Thuế, hải quan "siết" buôn lậu, kinh doanh vàng trái phép
Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tăng cường biện pháp quản lý, giám sát, phòng chống buôn lậu, kinh doanh vàng trái phép. Theo cơ quan này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5.2, Công điện số 23 ngày 20.3 về việc tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, thời gian qua thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp.
Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế và liên tục có nhiều biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính và tâm lý xã hội. Để đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ Bộ Tài chính đã giao tại Công văn số 4579 ngày 4.5 về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, nhằm góp phần quản lý tốt hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh vàng...
Trên thực tế, từ cuối năm 2023 đến nay giá vàng tăng liên tục. Đáng chú ý, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với thế giới thường xuyên duy trì ở mức cao từ 13 - 15 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm đẩy lên đến gần 20 triệu đồng/lượng bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường. Hôm qua 15.5, vàng miếng SJC được mua vào 87,7 triệu đồng/lượng và bán ra 90,2 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng so với một ngày trước đó. Hiện vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới 17,3 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 4 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch quá cao giữa vàng miếng SJC với thế giới được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu, làm chảy máu ngoại tệ và góp phần gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của VN. Mặc dù không có số liệu thống kê báo cáo nào về tình hình nhập lậu vàng vào VN, nhưng một số vụ khởi tố hình sự gần đây cho thấy hoạt động này vẫn đang diễn ra. Chẳng hạn, cuối tháng 3 vừa qua, Viện KSND tối cao hoàn tất cáo trạng, đề nghị TAND TP.HCM xét xử 24 bị can trong vụ án buôn lậu hơn 6.000 kg vàng thỏi xảy ra tại TP.HCM, Tây Ninh và một số tỉnh lân cận.
Theo đó, từ đầu năm 2022, bị can Nguyễn Thị Minh Phụng (kinh doanh vàng tự do, thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM) và bị can Nguyễn Thị Thúy Hằng (chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng ở Tây Ninh) móc nối Nguyễn Thị Ngọc Giàu (cư dân biên giới sinh sống tại khu vực cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh) thiết lập, tổ chức, điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về VN qua cửa khẩu Chàng Riệc, sau đó bán lại cho khách hàng trong nước.
Tổng cộng 2 đường dây buôn lậu này đã "tuồn" vào VN hơn 6.000 kg vàng thỏi, trị giá trên 8.400 tỉ đồng. Hay trước đó, trong năm 2021 - 2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cũng liên tục khởi tố nhiều vụ mua bán vàng nhập lậu số lượng lớn từ Campuchia về VN, trong đó có vụ án Mười Tường buôn lậu 51 kg vàng 4 số 9…
Cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, chặn buôn lậu
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, việc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, chủ yếu là vàng nhẫn sẽ đáp ứng được nhu cầu cất trữ của người dân, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, hạn chế tình trạng nhập lậu vàng nguyên liệu. Đồng thời, sẽ giúp doanh nghiệp (DN) minh bạch nguồn gốc nguyên liệu, đảm bảo chất lượng trong hoạt động sản xuất.
"Ở các nước, tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2% là đã xuất hiện hiện tượng buôn lậu vàng. Ngay cả Hội đồng vàng thế giới trước đây cũng đã có khuyến nghị thuế suất nhập khẩu 1% là cao, nếu trên mức này thì hiện tượng buôn lậu cũng xảy ra. Vấn đề hiện nay cần giải quyết là tăng nguồn nguyên liệu vàng cho hoạt động sản xuất trên thị trường, bên cạnh giải pháp đấu thầu vàng mà NHNN đang triển khai. Các DN hiện nay gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu, không có cơ sở để xác minh nguồn gốc vàng nguyên liệu thu mua, do đó DN có tâm lý lo ngại rủi ro về mặt pháp lý khi mua nguyên liệu trên thị trường.
Việc các đơn vị kinh doanh vàng bán hạn chế 1 - 3 chỉ vàng nhẫn, hay 1 - 3 lượng vàng miếng, cũng như đặt cọc rồi mấy ngày sau nhận vàng… đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, muốn mua mà không mua được. Hệ lụy là giá vàng nhảy múa khi nguồn cung vàng trên thị trường không có. Nay NHNN tăng cường đấu thầu, tăng cung vàng miếng. Bên cạnh đó nên cho DN nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức mỹ nghệ. Những quy định này nằm trong khuôn khổ Nghị định 24/2012 (Nghị định 24), có thể triển khai ngay mà không cần chờ sửa đổi", ông Huỳnh Trung Khánh cho hay.
Vẫn nhắc lại quan điểm về việc cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, phân tích: Thị trường có 2 vấn đề được nhắc tới là vàng hóa và chênh lệch cao bất hợp lý giữa giá trong nước với quốc tế. Hiện nay, tình trạng vàng hóa không còn nữa vì đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay trong các ngân hàng. Vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng cao đến mức phi lý, thậm chí có lúc mức chênh lệch lên gần 30% giá vàng.
"Lâu nay chúng ta không nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi nhu cầu trong nước vẫn có. Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới, mỗi năm nhu cầu VN có thể lên tới 50 tấn vàng, vậy nếu không nhập khẩu chính thức thì nguồn cung từ đâu? Cung thấp hơn nhiều so với cầu, như vậy để bù đắp nhu cầu này, người ta phải nhập lậu vàng hoặc là tăng giá vàng lên. Việc đấu thầu vàng miếng mà NHNN đang thực hiện chỉ có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn. Song giải pháp căn cơ nhất, đúng thông lệ quốc tế là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp", ông Nghĩa nói và khẳng định: Để làm được điều này, cần phải sửa Nghị định 24, trong đó bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đồng thời, ông Nghĩa đề xuất trả lại thương hiệu SJC về cho Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn. Khi làm điều này, giá vàng SJC trên thị trường sẽ giảm xuống như vàng 9999 bình thường, có thể giá vàng SJC đắt hơn một chút do có thương hiệu. Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẽ thu hẹp lại đáng kể.
"Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới nếu không còn cao, không đáng kể thì làm sao có buôn lậu. Hay nói cách khác khi cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng thì mức chênh lệch trong nước với thế giới sẽ giảm mạnh so với hiện nay và ngăn chặn ngay tình trạng buôn lậu", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Hôm qua 15.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện tháng 4, tham gia ý kiến vào báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Báo cáo tại phiên họp, trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết thời gian qua, tình hình biến động giá vàng vô cùng phức tạp. Bộ Công an đã nắm bắt tình hình, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề, đặc biệt là kiến nghị các giải pháp quan trọng liên quan đến an ninh tiền tệ, quản lý thị trường vàng. Cụ thể như sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng SJC, tăng cường quy mô dự trữ vàng, quản lý khuôn vàng miếng SJC tại nhà máy in tiền quốc gia… Trước đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Bình luận (0)