Show âm nhạc cùng live band hồi sinh

16/01/2022 07:15 GMT+7

Không chỉ tìm không gian biểu diễn mới mẻ, dễ khơi gợi cảm xúc, các nghệ sĩ, đơn vị tổ chức show âm nhạc gần đây còn chú trọng đến sự tương tác, chất “live” khi luôn có ban nhạc sống chơi cùng.

“Chiều chuộng” cảm xúc khán giả

Sau 2 đêm diễn dành cho ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh và Hoàng Dũng tổ chức tại Saigon South Marina Club (Q.7, TP.HCM) hồi tháng 12.2021, The Show Vietnam tiếp tục mang đến cho người thưởng thức một trải nghiệm thi vị cùng âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí khi được thực hiện trong khuôn viên Dinh Thống Nhất (Q.1, TP.HCM) vào tối qua 15.1. Đây là chương trình được tổ chức định kỳ 2 lần/tháng, dưới hình thức những buổi trình diễn live từ các ca sĩ, nhạc sĩ cùng ban nhạc (do nhạc sĩ Hoàng Nhã đảm trách), mang đến góc nhìn đa dạng, giàu cảm xúc qua các tác phẩm được thể hiện cùng những câu chuyện được truyền tải. Vào tháng 3 tới, chương trình sẽ đến với khán giả xứ ngàn hoa, trong không gian lãng mạn, cổ kính của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (mỗi quý sẽ có chương trình diễn ra tại thành phố khác ngoài TP.HCM).

Giá trị âm nhạc (ở đây là biểu diễn), dù có sáng tạo hay bay bổng đến mấy cũng không thể thiếu sự tương tác, giao thoa.

Mà âm thanh của tiếng đàn, tiếng trống hay dàn dây... rung lên, vang ra từ nhạc cụ của nghệ sĩ trình diễn thật, khi hòa cùng tiếng hát của ca sĩ hẳn sẽ dễ chạm đến trái tim người thưởng thức hơn.

Đạo diễn Vân Trình

Trong khi đó, với chuỗi chương trình Phòng trà Online, từ số 4-5-6, ê kíp sản xuất (Top Live Show) mang đến phiên bản mới: Live in Nature - Hát giữa thiên nhiên, kết hợp hình thức trực tuyến (như các số 1-2-3) và biểu diễn trực tiếp có khán giả, tại các tỉnh thành khác nhau: Hưng Yên, Đà Lạt, Thung Nham - Ninh Bình cùng ban nhạc của nhạc sĩ Vĩnh Tâm.

Uyên Linh và Văn Mai Hương trong buổi tập với ban nhạc của The Show Vietnam - số dành cho âm nhạc Đức Trí

H.A.G

Với chuỗi live show In the Moonlight, ê kíp sản xuất mong muốn tạo ra không gian âm nhạc kế thừa mô hình phòng trà truyền thống với xu hướng trải nghiệm đa giác quan. Ở đó vừa có âm nhạc hay, sân khấu cuốn hút do được thiết kế tại một trong những địa điểm độc đáo ở TP.HCM - khu vườn gỗ trên tầng rooftop của Gem Center (Q.1).

Phòng trà Online số 5 tại đồi Đỗ Quyên, Đà Lạt

Nguyên Trương

Mới đây, ca nhạc sĩ Trịnh Thăng Bình đã thực hiện The First Show Trịnh Thăng Bình - 10 năm cùng em, tại điểm diễn còn khá mới mẻ đối với người yêu nhạc: sân khấu của Trung tâm Văn hóa Hòa Bình, TP.HCM. Theo Trịnh Thăng Bình, đây là sân khấu mà anh đã mong muốn thực hiện từ lâu - không phải hoành tráng dữ dội mà quan trọng là rất ý nghĩa với anh khi cùng B Band thỏa sức chơi nhạc, cùng khán giả san sẻ những cảm xúc tuyệt vời mà âm nhạc hay ký ức do chính âm nhạc của anh mang lại. Theo đó, những câu chuyện tự nhiên, duyên và hóm trong không khí live band sống động đưa người nghe đến thật gần và thật dễ chịu cùng âm nhạc.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến show âm nhạc thật biết cách “chiều chuộng” cảm xúc người hâm mộ khắp mọi miền từ Mỹ Tâm - My Soul 1981 (đã diễn ra số đầu tiên với tình khúc Đức Trí). Không chỉ đưa người nghe vào miền ký ức đẹp qua những giai điệu vừa tha thiết vừa dịu êm từ màu sắc âm nhạc tạo nên tên tuổi Đức Trí, My Soul 1981 còn là chuỗi đêm nhạc trực tuyến có thu phí đầu tiên tại VN mà theo Mỹ Tâm mong muốn, sẽ giúp tạo nên xu hướng thưởng thức âm nhạc mới, bên cạnh hình thức truyền thống, đến với cộng đồng người yêu nhạc Việt ở bất cứ nơi đâu…

Hiệu quả hơn về nghệ thuật?

Thực tế cho thấy, dù dịch Covid-19 tác động không ít đến ngành tổ chức biểu diễn, song các nhà sản xuất, ca sĩ đã thật “chịu chi”, “chịu chơi” khi đầu tư từ hình thức, không gian biểu diễn đến hát cùng ban nhạc cho những cuộc hạnh ngộ trong “trạng thái bình thường mới”.

Theo đạo diễn Thái Huân (tổng đạo diễn The Show Vietnam), việc có live band hay được đắm chìm trong không gian thưởng thức chan hòa cùng thiên nhiên sẽ mang đến hiệu quả cao về tính nghệ thuật và khơi dậy cảm xúc cho người biểu diễn lẫn người nghe - điều rất cần sau thời gian dài “đóng băng” vì đại dịch.

Đạo diễn Thái Huân chia sẻ thêm: “Nhà đầu tư chắc chắn phải có tham vọng hoặc cố gắng để việc kinh doanh đạt hiệu quả; nhưng nhiều nhà kinh doanh nghệ thuật ngoài mục tiêu kinh tế còn mong muốn mang đến điều ý nghĩa hơn cho công chúng, mong muốn sự thành công thương hiệu có giá trị và được công nhận đúng đắn. The Show Vietnam cũng thế”.

Ở góc nhìn khác, đạo diễn Vân Trình (nhà sản xuất Top Live Show) cho rằng, việc “chịu chơi” trong thời buổi hiện nay như là một canh bạc, ở đó đơn vị sản xuất sẽ đối mặt 2 trạng thái. Một là thuận lợi, vì trong lúc các tụ điểm sân khấu chưa thể hoạt động lại hoặc không hoạt động hết công suất như trước, việc mạnh dạn tung ra các chương trình vừa có thể thu hút khán giả, vừa tạo được “sức sống” cho thị trường ca nhạc nói chung và nghệ sĩ, nhạc công nói riêng. Hơn nữa, nếu “chịu chi - chịu chơi” lúc này, sẽ tạo được tiền đề cho các show tiếp theo khi định hình được chất lượng lẫn mô hình để tạo chỗ đứng trong giai đoạn mới. Song song đó, nỗi lo - đối mặt lớn nhất chính là diễn biến của dịch bệnh, show có thể phải hủy bất cứ lúc nào.

Với Vân Trình (người có kinh nghiệm trong nghề hơn 13 năm, bên cạnh việc đi học ở các môi trường phát triển về sản xuất chương trình âm nhạc như Nhật, Hàn, Thái), dù là làm nghiêm túc trong cuộc chơi âm nhạc, cuộc chơi cảm xúc thì mục đích lâu dài của ê kíp vẫn là định hình mô hình biểu diễn với live band là một loại hình có sức sống, dù bất cứ không gian nào chứ không chỉ ở phòng trà hay tụ điểm cố định.

“Tôi nghĩ đó sẽ là xu hướng trong thời gian tới, và cũng là lý do chúng tôi chọn kiên định với con đường này từ năm 2020. Bên cạnh giải trí, giá trị âm nhạc (ở đây là biểu diễn), dù có sáng tạo hay bay bổng đến mấy cũng không thể thiếu sự tương tác, giao thoa. Mà âm thanh của tiếng đàn, tiếng trống hay dàn dây… rung lên, vang ra từ nhạc cụ của nghệ sĩ trình diễn thật, khi hòa cùng tiếng hát của ca sĩ hẳn sẽ dễ chạm đến trái tim người thưởng thức hơn”, đạo diễn Vân Trình nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.