'Siết' kinh doanh cầm đồ

06/01/2020 11:36 GMT+7

TP.Đà Nẵng tiếp tục tạm dừng đăng ký mới đối với loại hình dịch vụ kinh doanh cầm đồ, do không mang lại lợi ích cho xã hội và người dân.

UBND TP.Đà Nẵng vừa thống kê, xác định trên địa bàn hiện có 268 cơ sở được phép kinh doanh cầm đồ, trong đó 99% là hộ kinh doanh cá thể. Việc thu ngân sách nhà nước từ các cơ sở kinh doanh cầm đồ rất thấp, năm 2018 chỉ có chưa đến 1,5 tỉ đồng (chiếm 0,005% so với tổng thu ngân sách).
Không chỉ vậy, kinh doanh cầm đồ cũng bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, theo Điều 268 Bộ luật Dân sự, đối với người dân cầm cố tài sản, trường hợp các bên tự thỏa thuận lãi suất thì không được quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, hiện nay các chủ cơ sở kinh doanh cầm đồ tự nâng mức lãi suất vay vượt quá quy định, không thể hiện vào hoạt động cầm cố để trục lợi, gây thiệt thòi cho người cầm cố tài sản. “Như vậy, xét trên lĩnh vực kinh tế, hoạt động cầm đồ chỉ có lợi cho chủ cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các chủ cơ sở làm ăn phi pháp chứ không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhà nước và người dân”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đánh giá.
Trog quá trình triển khai Nghị quyết 23/2011/NQ-HĐND ngày 23.12.2011 của HĐND TP.Đà Nẵng khóa 8 nhiệm kỳ 2011 - 2016 (về việc tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh cầm đồ, gọi tắt NQ 23), Sở KH-ĐT và UBND các quận, huyện đã không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở, hộ kinh doanh cầm đồ. Công an TP.Đà Nẵng không cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh cầm đồ, ngoại trừ trường hợp của Chi nhánh Đà Nẵng 1 - Công ty TNHH Srisawad Việt Nam. Đây là trường hợp duy nhất được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đồng ý cho đăng ký mới trong năm 2019, do công ty này đã đăng ký thành lập 35 chi nhánh trên cả nước trước khi đăng ký tại Đà Nẵng.

Tiếp tục tạm dừng cấp phép

UBND TP.Đà Nẵng vừa kiến nghị HĐND TP.Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo thực hiện tạm dừng đăng ký mới cơ sở kinh doanh cầm đồ. Lý do, đối với việc giải quyết nhanh chóng nhu cầu vay vốn của người dân, hiện không chỉ phụ thuộc vào loại hình kinh doanh cầm đồ mà hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã phát triển mạnh, chính sách phát triển, cạnh tranh thu hút khách hàng…
Về mặt xã hội, dịch vụ kinh doanh cầm đồ đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho xã hội, “biến tướng” để hoạt động “tín dụng đen”, cho vay tiền với lãi suất cao, là nguồn phát sinh tội phạm cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ còn gián tiếp tiếp tay cho tội phạm, trở thành nơi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Với thủ tục cầm cố đơn giản, các đối tượng cướp giật, trộm cắp thường tìm đến cơ sở kinh doanh cầm đồ để tiêu thụ. Các “con bạc” cũng cầm cố tài sản tại đây…
Về mặt quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nhìn nhận có khó khăn trong việc xử lý các cơ sở lấy danh nghĩa là kinh doanh dịch vụ tài chính để cho vay với lãi suất cao. Trong khi đó, Nghị định 96 ngày 1.7.2016 của Chính phủ (quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) không đưa hình thức này vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nên chưa có ràng buộc chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Việc cơ sở kinh doanh cầm đồ tự thỏa thuận lãi suất mà không thể hiện trong hợp đồng cầm cố tài sản đã tạo điều kiện phát sinh hành vi cho vay nặng lãi nhưng không có cơ sở chứng minh, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Với số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ gần như không tăng so với trước khi thực hiện NQ 23, việc tạm dừng đăng ký mới theo chỉ đạo của NQ 23 đã góp phần hạn chế những tiêu cực phát sinh trong những năm qua. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết sau khi HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 thông qua việc tiếp tục tạm dừng đăng ký mới kinh doanh cầm đồ (tại kỳ họp thứ 12 vừa diễn ra), thời gian tới UBND TP.Đà Nẵng cần chỉ đạo các ngành thực hiện tốt chủ trương này.
Từ ngày 1.1.2012 đến ngày 30.10.2019, Công an TP.Đà Nẵng đã kiểm tra 748 lượt, phát hiện 239 trường hợp kinh doanh cầm đồ vi phạm, xử phạt gần 510 triệu đồng nhưng chế tài xử lý chưa đủ sức răn.
Đáng chú ý, năm 2019, có đến 99,2% tài sản cầm cố tại các cơ sở cầm đồ là xe máy. Thời gian qua, rất nhiều vụ trộm cắp xe máy xảy ra nên nhiều nghi vấn đây có thể là tài sản bị trộm cắp đến cầm cố; trong khi đó, mức phạt đối với hành vi nhận cầm cố tài sản mà không có giấy tờ sở hữu chỉ ở mức 2 - 5 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.