Shinkansen - niềm tự hào của nước Nhật

16/02/2020 09:00 GMT+7

Nhanh, an toàn và đúng giờ là những điểm ưu việt của hệ thống tàu cao tốc Shinkansen, đã trở thành niềm hãnh diện của ngành đường sắt Nhật Bản trong suốt hơn 55 năm qua.

Shinkansen theo tiếng Nhật có nghĩa là “đường huyết mạch mới”, ra đời vào năm 1964 - ngay trước thềm khai mạc Thế vận hội Tokyo cùng năm. Tuyến tàu cao tốc đầu tiên nối Tokyo và Osaka khi đó đã mở ra hướng đi hiện đại hóa cho hệ thống đường sắt Nhật Bản, đồng thời khởi xướng cuộc đua tốc độ ở nhiều nước khác.

An toàn tuyệt đối

Tiếp đoàn nhà báo các nước ASEAN, trong đó có PV Thanh Niên, tại Tokyo vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Đường sắt cao tốc quốc tế (IHRA) Masafumi Shukuri cho biết trong lịch sử 55 năm hoạt động của mình, chuyên chở hàng tỉ lượt khách nhưng tàu cao tốc Shinkansen chưa hề để xảy ra bất cứ vụ tai nạn gây thương vong nào. Độ an toàn là tuyệt đối, bất kể nước Nhật thường xuyên bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần. Lý giải về “kỷ lục” này, ông Shukuri cho hay Shinkansen có một hệ thống đường riêng, hoàn toàn tách biệt với các tuyến đường sắt khác, không có điểm giao cắt nào. Ngoài ra, Shinkansen được trang bị hệ thống điều khiển tàu tự động tiên tiến, có thể tính toán tốc độ phù hợp, ngăn chặn khả năng xảy ra va chạm.
Shinkansen nhanh chóng trở thành phương tiện di chuyển đáng tin cậy khi hội đủ các yếu tố về tốc độ, khả năng chuyên chở, độ an toàn và sự đúng giờ. Theo đó, tốc độ tối đa mà các Shinkansen đang vận hành hiện nay là 320 km/giờ. Tổng chiều dài các tuyến đường sắt cao tốc tại Nhật vào khoảng 3.000 km, giúp kết nối các thành phố lớn trên các đảo từ bắc chí nam của nước này. Mỗi ngày có 477.000 hành khách sử dụng Shinkansen để di chuyển. Với khoảng cách dưới 400 km, 100% hành khách lựa chọn Shinkansen thay vì máy bay. Các chặng đường hơn 500 km thì Shinkansen cũng được lựa chọn nhiều hơn.
Mặc dù không thể so với hàng không về tốc độ nhưng Shinkansen lại có ưu điểm là đúng giờ và thuận tiện. Theo báo cáo của IHRA, sự đúng giờ của Shinkansen được đo bằng giây, tính cả trong trường hợp có xảy ra thiên tai như động đất. Khách đi Shinkansen thường không phải chờ đợi quá lâu như đi máy bay, cũng hiếm khi nào có thông báo hoãn chuyến. Ngoài ra, một tàu Shinkansen có thể chở đến hơn 1.300 khách, con số ấn tượng hơn bất kỳ loại máy bay nào.
Shinkansen niềm tự hào của nước Nhật1

Hành khách có 2 phút để xuống tàu

Trải nghiệm ấn tượng

Sau khi cầm vé Shinkansen trên tay, khách chỉ cần đến đúng cửa ghi trên vé và đợi đúng giờ để bước lên tàu. Khi tàu đến ga, hành khách trên tàu có 2 phút để xuống. Nhân viên vệ sinh có 7 phút để dọn dẹp sạch sẽ trên tàu và sau đó hành khách mới lên tàu để khởi hành. Quy trình vận hành nhanh chóng và thuận tiện.
Trong lúc chờ tàu, PV Thanh Niên ghi nhận ý thức cao của cả hành khách lẫn nhân viên Shinkansen. Bước xuống tàu, mỗi hành khách sẽ mang theo rác của mình, cẩn thận bỏ vào túi được nhân viên mở sẵn ở cửa. Trong khi đó, nhân viên khi lên tàu sẽ kiểm tra và lau dọn ở mọi ghế, bàn ăn và khoang hành lý. Khoang tàu được thiết kế thông thoáng và thoạt nhìn rất giống trên máy bay, nhưng có cửa nhìn ra bên ngoài lớn hơn để khách có thể nhìn ngắm cảnh sắc. Ghế tàu có thể tự động xoay trong thời gian chờ đợi.
Khi được hỏi về cảm nhận lần đầu tiên di chuyển bằng Shinkansen, nhà báo Andi Muhammad Ibnu Aquil của tờ The Jakarta Post (Indonesia) chia sẻ với Thanh Niên: “Đây thật sự là trải nghiệm ấn tượng. Tôi đã được nghe nhiều về Shinkansen, nhưng không nghĩ là nó lại nhanh chóng và tiện lợi như vậy. Tôi hy vọng mô hình này có thể được triển khai ở Indonesia trong tương lai”.
Nước Nhật vốn nổi tiếng với ngành điện tử uy tín và hùng mạnh, nhưng thương hiệu kiêu hãnh chung của cả quốc gia có lẽ phải nhắc đến Shinkansen. Có người ví Shinkansen của Nhật cũng đáng tự hào như Airbus của hàng không châu Âu và Boeing của Mỹ. Chủ tịch IHRA Shukuri còn nhấn mạnh: “Shinkansen không chỉ là vận chuyển, đó là sự biến đổi”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch Hiệp hội Đường sắt cao tốc quốc tế đồng thời là Chủ tịch Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản Masafumi Shukuri cho biết ông đã nghe về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam. “Tôi không rõ chi tiết lộ trình triển khai dự án của Việt Nam, nhưng đã có một số đại diện ở Việt Nam liên lạc và chia sẻ với chúng tôi về dự án này. Chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ thông tin nếu Việt Nam muốn tham khảo mô hình tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.