người thiếu tự tin mới nói năng trôi chảy liến thoắng như thế. Nó che đậy một sự mặc cảm sâu, một sự vô minh trống rỗng.
Tôi lặp lại lời gã trai như thể lặp lại chính là sự kiểm chứng. Đi thẳng, đến ngã tư thứ ba thì rẽ trái. Kinh nghiệm ba lần hỏi đường khiến cho tôi tự quyết rằng không thể bị lừa đến lần thứ tư. Tôi nhìn thẳng vào mắt gã trai mà gay gắt hỏi lại. Nhưng mày có biết đường không?
Mày có biết không?
Giống như có một trận mưa đổ ập xuống trong nháy mắt rửa sạch vẻ tự tin trên mặt gã trai. Rửa trôi đi hết. Gã cười ngượng nghịu. Actually, I don’t know. Thực ra thì tao không biết. Ngượng và thêm vẻ lúng túng. Gã nói thêm. I’m sorry. Tao xin lỗi. Rồi gã biến. Ngay.
Xin lỗi cái gì. Đã không biết đường mà cứ chỉ. Ôi những người Ấn này. Tôi như phát điên giữa đường phố tấp nập. Đã thế không đi nữa, về, về ngay, nhảy lên một cái xe buýt ở bến gần đó mà quay về ký túc xá ngay thôi.
Tôi mới quay đi được một đoạn thì gã trai chạy theo. Đầy vẻ hối hận. Gã bảo gã là người Delhi thật, trăm phần trăm, nhưng gã chưa đến khu đồng hồ mặt trời bao giờ. Thôi thì bây giờ tiện đây, gã sẽ cùng tôi tìm đường đến đấy một lần cho biết. Nói cho chính xác thì gã đã biết về nó, gã đã đọc về nó.
Hai thằng dại hợp lại thành thằng khôn. Gã dẫn tôi đi. Tôi dẫn gã đi. Quyết không hỏi đường bất kỳ một người Ấn nào nữa. Cứ thế mà cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đường. Ngày hôm sau, đến lớp, đám nghiên cứu sinh ngoại quốc chúng tôi lại biến giờ học thành trận đấu tố. Liệt kê ra hết thói hư tật xấu của người Ấn. Lần này tôi mở đầu bằng lời đề dẫn về chuyện người Ấn chỉ đường. Thế là khơi mào cho một cuộc tố khổ. Thì ra đứa nào trong lớp cũng từng bị chỉ sai đường. Julie người Pháp, Brian người Mỹ, Jaime người Colombia, Savino người Ý, Lim Jangen người Hàn Quốc… Hỏi người đầu tiên, chỉ cho đi về phía bắc, đi một đoạn hỏi, bị chỉ về phía nam, đi nữa lại hỏi, bị chỉ về phía tây, cứ thế mà đủ bốn phương tám hướng. Kinh nghiệm rút ra: lạc đường thì chớ hỏi người Ấn. Đi đâu thì hãy nhớ mang theo bản đồ.
Một đề tài nghiên cứu bao giờ cũng phải đi đến khái quát. Điều rút ra ở đây là người Ấn không thể tự thú nhận rằng họ không biết. Đối diện với người lạ, họ phải có được niềm kiêu hãnh là họ biết mọi thứ, biết tuốt. Họ là những quý ông Biết Tuốt, quý bà Biết Tuốt, Mr. Know-all, Ms. Know-all. Họ sẽ nhận là biết, giống như sự giữ gìn thể diện, giữ cho mình đẹp mặt, họ sẽ chỉ đường cho anh đi. Sau đó anh đi lạc thì kệ anh, miễn là khi mặt đối mặt, anh thấy họ giỏi họ tốt.
Chuyện tôi với gã chỉ đường chưa kết thúc ở đấy. Khi chúng tôi đến được quần thể Jantar Mantar thì gã bắt đầu thao thao bất tuyệt. Tính hùng biện của người Ấn được dịp phát tác. Một bà bán rau mù chữ khi được phóng viên hỏi đến tình hình giá cả thị trường chợ búa có thể nói như bắn liên thanh, nói liền ba mươi phút không vấp váp, không ngắc ngứ. Gã cũng vậy. Chúng tôi đi qua những kiến trúc đồng hồ mặt trời cổ trông giống như cầu trượt của trẻ con. Trông thế thôi, gã bảo, nhưng những bậc thang trên ấy, những đoạn dốc ấy chính là những cái thước đo độ, bóng nắng chiếu vào đến đâu, người xưa có thể căn cứ vào đấy mà biết là mấy giờ, biết trời mưa trời nắng ra sao. Gã còn moi ra được chi tiết quần thể này được bắt đầu xây dựng từ năm 1724 dưới triều của đại vương Maharaja Jai Singh đệ nhị.
Cao hứng, gã rủ tôi về nhà gã chơi. Chỉ đi bốn bến xe buýt là đến. Nếu hối hận đã khiến gã quay lại cùng đi tìm đường với tôi, thì việc gã rủ tôi về nhà chứng tỏ sự hối hận quá lớn. Người Ấn không mặn mà với các mối quan hệ. Gặp người mới quen, họ niềm nở vồ vập như có thể san nhà sẻ cửa, nhưng quay đi là thôi, có thể bỏ bẵng hoặc quên luôn. Đất nước một tỉ dân với vài trăm triệu người sống dưới mức nghèo đói, mật ít ruồi nhiều, thiếu công ăn việc làm, một cuộc cạnh tranh sinh tồn gay gắt khiến cho trong nhà họ đã đủ điều phải lo, chẳng còn hơi sức cho họ quan tâm đến thế giới bên ngoài. Doanh nhân cũng vậy, thị trường một tỉ người đủ cho họ nỗ lực, đủ cho họ thu được lợi nhuận, không nhất thiết phải vươn ra thị trường ngoài nước. Nói kỹ một tí để thấy việc Chahan, tên của gã, rủ tôi về nhà là chuyện hiếm.
Tôi gặp chị của gã là Amita. Cô đang làm luận án tiến sĩ quản trị kinh doanh ở Bombay, bây giờ về nghỉ mấy ngày. Sao cô lại chọn Bombay? Tại sao ư? Bombay là thành phố năng động đầy sức sống và có con đường ngắn nhất đến với đời sống quốc tế. Bombay là trung tâm thương mại của Ấn Độ. Tên cô là Amita, tức là Không Giới Hạn, cô là người phụ nữ được giải phóng, cô muốn xa gia đình để đến với Bombay, cách Delhi những nghìn rưỡi cây số.
Người Ấn vốn chỉ quanh quẩn với gia đình, gia đình là nhất, quây quần trong gia đình là nhất. Thế mà cha mẹ cô cũng để cho cô đi xa đến một thành phố hiện đại đầy cám dỗ như vậy hay sao. Ôi, bố tôi rốt cuộc cũng đành chịu, dù lúc nào ông cũng bảo Bombay thì có gì hay ho, ông cực ghét Bombay mà ông nói là nó có tất cả những gì của phương Tây, chỉ trừ linh hồn.
Như lời Amita thì bố cô, một kỹ sư nông nghiệp nai lưng ra nuôi cả nhà, chỉ muốn giữ chân con gái ở lại nhà, kiếm cho nó một anh chồng không đòi quá nhiều hồi môn. Phụ nữ Ấn dù có học lên đến tiến sĩ mà đã lấy chồng là coi như bỏ cái bằng tiến sĩ, chấp nhận ở nhà làm nội trợ chăm chồng nuôi con. Cô cười khanh khách, cô thì không thế đâu, không bao giờ.
Không thể nghe lời bố cô được. Amita dặn tôi tí nữa bố cô về thì không được khen Bombay trước mặt ông. Còn một thứ nữa cũng không được khen trước mặt ông. Đấy là Amitabh Bachchan. Có lần bố cô phát hiện ra trong ví của em gái cô có ảnh của Amitabh Bachchan, thế là ông hét lên, tống cổ cái gã chết tiệt ấy ra khỏi nhà tao. Ngay.
Nếu có người đọc chưa biết minh tinh màn bạc này thì xin kể thêm một tí. Ông chính là thần tượng điện ảnh trong phim Triệu phú khu ổ chuột, khi ông ta đến thành phố ấy, thằng bé nhân vật chính đã nhặt lên tấm ảnh ông mà nó đánh rơi xuống chuồng xí để xin ông chữ ký. Đấy, Amitabh Bachchan chính là cái gã ấy. Gã. Bố Amita ghét cái gã cao lêu đêu có gương mặt rất thô ấy.
Vui chuyện, tôi hỏi Amita xem bố cô có ghét cái thói chỉ đường của người Ấn hay không? Ghét chứ, bởi ông rất thích cuốn We Indians của Khushwant Singh, một cuốn sách về người Ấn xấu xí. Người Ấn có câu đầu lưỡi là ngày mai. Việc gì cũng sốt sắng hẹn ngày mai cứ như có thể giải quyết được sớm. Ngày mai. Nhưng cái ngày mai ấy không bao giờ đến. Vì thế họ còn có biệt danh là Mr. Tomorrow, Ms. Tomorrow, Ông Ngày Mai, Bà Ngày Mai.
Điều này thì tôi cũng đã biết. Người Delhi cứ luôn luôn hẹn. Kal. Tức là ngày mai. Kal. Nhiều ngày mai quá đến mức người nước ngoài đến Delhi để chơi thì được chứ không muốn giao dịch làm ăn. Làm ăn gì mà hẹn hò ngày mai nhưng không bao giờ gặp được. Có gặp thì muộn vài ba tiếng đồng hồ là chuyện thường xuyên. Đấy gọi là giờ Ấn Độ. Giờ cao su.
Mấy tháng sau tôi tình cờ gặp lại Chahan khi tôi loanh quanh tìm đứa bạn ở Học viện Công nghệ Ấn Độ IIT. Tôi hỏi gã lâu nay bận gì học gì, tình hình ở khoa công nghệ thông tin của gã thế nào. Tôi hỏi em gái gã đã bổ sung ảnh khác của Amitabh Bachchan vào ví hay chưa. Tôi hỏi Amita ở Bombay dạo này ra sao.
Amita ổn. Amita sắp cưới chồng. Gã dùng đúng chữ cưới chồng, vì phụ nữ Ấn Độ phải cưới chồng chứ chồng không cưới họ.
Bao giờ cưới? Tôi hỏi. Ngày mai. Gã trả lời.
Tôi đã hiểu chữ ngày mai của người Ấn. Gã lại còn trả lời tức khắc như thế.
Nhưng Chahan đã lập tức xua tan sự ngờ vực của tôi. Gã bảo chú rể người tận Bombay cho nên đám cưới ngày mai làm ở Delhi và tuần sau ở Bombay. Cưới ở đâu? Chứ mày nghĩ ở đâu, ở khách sạn Ashoka, mai mày đến nhé, tao sẽ đón mày ở cửa.
Ashoka là tên vị hoàng đế ở thế kỷ III trước dương lịch đã truyền đạo Phật ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Ashoka bây giờ là tên cái khách sạn năm sao trông như hoàng cung của bậc đế vương Hồi giáo xây bằng sa thạch màu hồng. Tôi tưởng tượng Amita và chú rể sẽ trang phục theo kiểu vua và hoàng hậu giữa hoàng cung. Ông kỹ sư nông nghiệp cưới chồng cho con gái mà xa xỉ phô trương vậy.
Mai nhé. Chahan nói, rồi gã nhớ ra, mày chưa biết đường đến khách sạn Ashoka, đến đấy lại cùng lúc có chục đám cưới, mày sẽ đi lạc mất. Vậy mai tao sẽ đến ký túc xá đón mày. Ngày mai. Đúng năm giờ chiều.
Tôi quên luôn cái chuyện ngày mai của người Ấn. Tôi tìm giấy gói tặng phẩm để bọc một cái hộp sơn mài họa tiết hoa sen rực rỡ. Người Ấn cũng thích hoa sen. Nhiều thần thánh của đạo Hindu tay cầm hoa sen. Đức Phật ngồi tòa sen. Sen là lời chúc của tôi cho cặp cô dâu chú rể.
Hẹn năm giờ nhưng tôi phấp phỏng chờ đợi từ ba giờ. Rồi cứ thế thời gian trườn đi chậm chạp như một con ốc sên. Quá giờ hẹn mười lăm phút, ba mươi phút, bốn lăm phút, rồi một tiếng. Tôi quá nôn nóng chầu chực cho nên không thể đợi Chahan đến được nữa. Tôi quyết định đi. Chủ động đi. Không biết đường đến khách sạn Ashoka nhưng tôi biết nhà Amita và Chahan. Đón lõng địch không được thì ta chủ động thân chinh đến thẳng sào huyệt.
Đến nhà. Không chăng đèn kết hoa. Không che rạp sắp xếp bàn ghế. Không vẽ bột màu lên cửa lên tường nhà. Không đốt trầm đốt hương tắm tượng đồng cúng tế. Không một bóng người. Hoàn toàn lạnh. Hoàn toàn vắng. Đến mức ấy thì khi bà mẹ ra mở cửa, tôi không dám nói gì đến chuyện cưới xin, chỉ dám hỏi Chahan có nhà hay không. Ôi, nó chỉ coi cái nhà này là nhà trọ, đêm về để ngủ mà thôi. Tôi hỏi sang Amita, cũng không dám nhắc nhở chuyện cưới chồng. Ôi, Amita mới xin được việc làm ở Bombay, con gái con đứa cứ nhơn nhơn ra, chẳng thiết tha gì chuyện chồng con.
Tôi đã định ôm cái hộp sơn mài về. Nhưng nghĩ thế nào lại gửi bà mẹ chuyển giúp cho Amita khi nào cô về Delhi. Tất nhiên là tôi đã kín đáo bóc cái thiếp chúc mừng hạnh phúc đôi trẻ ra. Đôi trẻ nào.
Một thời gian sau, tôi lại bất ngờ gặp Chahan ở gần Học viện IIT Indian Institute of Technology. Bao giờ chúng tôi cũng gặp nhau ở đấy, cứ như là nó thường xuyên loanh quanh ở đấy để chờ gặp tôi không bằng. Mày đấy à, đang có cuộc thi thiết kế robot, chúng ta đi xem đi. Bao giờ đi? Ngày mai.
Lại ngày mai. Mai dài hơn cuốc. Tôi nghĩ thầm, để về kiểm tra xem có thật đang có cuộc thi robot hay không. Chúng tôi chia tay theo kiểu một bên cứ hẹn ngày mai ngày mai, một bên cứ gật gù theo kiểu ngày mai thì mặc ngày mai.
Bẵng đi lâu lâu. Có lần gặp Amita, tôi nhắc lại chuyện ngày mai của Chahan. Amita bảo người Ấn là thế đấy, chỉ muốn làm cho người khác vui khi đối diện, còn sau đấy người ta có tức điên lên vì bị lừa thì cũng mặc. Họ không coi đấy là lừa. Đấy chỉ là làm cho người khác vui lòng.
Tôi nhắc lại chuyện đám cưới ở khách sạn Ashoka. Amita lại cười, ôi thằng em tôi, nó đúng là người Ấn. Họ tràn đầy mặc cảm. Họ không dựng lên được một đám cưới ở khách sạn sang hạng nhất thì họ sẽ tự coi thường mình.
Cô nhìn tôi đăm đăm rồi nói thêm, chắc chỉ khi nào có đám cưới của tôi với anh thì họa may mới là cưới thật.
Tôi ngây cả người. Chẳng biết nên hiểu ý cô như thế nào.
(*) Shame: tiếng Anh có nghĩa là hổ thẹn. Cái tên này từng được lấy để đặt cho một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie, một tiểu thuyết của nhà văn Bangladesh Taslima Nasrin và một bộ phim của đạo diễn người Anh Steve McQueen.
Bình luận (0)