Siết chi khám chữa bệnh BHYT: Rất khó vừa vặn với số tiền được giao

30/07/2019 10:07 GMT+7

Trong năm 2018, toàn Hà Nội, các BV đề nghị 17.400 tỉ đồng, BHXH thẩm định chấp thuận 17.200 tỉ đồng, tuy nhiên nguồn Chính phủ giao chỉ có 16.800 tỉ đồng...

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho rằng việc giao dự toán trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT giúp các BV có thể biết được “hầu bao” của đơn vị mình để chủ động và cân đối trong cung cấp dịch vụ cho người bệnh BHYT. Việc này cũng là một giải pháp để tránh việc BS các BV chỉ định quá mức cần thiết gây bội chi bất hợp lý vì nguồn quỹ BHYT chỉ có hạn.
Tuy nhiên, theo bà Nhị Hà, chi phí thực tế sẽ rất khó để chi vừa vặn với đúng số tiền được giao theo dự toán vì mức độ sử dụng dịch vụ phụ thuộc vào sự phát triển kỹ thuật, mô hình bệnh tật và tình trạng tăng/giảm lượng BN nặng nhập viện. Ví dụ, theo dự toán trung bình mỗi BN là A đồng, nhưng nếu nhiều BN nặng thì mức hưởng trung bình này sẽ phải là B đồng, khi đó, không thể vì dự toán mà cắt giảm các dịch vụ của BN, chỉ cung cấp các dịch vụ mức A được.
Bà Nhị Hà cho biết, các BV luôn kiểm soát việc kê đơn, chỉ định dịch vụ phù hợp để bảo đảm với nguồn dự toán được giao, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người bệnh có BHYT được KCB. Theo quy định, dù có vượt trần hay vượt dự toán nhưng đó là chỉ định đúng, chi phí hợp lý thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán, nhưng phải báo cáo lên Hội đồng quản lý quỹ BHYT để xem xét và bổ sung. Tuy nhiên, nguồn cấp bổ sung thì sẽ phải chờ đợi lâu.
Trong năm 2018, toàn Hà Nội, các BV đề nghị 17.400 tỉ đồng, BHXH thẩm định chấp thuận 17.200 tỉ đồng, tuy nhiên nguồn Chính phủ giao chỉ có 16.800 tỉ đồng. Vừa rồi, BHXH có cấp bổ sung cho các BV của Sở Y tế Hà Nội khoảng 120 tỉ đồng. Năm 2019 dự toán chi như 2018. Dự kiến, số thiếu năm 2019 khoảng 100 tỉ đồng. Theo bà Nhị Hà, đến hết 7 tháng năm 2019, các BV tại Hà Nội ước tính đã sử dụng hết 70 - 80% chi phí theo dự toán được giao của cả năm 2019.
GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết: Hầu như năm nào BV cũng vượt trần KCB BHYT do BN đông, các BN BHYT được chỉ định phù hợp và trong quyền lợi mà người bệnh được hưởng. "Năm 2019 với dự toán được giao, dù chúng tôi cố gắng chi tiêu cho vừa đủ nhưng chắc chắn là không thể đủ, vì lượng BN, bệnh nặng và số phẫu thuật đều tăng, chi phí chắc chắn tăng. Nhưng phải đảm bảo quyền lợi mà BN BHYT được hưởng chứ không có chuyện BS lại tư vấn để BN sử dụng dịch vụ theo yêu cầu. Nếu chúng tôi làm không đúng quyền lợi cho người khám BHYT thì họ kiện chúng tôi ngay", GS Trần Bình Giang nói.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH TP.Đà Nẵng), cho biết qua báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, hiện có 4 BV bội chi quỹ BHYT gồm: BV Đà Nẵng (thâm 62 tỉ đồng, vượt 17% so với dự toán chi phí KCB), BV C Đà Nẵng (16 tỉ đồng, vượt 20%), BV đa khoa Gia Đình (10 tỉ đồng, vượt 31%), BV Hoàn Mỹ (11 tỉ đồng, vượt 60%).
Theo ông Bình, BV tư vượt dự toán lớn vì từ đầu năm 2019 thông tuyến KCB nên các BV tư tiếp nhận BN khám BHYT nhiều. Ông Bình nói, theo kinh nghiệm nhiều năm, từ nay đến cuối năm các BV có khả năng điều tiết, cân đối quỹ BHYT, và tình hình tại Đà Nẵng không đáng báo động.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề (Sở Y tế Đà Nẵng), cũng cho rằng các BV sẽ điều chỉnh trong khả năng của mình vì còn đến hơn 5 tháng để cân đối. TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho rằng có thể cân đối trong những tháng còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.