Ngày 11.1, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), xác nhận ngày 9.1, đơn vị này có văn bản gửi sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố; các chi cục kiểm dịch thực vật vùng; đại diện các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông báo về quy định mới khi kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng mít và sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết mới nhận được cảnh báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với lô hàng sầu riêng và mít xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và nguy cơ cao sẽ đánh mất thị phần của Việt Nam.
Để tăng cường quản lý chất lượng các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, thậm chí là dừng ngành hàng, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tiếp tục bố trí kinh phí và con người để kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Siết kiểm dịch xuất khẩu sầu riêng sau cảnh báo từ Trung Quốc
Theo đó, sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; tuyên truyền, tập huấn phổ biến rộng rãi quy định của nước nhập khẩu; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thông báo tạm dừng toàn bộ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với trường hợp không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm theo văn bản số 2635/BVTV-HTQT ngày 9.10.2023 của Cục Bảo vệ thực vật.
Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và thực hiện truy xuất nguồn gốc như một điều kiện bắt buộc trong việc cấp và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo yêu của nước nhập khẩu.
Chủ mã số không trực tiếp xuất khẩu phải có thông báo
Để hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói bảo vệ mã số đã sở hữu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở NN-PTNT thông báo, hướng dẫn chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong trường hợp không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng, cơ sở đóng gói của mình thì gửi văn bản thông báo về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được giao việc cấp và quản lý mã số về dự kiến, khối lượng xuất khẩu từ vùng trồng trong năm và tên đơn vị xuất khẩu.
Sau khi nhận được văn bản thông báo của chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật đồng thời cập nhật trên cơ sở dữ liệu để các chi cục kiểm dịch thực vật vùng lấy cơ sở làm thủ tục kiểm dịch thực vật, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 20.1.
Để thống nhất đầu mối quản lý, Cục Bảo vệ thực vật và các chi cục kiểm dịch thực vật vùng sẽ không nhận thông báo trực tiếp từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đại diện mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Bắt đầu từ ngày 20.1, các chi cục kiểm dịch thực vật vùng dựa trên các báo cáo tổng hợp của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm cơ sở để thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không do chủ sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trực tiếp xuất khẩu.
Bình luận (0)