Sĩ quan quân đội sắp được đãi ngộ nhiều chính sách

27/09/2024 04:48 GMT+7

Theo dự thảo luật, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được tăng thêm độ tuổi nghỉ hưu nên sẽ được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75%, được quan tâm đến chế độ nhà ở.

Ngày 26.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Dự thảo lần này đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới đối với đội ngũ sĩ quan quân đội. Khi luật được thi hành sẽ góp phần thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện để cán bộ sĩ quan ổn định hậu phương, an tâm công tác, xây dựng quân đội", đại diện Quân khu 7 nêu.

Theo dự thảo, tại điều 13 quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm. Theo đó, đối với cấp úy là 50 tuổi; thiếu tá 52 tuổi; trung tá 54 tuổi; thượng tá 56 tuổi; đại tá 58 tuổi; cấp tướng 60 tuổi.

Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ theo quy định trên không quá 5 năm.

Sĩ quan quân đội sắp được đãi ngộ nhiều chính sách- Ảnh 1.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo

ẢNH: NGÂN NGA

Riêng sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù, hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…

Đại diện Quân khu 7 cho biết, với cơ cấu độ tuổi trên, thời gian phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp trung tá trở xuống (chiếm đa số trong đội ngũ sĩ quan) sẽ tăng từ 3 - 4 năm so với luật hiện hành. Việc này vừa bảo đảm tính tương đối thống nhất với luật Lao động và luật Bảo hiểm xã hội, vừa thu hút, tận dụng được nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm thực tiễn, sức khỏe, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mang tính đặc thù hoạt động quân sự.

Đồng thời, đại diện Quân khu 7 còn cho rằng sẽ giải quyết được vấn đề chế độ chính sách khi sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ được hưởng mức lương hưu cao nhất (75%). Dự thảo đã quy định tuổi của nam và nữ sĩ quan bằng nhau, thể hiện sự bình đẳng giới.

Sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn nếu trong chiến đấu học tập lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác, nghiên cứu khoa học được khen thưởng (khoản 2 điều 18 dự thảo). Đây là nội dung mới, bởi trước đây chỉ có thăng quân hàm trước hạn, không xét nâng lương trước hạn.

Đặc biệt, sĩ quan do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hàng năm, thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ (khoản 3 điều 32 dự thảo).

Dự thảo luật còn quan tâm đến nhà ở cho sĩ quan. Cụ thể, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện (khoản 2 vào điều 46 dự thảo).

Ngoài những chính sách đặc biệt có lợi cho sĩ quan quân đội như ở trên, đại diện Quân khu 7 còn đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu có chính sách đặc thù đối với sĩ quan quân đội, bảo đảm khi cán bộ nghỉ hưu đúng tuổi theo cấp bậc quân hàm cơ bản đều được hưởng mức lương hưu tối đa là 75%.

Về việc thăng quân hàm, nâng lương, theo đại diện Quân khu 7 cần có hướng dẫn thực hiện chi tiết, cụ thể. Trong đó, hệ số nâng lương phải bằng với hệ số thăng quân hàm. Vì điều kiện, tiêu chuẩn thăng quân hàm và nâng lương như nhau, chỉ khác sĩ quan được nâng lương do chức vụ không có trần quân hàm cao hơn quân hàm hiện tại.

Đối với thăng quân hàm, nâng lương trước hạn cần quy định chặt chẽ, vừa bảo đảm sự quan tâm, tạo điều kiện đối với sĩ quan có thành tích tốt, nhất là đối với cán bộ cấp cơ sở, cán bộ ở đơn vị đủ quân sẵn sàng chiến đấu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn...

Tránh để sĩ quan quân đội bị thiệt thòi

Ông Đặng Văn Lược, Ban Chỉ huy Quân sự Q.Tân Phú, TP.HCM bổ sung thêm, trong điểm h khoản 1 điều 15 của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi năm 2014 và Thông tư 160 năm 2017 của Bộ Quốc phòng quy định chức vụ, chức danh tương đương và chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy. Trợ lý cấp Bộ Tư lệnh thành phố và quận, huyện là quân hàm thiếu tá, tương đương chức danh chính trị viên, đại đội trưởng đại đội.

"Tôi kiến nghị Quốc hội có sự quan tâm cơ bản các đồng chí trợ lý quận, huyện. Bởi họ đều tốt nghiệp trình độ đại học, công tác đến khi nghỉ hưu vẫn là thiếu tá. Tuy nhiên, nhìn vào lực lượng công an thì có sự chênh lệch là các đồng chí cảnh sát khu vực ở phường nhưng có bằng đại học thì quân hàm là trung tá. Đây là một sự thiệt thòi cho các đồng chí quân đội nghỉ hưu quân hàm thấp, thì mức lương hưu cũng thấp".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.