Sáng 15.3, tại buổi làm việc với chính quyền Bình Thuận về công tác phòng chống dịch Covid-19, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, trong đó có Bình Thuận.
“Thủ tướng chỉ đạo phải quyết tâm cao nhất, không được chủ quan với dịch Covid-19 vì đã bước sang giai đoạn vô cùng phức tạp. Chỉ cần lơ là, chủ quan thì độ lây lan của dịch Covid-19 không chỉ là cấp số nhân, mà là cấp lũy thừa. Bình Thuận cần phải tập trung sàng lọc F1 (tiếp xúc gần), F2 (tiếp xúc xa) để cách ly hiệu quả, không được để lây lan cho cộng đồng và lây lan cho nhân viên ngành y tế”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bệnh nhân 34 “rất phức tạp”
Về điều tra dịch tễ các nguồn lây bệnh từ các bệnh nhân (BN), ông Sơn cho rằng Bình Thuận có BN 34 “rất phức tạp”. Là doanh nhân, nên BN này có quan hệ làm ăn, giao dịch nhiều người, nhiều nơi, nguy cơ lây bệnh cho nhiều người rất cao. Đây là điều Bộ Y tế rất quan ngại, đề nghị Bình Thuận phải hết sức chú ý. Ngành y tế phải tìm hết người đã tiếp xúc với BN 34 để khoanh vùng và cách ly triệt để, ngăn chặn lây lan.
BS Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, cho hay tính đến chiều tối qua, Bình Thuận ghi nhận 203 người thuộc diện F1; 761 người thuộc diện F2. Tất cả đã được cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Theo ông Việt, hiện địa phương đang thiếu điều kiện cơ bản về nhân lực, cơ sở vật chất nếu dịch tiếp tục tăng cao và đề nghị Bộ Y tế trang bị cho Bình Thuận một phòng xét nghiệm độc lập để có thể tự xét nghiệm, công bố kết quả các mẫu.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Nguyễn Văn Luân cho biết việc vận động các BN gặp nhiều khó khăn. BN 38 (con dâu BN 34, nhân viên ngân hàng) không hợp tác với chính quyền khi được vận động đi cách ly tập trung. UBND TP phải làm việc với thủ trưởng đơn vị nơi BN làm việc để vận động thì BN này mới chịu đi cách ly!
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa (Trưởng BCĐ phòng chống dịch Covid-19) cho biết BN khai báo không đầy đủ gây khó khăn cho điều tra dịch tễ. BN 34 ban đầu chỉ khai có 17 người tiếp xúc F1 (hiện nay đã có 46 người F1 - PV). Bình Thuận đã chuẩn bị kịch bản để đối phó trong trường hợp số BN lên đến 20 người. Ông Hòa cho rằng Bình Thuận đang chuẩn bị tốt về phương án y tế, dịch tễ, không để “vỡ trận”. Trong đó, chú trọng đặc biệt khâu cách ly. Ông Hòa thừa nhận “ban đầu ngành y tế tỉnh hơi lúng túng vì chưa gặp dịch như vậy bao giờ”.
Xuống từng nhà dân vận động khai báo
Theo ông Nguyễn Văn Luân, trong số 8 BN của TP.Phan Thiết (1 của H.Hàm Thuận Bắc) thì các BN 34, 36, 41, 42, 43 là có nguy cơ lây bệnh rất cao vì tiếp xúc với nhiều người, TP.Phan Thiết đã xuống từng nhà dân vận động bà con khai báo y tế, không để sót F1, F2. “Hiện TP.Phan Thiết phát hiện thêm 6 người tại địa phương đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 45 (trú Q.Tân Bình, TP.HCM)”, ông Luân nói và cho biết sáng cùng ngày (15.3) ngành y tế đã kích hoạt cơ sở cách ly tập trung thứ 3 là Trường Quân sự địa phương ở xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết.
Còn theo một chuyên gia điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TP.HCM, nếu người bị điều tra dịch tễ cố tình giấu thì cán bộ y tế sẽ khó khăn. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu người đó giấu thông tin, như nói nhát gừng, thiếu logic... thì cần có nhiều người khác tham gia điều tra, hoặc cần người có uy tín hơn. Khi đã có chút thông tin thì từ đó lần theo “đường dây thông tin đã có” để hỏi tới. “Khi hỏi dịch tễ ngoài hỏi làm gì, ở đâu, khi nào, tại sao... cần phải gợi nhớ, gợi mở cho người được hỏi, làm sao cho họ hợp tác. Cũng có những chi tiết họ lưu trong điện thoại nên cần hỏi thêm và kiểm tra thiết bị này”, chuyên gia này nói.
Đang xem xét việc xử phạtMột lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, tuần qua vụ này đã họp về việc áp dụng xử phạt hành chính đối với người vi phạm các quy định về phòng chống dịch (không thực hiện cách ly, khai báo y tế không trung thực, không khai báo y tế theo quy định để tránh cách ly trong vụ dịch...).
Theo quy định tại Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt với hành vi từ 5 - 10 triệu đồng. Vừa qua, đã có một số người đi về từ vùng dịch nhưng khai báo y tế không đúng, hoặc không khai báo, cơ quan chức năng đang thu thập các chứng cứ để xác định, các tình huống xảy ra do cố ý hay vô ý, từ đó áp dụng xử phạt đúng.
|
Chưa phát hiện lây nhiễm Covid-19 ở chung cư Hòa Bình (TP.HCM)Ngày 15.3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết kết quả xét nghiệm 63 người ở chung cư Hòa Bình (Q.10) - nơi có BN Covid-19 thứ 48 - đều âm tính (gồm: cư dân ở lầu 1, 2, 3 và 13 nhân viên bảo vệ, tạp vụ, giữ xe).
Theo HCDC, bước đầu cho thấy chưa có sự lây lan Covid-19 ở chung cư này. HCDC tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tất cả cư dân từ tầng 4 đến tầng thượng của khu A1. Chỉ hạn chế sự ra vào của các căn hộ khu A1, chờ kết quả xét nghiệm. Riêng các căn hộ liền kề ở tầng 1 của BN ở khu A1 vẫn tiếp tục cách ly tại chỗ dưới sự giám sát của y tế địa phương.
|
Bình luận (0)