Đỉnh cao trong “sự nghiệp” thể thao của ca sĩ Đăng Dương là chức vô địch giải tennis không chuyên do Đài tiếng nói VN tổ chức. Anh thuộc hàng vận động viên có thâm niên khi đã chơi môn này được 20 năm.
Ca sĩ Đăng Dương trong một trận đấu tennis - Ảnh: Chí Hường
|
Nghiệp dư mà như chuyên nghiệp
“Cách đây 20 năm mà đã cầm vợt tennis là cũng “kinh” đây! Mà chơi lâu như vậy có khác gì VĐV chuyên nghiệp đâu”, đáp lại lời trêu chọc của tôi, Đăng Dương kêu lên thất thanh: “Úi giời ơi. Tôi cũng thích đá bóng nhưng vì không thể đá được nên tập sang cái này. Rồi thích. Rồi nghiện. Rồi mê. Đến mức không thể bỏ được. Nhưng tập chừng ấy thời gian hay tập thêm… trăm năm nữa, cũng không thành chuyên nghiệp được. Chỉ là tập cho vui ấy mà. Mọi người đều thừa biết, dòng nhạc mà tôi gắn bó không phải dòng nhạc sôi động. Nhạc đỏ nên cứ phải đứng gần như “im lìm” trên sân khấu, chỉ cất giọng hát thôi. Ít vận động nên nếu không tập thể thao thì sức khỏe kém lắm”.
Đăng Dương kể thêm, dù chơi tennis đúng… một phần năm thế kỷ nhưng anh không theo bất kỳ lớp đào tạo nào cả mà toàn tự tập. “Ban đầu cũng lóng ngóng lắm, nhưng chỉ vài bữa là quen. Các động tác cứ thuần thục dần mà không cần đến HLV chuyên ngành. Tôi không muốn học hành bài bản vì chỉ xác định tập tennis để thêm hương vị và sắc màu cho cuộc sống. Cứ ra sân nhìn mọi người tập, mình học theo. Coi đối thủ như HLV của mình rồi mình tự làm thầy cho mình. Tự tập cũng có cái thú vị riêng của nó”, ca sĩ Đăng Dương kể.
Xét về mặt hình thể, Đăng Dương khá có lợi thế vì sở hữu chiều cao tương đối, “nhưng tôi đã bảo rồi, đánh theo kiểu chuyên nghiệp thì mới cậy đến chiều cao này nọ, chứ hỏi tôi sở trường sở đoản gì, chắc tôi chịu”.
Thật tình cờ và thật bất ngờ khi một người bạn của tôi lại hay đánh đôi với Đăng Dương ở sân tennis Royal City. Anh khen đồng đội của mình thế này: “Ông Đăng Dương nghiệp dư thôi mà “oánh” hay phết. Cú cắt tốt. Cú smash cũng tốt. Trong nhiều trận đấu, ông Dương có những cú cắt trái rồi cắt trái gài chân cực kỳ hiệu quả, đẩy đối phương vào thế bị động. Hoặc có những trận, ông Dương kết liễu đối thủ bằng những cú smash “tanh tưởi” vì vừa uy lực vừa rất đúng thời điểm”.
Luôn hài hước trên sân
“Ông” Đăng Dương phẩy tay khi được khen: “Ôi, ăn thua gì đâu. Tôi chẳng dám nhận mình là có “số má” ở sân tập. Vận động để ra mồ hôi là chính”. Người bạn tôi “tường thuật” thêm về Đăng Dương: “Cứ bữa nào vì bận mà anh Dương vắng mặt thì không khí buồn hẳn. Anh ấy theo đuổi dòng nhạc cực kỳ nghiêm túc nhưng tính cách lại rất hài hước và rất hay có cái trò… khích tướng. Kiểu trêu chọc cho đối phương tức phát cáu lên: Ông đánh chán thế thì làm sao qua mặt được tôi. Hoặc: Phải đánh “ngon” như... tôi thế này này! Nói tóm lại, có anh Dương, sân tập lúc nào cũng hết sức sôi động”.
Hôm nọ Hà Nội lất phất mưa, Đăng Dương vẫn mang “vũ khí” ra sân lúc 6 giờ chiều, rồi sáng hôm sau lại lóc cóc đi tập. Ngày 1.8, chúng tôi làm khán giả tại sân tập Royal City và chứng kiến từ đầu đến cuối “trận thi đấu đỉnh cao” của ca sĩ Đăng Dương. Anh chơi rất sung và có màn lội ngược dòng ngoạn mục trước đối thủ trẻ hơn mình vài tuổi. Chẳng đề cập tẹo nào về trình độ chuyên môn của chính mình, Dương chỉ tự nhận mình là VĐV số một về sự chăm chỉ.
“Mưa thì tập trong sân có mái che. Thời tiết không phải trở ngại quan trọng nhất. Chỉ sợ ngày nào đó, mình già, không ham tập tành nữa thì chán lắm”, anh nói.
Tôi hỏi có kỷ niệm gì đáng nhớ nhất trong 20 năm cầm vợt không, anh bảo: “À, cũng có đấy. “Hoành tráng” lắm chứ không phải đùa đâu. Tôi từng giành chức vô địch nội dung đánh đôi giải tennis do Đài tiếng nói VN tổ chức, năm 2010 thì phải”.
Ca sĩ Đăng Dương sinh năm 1974 tại xã Đức Xương, H.Gia Lộc, Hải Dương. Đăng Dương nổi tiếng với dòng nhạc cổ điển và nhạc cách mạng, từng giành giải nhất Giọng hát Sinh viên toàn quốc năm 1995. Năm 2000, Đăng Dương tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và được mời ở lại làm giảng viên. Hiện anh là ca sĩ thuộc biên chế của Đài tiếng nói VN.
|
Bình luận (0)