Trái với rất nhiều dịch vụ, mặt hàng kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bới dịch Covid-19, các dịch vụ giao thức ăn nhanh như Now Food, Grab, Be… tại TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) rất “đắt khách. Nhưng chuyện "ăn nên làm ra" không kéo dài được bao lâu.
Shipper tăng thu nhập nhưng không bền
Người dân ngại ra đường và đến những nơi tụ tập đông người vì dịch bệnh. Tại TP.Huế, dịch vụ giao thức ăn nhanh tận nhà đang ăn nên làm ra. Nên nhiều shipper ra sức "cày" để kiếm thêm thu nhập. Một tài xế Grab cho biết thu nhập của anh mỗi ngay có khi tăng gấp đôi trước đó. Tuy nhiên, hiện tại nhiều tài xế tụ tập bó gối bên các nhà hàng để chờ nổ... đơn.
Lê Tấn Cung Nhẫn, 25 tuổi, tài xế Grab, chia sẻ: “Tài xế người ta chạy nhiều là có, trước khi dịch bùng phát thì thu nhập tài xế một ngày chạy từ 8 đến 10 tiếng từ 350 nghìn trở lên, đó là thu nhập trung bình. Còn khi dịch bùng phát ra, thì đa số các cửa hàng phố Tây nghỉ, nhiều cửa hàng khác cũng nghỉ theo. Tâm lý người sử dụng ứng dụng xe ôm cũng giảm, trung bình một ngày chạy từ 10 dến 15 đơn thì bây giờ chỉ còn lại 6 đến 10 đơn"
Anh Nhẫn cho biết trung bình một tài xế mùa dịch có thu nhập 200 đến 250 nghìn/ngày. "Hiện tại bên quản lý ứng dụng rất chu đáo họ cung cấp cho tôi găng tay và một chai nước rửa tay khô, người ta cũng rất quan tâm và gửi thông báo thường xuyên nhắc nhở tài xế để bảo vệ mình và bảo vệ hành khách,” anh nói
Châu Văn Nam, 19 tuổi, tài xế NowFood: “Lúc đầu khi mới phát hiện dịch và sinh viên vẫn còn đi học ở các trường đại học thì kết quả một ngày có thể 400 đến 500 nghìn đồng là có nhưng hiện tại khi mà các quán ăn bắt đầu có thông báo nghỉ và sinh viên đã về quê do được nghỉ học nên dần đần đơn hàng càng ít lại. Trung bình một ngày làm 8 tiếng thì thu nhập khoảng 200 đến 250 nghìn chưa trừ cước điện thoại và tiền xăng.”
|
Quán ăn tăng đơn hàng online rồi... lại giảm
Thời gian đầu (khoảng từ ngày 7.3 đến ngày 10.3) khi Thừa Thiên - Huế ghi nhận có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh là nữ du khách người Anh (bệnh nhân Covid-19 thứ 30) thì nhiều hoạt động dịch vụ khách sạn, nhà hàng trở nên đìu hiu.
Tuy nhiên, các cửa hàng đồ ăn vặt hay quán cơm lại đắt đơn hàng online một cách bất ngờ. Anh Nguyễn Trùng Dương (chủ một quán cơm ở Tỉnh lộ 10, Thừa Thiên - Huế) cho hay: “Bình thường buổi trưa bán được khoảng 80 suất cơm tại quán. Nhưng từ khi dịch bùng phát thì mọi người cũng hạn chế ra đường, người đến quán để ăn cơm trưa cũng giảm hẳn chỉ còn khoảng 40 suất, chủ yếu là dân chạy xe đường dài ghé ăn. Nhưng những đơn hàng đặt online lại tăng mạnh, mỗi buổi trưa tôi nhận khoảng hơn 50 đơn hàng".
|
Cũng chung tình trạng như những quán cơm khác, anh Nguyễn Quốc Long (25 tuổi, chủ một quán ăn vặt tại Nguyễn Sinh Cung, TP.Huế) cho biết: "Mùa dịch người ta cũng hạn chế ra đường, mấy bữa nay đi ship hàng là chủ yếu chứ khách đến quán ăn cũng giảm đáng kể, chắc tại tâm lý ngại đến chỗ đông người. Nhưng lượng đơn hàng lại tăng hơn bình thường, mỗi ngày như vậy cũng kiếm được vài trăm nghìn".
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn “ăn nên làm ra” đến khoảng từ ngày 15.3, trở đi, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, dịch vụ cung cấp thức ăn online tại Huế cũng nhanh chóng bị ảnh hưởng. Đến nay, các đơn hàng đã giảm mạnh. Nhiều nhà hàng còn mở cửa phải tăng cường các biện pháp phòng dịch cẩn thận hơn như trang bị khẩu trang cho nhân viên, đặt nước rửa tay ngay trước quán ăn.
Bình luận (0)