Siết dạy thêm, học thêm: Cơ hội thúc đẩy tinh thần tự học

20/02/2025 05:45 GMT+7

Theo các nhà giáo dục, Thông tư 29 quy định về quản lý dạy thêm, học thêm là cơ hội để nhìn lại phương pháp học tập hiệu quả, bền vững hơn với học sinh; đó là tự học.

Ngày 18.2, Bộ GD-ĐT tiếp tục có thêm thông tin về quản lý dạy thêm, học thêm và một số nội dung giáo dục phổ thông tại giao ban báo chí T.Ư. Tại đây, Bộ tiếp tục nhấn mạnh một trong 5 quan điểm và nguyên tắc xây dựng Thông tư 29 là: "Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Trong đó, học sinh (HS) được phát huy tính chủ động, sáng tạo, thói quen tự học; giáo viên (GV) đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng".

HS ĐANG TỰ HỌC NHƯ THẾ NÀO ?

Bên lề chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên vừa tổ chức tại Đồng Nai và Bình Dương, chúng tôi phỏng vấn nhanh một số HS lớp 12. Rất ít HS cho biết các em "100% tự học" để ôn thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào ĐH.

Siết dạy thêm, học thêm: Cơ hội thúc đẩy tinh thần tự học- Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 đặt nhiều câu hỏi về việc học, định hướng nghề nghiệp… cho các chuyên gia trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2025 tại Bình Dương cuối tuần qua

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Phạm Tuấn Anh (lớp 12C1, Trường THPT Trần Văn Ơn, Bình Dương) đặt mục tiêu vào ngành quản trị kinh doanh của ĐH Kinh tế TP.HCM nên học thêm các môn toán, vật lý, tiếng Anh. "Em học thêm để thấy tự tin hơn khi đi thi. Từ tuần này trường em không dạy buổi chiều nữa nên thời gian đó em tự học ở nhà. Em nghĩ tự học thì cũng đậu được ĐH nhưng khó mà vào được các trường tốp đầu", nam sinh nói.

Lê Hoàng Tuyết Nhung (Trường THPT Trần Văn Ơn, Bình Dương) học thêm các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh để xét tổ hợp D01 vào ngành ngôn ngữ Anh, Học viện Hàng không. Bên cạnh đó, Nhung còn học thêm địa lý để tự tin thi tốt nghiệp THPT. Nhung chia sẻ: "HS lớp 12 đối mặt với nhiều áp lực, từ học hành tới chọn trường, lo lắng tương lai nghề nghiệp trong khi mọi thứ hiện nay không ngừng biến động, thay đổi liên tục".

Sở GD-ĐT TP.HCM Không cấm dạy thêm học thêm nhưng phải đúng quy định

Quỳnh Phương (HS lớp 12 ở TP.Thuận An, Bình Dương) chỉ đi học thêm môn toán, còn lại tự học các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý để xét tổ hợp C00 vào ngành du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). "Ngoài tự học, luyện đề, em học từ các phim lịch sử trên internet. Tuần này trường em cũng không dạy buổi chiều do áp dụng Thông tư 29, HS phải tự học nhiều hơn, trong khi đề thi theo Chương trình GDPT 2018 không biết thế nào, điều này khiến em lo lắng", Phương chia sẻ.

Trong khi đó, Trần Hà Nam (lớp 12C05 Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) chọn tự học là chủ yếu. Nam tham gia một số lớp học trực tuyến của những thầy cô có tiếng, gia nhập cộng đồng tự ôn tập với HS giỏi khắp nơi. "Tự học trên mạng giúp mình có thể tua lại những phần mình chưa rõ, học từ nhiều thầy giỏi. Gặp bài toán khó, mình tự suy nghĩ ra hướng giải, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nhược điểm là nếu không tập trung trên môi trường internet thì rất dễ bị phân tâm", Nam cho hay. Nam sinh này đặt nguyện vọng vào ngành cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng có kinh nghiệm tham khảo những mẹo làm bài, giải toán hay từ bạn bè trên TikTok. "Tuy nhiên, điều này chỉ làm được khi bạn nắm tường tận cốt lõi vấn đề để nhận định kiến thức chia sẻ từ internet là đúng hay sai", Nam nói thêm.

Tự học, rõ ràng mang lại nhiều hiệu quả, nếu đúng phương pháp. Vậy, lời khuyên từ những người đi trước là gì?

Siết dạy thêm, học thêm: Cơ hội thúc đẩy tinh thần tự học- Ảnh 2.

Sinh viên trong khu vực tự học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

ảnh: Thúy Hằng

TỰ HỌC KHÔNG PHẢI LÀ NGỒI ĐỌC SÁCH, LÀM BÀI THỤ ĐỘNG

Từng là trẻ mồ côi từ khi sinh ra, anh Lê Hoàng Phong (hiện là Giám đốc học thuật Tổ chức Giáo dục và đào tạo YOUREORG) không có điều kiện học thêm, không có ai kèm cặp sau giờ học nhưng sau đó vẫn đạt được nhiều thành tựu. Chẳng hạn, anh được chọn từ hơn 9.000 ứng viên để trở thành một trong 4 học giả của VN tham gia chương trình Future Leaders Connect của Hội đồng Anh năm 2021, đồng thời là học giả của chương trình YSEALI Professional Fellowship do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ năm 2022. Anh không phủ nhận giá trị của việc học thêm, song khẳng định nếu có kỹ năng tự học tốt, bất kỳ ai cũng có thể tiến xa. "Mục tiêu cuối cùng của việc học không phải là tìm cách học nhiều hơn mà là học tốt hơn. Và để học tốt hơn, điều cốt lõi không nằm ở việc có học thêm hay không mà là khả năng tự học - một phẩm chất quyết định thành công của bất kỳ ai", anh nói.

"Tự học không đơn giản là ngồi đọc sách hay làm bài tập một cách thụ động. Đó là khả năng tự đặt câu hỏi, tư duy phản biện, tìm kiếm thông tin và rèn luyện kỷ luật cá nhân", anh Phong nhấn mạnh. Anh lấy ví dụ khi còn là HS, sinh viên, khi không có GV hay lớp học thêm để hỗ trợ, anh tự tìm kiếm kiến thức qua thư viện, tài liệu online và học từ những người xung quanh. Anh tận dụng mọi cơ hội để học qua trải nghiệm thực tế, từ những công việc nhỏ nhất đến chương trình cộng đồng.

"Nếu chỉ phụ thuộc vào học thêm, chúng ta có thể bị giới hạn bởi GV, chương trình và thời gian học. Nhưng nếu có khả năng tự học, chúng ta sẽ biến cả thế giới thành lớp học. Tôi tin rằng giáo dục hiện đại cần chuyển trọng tâm từ việc truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng khả năng tự học, bởi chỉ khi HS có thể tự học, các em mới thực sự làm chủ tương lai của mình", anh Phong chia sẻ.

"Thành quả sẽ rất ngọt ngào"

Thạc sĩ Vinh San, Giám đốc truyền thông hệ thống DOL English, kể lại quan sát của mình - người may mắn được đặt chân đến đủ 5 châu lục và nhìn thấy được sự đa dạng về yếu tố văn hóa, giải trí lẫn sự học của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang phát triển. Theo anh, một điểm chung ở nhiều quốc gia phát triển là khả năng tự học của người dân rất tốt.

"Năm 2005, tôi có học bổng toàn phần của Hội đồng Anh qua học tại ĐH Salford (Vương quốc Anh). Tuần đầu tiên, tôi có cảm giác mình đang bị lừa bởi thầy cô giảng bài rất ít, chủ yếu kêu học viên đọc trước rồi đặt câu hỏi để thảo luận qua lại. Thời điểm đó ở VN, trường học là nơi sinh viên chủ yếu nghe và chép", anh kể. Sau này, chính bản thân anh rất biết ơn khóa học vì đã giúp anh có cơ hội tự nỗ lực tìm câu trả lời trước, còn thầy cô chỉ giúp mở rộng, đào sâu vấn đề. Điều này giúp anh trở thành đại biểu báo chí duy nhất từ VN có 7 lần được đài thọ dự hội thảo khoa học máy tính danh giá HLF tại Đức.

"Khi chúng ta được khuyến khích tự học, tuy có chật vật hơn việc được mớm thông tin tất cả từ đầu nhưng thành quả sẽ rất ngọt ngào, bởi cái gì phải trầy trật, lục tung các nguồn để hiểu thì cũng đồng nghĩa sẽ nhớ rất lâu, rất sâu. Và khi phải tự thân vận động trong biển tri thức thường xuyên, người học cũng sẽ có năng lực phản biện tốt hơn hẳn. Nhiều khảo sát đã chỉ ra tư duy phản biện chính là kỹ năng tối quan trọng trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) trỗi dậy mạnh mẽ", anh Vinh San nói. (còn tiếp)

Kỹ năng quan trọng nhất

Anh Vinh San cũng nhắc lại chia sẻ từ GS Klaus Schwab, Chủ tịch kiêm sáng lập viên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), tại buổi giao lưu với sinh viên TP.HCM tháng 10.2024. GS Klaus Schwab nhấn mạnh chúng ta đang ở trong thế giới có tốc độ thay đổi chóng mặt và một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà giới trẻ cần phát triển để "sống sót" chính là tự học, học tập trọn đời. Điều này với Gen Z đang dễ hơn các thế hệ trước rất nhiều bởi sự phát triển của công nghệ, internet, rất nhiều khóa học hay và thậm chí là miễn phí sẽ xuất hiện chỉ sau một cú click chuột.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.