"Căn chòi" tạm bợ liền kề nhau
Khi đến ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh những "căn chòi" tạm bợ xiêu vẹo nằm liền kề nhau. Tất cả được dựng lên gấp rút từ những tấm bạt cũ kỹ, là nơi trú nắng, che mưa cho các shipper ở khu vực này. Bên dưới mái che, hàng ngàn gói hàng lớn nhỏ được sắp xếp có hệ thống, sẵn sàng để giao khi sinh viên đến nhận.
Khi hỏi cảm nhận của khách về công việc các shipper, nhiều người đều có chung suy nghĩ: "Mình thấy shipper ở đây nhàn lắm". L.T.P, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận xét: "Shipper bình thường thì phải dầm mưa dãi nắng, chạy đến từng nhà để giao. Còn mấy anh chị này chỉ ngồi một chỗ từ sáng đến chiều, khách tự đến lấy hàng, hết hàng là họ về. Nhìn chẳng có gì khó khăn cả".
Cùng quan điểm trên, Dương Thị Diễm Ngọc, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ thêm: "Có hôm mình ra lấy hàng mà không thấy shipper, anh chị đồng nghiệp bên cạnh còn bảo mình nếu đơn 0 đồng thì tự tìm số đuôi và lấy luôn. Nhiều lúc thấy công việc này thật sự nhàn".
Ngọc cho biết thỉnh thoảng bị các shipper gọi điện với giọng khá gắt gỏng. "Có hôm mình đang học không nghe điện thoại được. Lúc gọi lại thì bị các anh quát lớn tiếng, không lịch sự lắm, nhưng mình cũng chẳng nghĩ nhiều, tranh thủ nhờ bạn ra lấy hàng giùm để không làm ảnh hưởng công việc của họ", Ngọc nói.
Cũng chung cảm nhận trên, Nguyễn Thị Cẩm Hằng (28 tuổi), sống tại chung cư Landmark 1, Q.1, TP.HCM, cho biết thường khoảng 13 - 14 giờ, shipper sẽ gọi đến nhận hàng. Hôm nào không ở nhà, Hằng sẽ nhờ để hàng vào hộp thư. "Do số lượng hàng nhiều, các shipper thường trải hàng ra một góc mát mẻ rồi chờ mọi người đến nhận, giao xong tòa nhà này thì di chuyển sang địa điểm khác. Có lẽ vì chỉ giao hàng ở chung cư nên họ đỡ vất vả hơn so với các shipper phải chạy đến từng nhà", Hằng cho biết.
Khách hẹn nhận hàng dễ dẫn đến "bể kho"
Ngồi bên cạnh quan sát những shipper... ngồi một chỗ, tôi chứng kiến công việc tưởng chừng "nhàn hạ" nhưng không ngơi tay của họ. Các shipper liên tục gọi điện thoại, lặp đi lặp lại một câu quen thuộc như "thần chú": "Cổng sau, quẹo phải, lấy hàng trước 2 giờ nha em". Mỗi cuộc gọi chỉ vỏn vẹn 3 giây, nhưng câu nói ấy có thể cất lên đến 300 lần mỗi ngày. Vào những ngày cao điểm, con số còn vượt quá 500 lần.
Anh Đài (24 tuổi), nhân viên giao hàng tại Shopee Express, cho biết: "Một ngày của tôi bắt đầu vào 5 giờ, đến kho và nhận hàng lúc 7 giờ. Sau khi tranh thủ ăn sáng, tôi lập tức bắt đầu hành trình giao hàng. Mỗi ngày, tôi giao hơn 200 đơn, số lượng thay đổi tùy vào lượng khách đặt trên hệ thống. Những ngày Shopee có đợt sale lớn như 10.10, 11.11…, số đơn có thể lên đến 500".
Nói thêm về những khó khăn ít ai hiểu cho công việc shipper... ngồi một chỗ, anh Đài nói: "Mỗi ngày shipper phải giao thành công ít nhất 80% số đơn đã nhận. Nếu không đạt, lương ngày hôm đó sẽ bị trừ 5%, còn ảnh hưởng thành tích của cả kho, bị quản lý mắng và tạo áp lực".
"Đặc biệt trong các đợt sale lớn, lượng đơn hàng tăng vọt khiến công việc trở nên căng thẳng và mệt mỏi hơn. Nếu không giao hết hàng đúng chỉ tiêu, mình phải giải trình với quản lý, điều này rất phiền phức. Hơn nữa, áp lực cũng dồn hàng lên kho, khi hàng mới liên tục về, việc dồn lại rất dễ dẫn đến tình trạng "bể kho" (nhiều hàng nhưng không giao kịp)", anh Đài nói.
So với các shipper giao tận nhà, anh Đài nhận định rằng ở góc độ thời gian, các shipper... ngồi một chỗ thường gặp khó khăn hơn nhiều.
"Shipper giao tận nhà thường quen với khách, họ chỉ cần gọi và thảy hàng vào nhà là xong, không phải chờ đợi nên tốc độ giao hàng nhanh hơn rất nhiều. Trong khi đó, shipper... ngồi một chỗ tuy không phải tốn xăng xe cho việc di chuyển giao hàng, nhưng vẫn phải chịu đựng nắng, khói bụi. Mệt mỏi nhất là khi phải chờ đợi khách đến nhận hàng. Giao một đơn hàng có thể tốn cả ngày. Nhiều khi gọi điện, khách lười, sợ nắng không đến lấy. Thậm chí có khách hàng về quê, nhờ giữ hàng cả tuần lễ… Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến KPI của tôi", anh Đài chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Tuấn (23 tuổi), nhân viên giao hàng J&T Express tại cụm chung cư trên đường Tân Lập, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, Bình Dương, chia sẻ thu nhập của shipper lệ thuộc rất nhiều vào số lượng đơn hàng giao thành công. Vì vậy, họ phụ thuộc khá nhiều vào sự hợp tác của khách hàng.
Hoàng Tuấn cho biết: "Những shipper giao hàng tận nhà có thể chủ động hơn, vì họ thường quen khách, chỉ cần để hàng trước cửa và nhận chuyển khoản sau. Còn giao hàng ở chung cư thì phức tạp hơn, vì phải đợi người nhận xuống lấy. Có lúc khách không nghe máy, khiến thời gian giao hàng khó kiểm soát được".
Shipper... ngồi một chỗ: "Được cái này thì mất cái kia"
Đó là chia sẻ của anh Thái Ngọc Ẩn (35 tuổi), nhân viên giao hàng Shopee Express, khi được hỏi về suy nghĩ của anh trước ý kiến cho rằng công việc shipper... ngồi một chỗ "khá nhàn". Anh Ngọc Ẩn cho biết công việc nào cũng có những khó khăn riêng, vì vậy so sánh cái nào "nhàn" hơn là khập khiễng.
Anh Ngọc Ẩn chia sẻ: "Lương shipper sẽ tính dựa trên các đơn hàng giao thành công, tùy vào khối lượng mà phí nhận sẽ khác nhưng đa phần là 3.000 đồng/đơn. Mà ở các tòa nhà, ký túc xá, khách hàng đặt mua nhiều, nên mỗi ngày tôi giao nhiều đơn, tuy mệt nhưng thu nhập ổn định".
Tuy nhiên, anh Ngọc Ẩn cũng không quên nhấn mạnh những khó khăn trong công việc của mình. "Khi trời mưa lớn đột ngột, hàng hóa có thể bị ướt, che chắn không kỹ, tôi cũng phải đền. Tiền cước gọi điện thoại hằng tháng cũng tốn gần 1 triệu đồng. Mệt nhất vẫn là khi khách không lấy, mình giữ hàng cho họ rồi cứ dồn lại từ ngày này qua ngày khác. Đặc biệt là những ngày săn sale, hàng nhiều rồi áp lực lại tăng. Thử tưởng tượng phải tìm hàng cho gần 20 khách cùng lúc hay đến 16 giờ mà còn mấy trăm đơn chưa lấy là bạn sẽ hiểu", anh Ngọc Ẩn nói.
Đồng quan điểm trên, Lương Hoàng Phi (27 tuổi), với 3 năm kinh nghiệm làm shipper tại cụm chung cư Landmark, Q. Bình Thạnh, chia sẻ: "Công việc của shipper phụ thuộc vào may mắn, nếu được phân tuyến có nhiều khách đặt hàng thì thu nhập cao hơn". Tuy nhiên, Hoàng Phi cho rằng điều quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ tốt với khách để việc giao hàng nhanh chóng hơn.
Bình luận (0)