'Siết' nhưng nhập phế liệu vẫn tăng gấp 5 lần

05/10/2018 09:25 GMT+7

Từ Chính phủ đến các bộ ngành đang chật vật với hàng loạt giải pháp “siết” phế li ệu đổ vào VN nhưng lượng phế liệu nhập về chỉ riêng cảng Cái Mép đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Một số liệu mới công bố từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (thuộc Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu) cho thấy, trong 9 tháng của năm, đơn vị này đã làm thủ tục cho gần 2.300 tờ khai nhập khẩu phế liệu, tăng gấp 3 về số tờ khai, gấp 5 lần về khối lượng và gấp 5,5 lần về trị giá so cùng kỳ tháng 9.2017. Đặc biệt, trong đó gần 2.000 tờ khai nhập khẩu sắt thép phế liệu, 163 tờ khai nhập nhựa phế liệu (tăng 4,5 lần về khối lượng và gấp 4 lần về trị giá); 110 tờ khai nhập giấy phế liệu (tăng 5 lần khối lượng và 4,6 lần về trị giá). Nhìn chung, phế liệu nhập khẩu về khu vực cảng Cái Mép 9 tháng tăng 4 - 5 lần về số lượng lẫn trị giá so cùng kỳ.
Bít chỗ này, phình chỗ khác
Đó là cảnh báo mới đây của một lãnh đạo Bộ TN-MT trong cuộc họp Chính phủ về tình hình giải quyết phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước vào đầu tháng 10. Tuy nhiên, với số liệu từ Hải quan Cái Mép mới công bố, phế liệu nhập có nguy cơ “phình tại địa bàn khác” không còn là cảnh báo. Một chủ đại lý hải quan khu vực TP.HCM cho rằng, điều này là hiển nhiên. Do các cảng ở TP.HCM “đóng cửa” không tiếp nhận phế liệu nhập trong thời gian dài nên doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nhập phế liệu để sản xuất, buộc phải “chạy” sang cảng địa phương khác.
Ông Nguyễn Văn Danh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cũng thừa nhận phế liệu nhập về cảng khu vực Cái Mép tăng mạnh so với cùng kỳ và chủ yếu là phế liệu sắt thép, nhưng lý giải: “Phế liệu nhập khẩu về cảng Cái Mép chủ yếu là sắt thép để phục vụ sản xuất của các DN trên địa bàn. Số lượng phế liệu nhập tăng đột biến do nhu cầu sản xuất của DN sản xuất tăng thôi. DN có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì hải quan cho thông quan”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia logistic Nguyễn Lý Trường An, thực tế có một số DN nhập phế liệu từ TP.HCM “chạy” về Bà Rịa để nhập nhằm duy trì sản xuất, đặc biệt DN trong ngành giấy. “4 tháng gần đây, TP.HCM là địa phương siết mạnh nhất, thậm chí còn kiên quyết yêu cầu các hãng tàu xuất trả, các chủ hàng chịu trách nhiệm tái xuất hoặc tự tiêu hủy... nên bắt buộc DN phải chạy qua chỗ khác để nhập khẩu dẫn đến tình trạng tăng đột biến tại cảng của Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Nguyễn Lý Trường An nhận định và cũng lưu ý cần rà soát lại danh sách các DN đang được nhập khẩu và thông quan phế liệu tại Cái Mép.
Theo Bộ TN-MT, qua thanh kiểm tra, tính đến cuối tháng 9, có hơn 15.000 container phế liệu nhập khẩu còn tồn đọng tại 7 cảng biển trên cả nước. Trong đó, gần 5.000 container (chiếm 32%) tồn đọng quá 90 ngày, chủ yếu là phế liệu nhựa và giấy. Đặc biệt, qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện có 158 tổ chức, cá nhân nhập khẩu hơn 4.500 container phế liệu không có giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường do cơ quan quản lý môi trường cấp trong nhập khẩu phế liệu.
Công khai danh tính DN, hãng tàu tồn phế liệu
Ông Nguyễn Lý Trường An lưu ý, nên tìm hiểu rõ các DN đang nhập khẩu phế liệu tại Cái Mép có nằm trong danh sách DN được phép nhập khẩu phế liệu để sản xuất hay không? Thứ hai, có DN nào làm thương mại nhưng do giấy phép còn thời hạn nên vẫn được nhập khẩu phế liệu hay không? Nếu có, nghĩa là “né” lệnh không cho phép nhập ủy thác dưới mọi hình thức theo Chỉ thị 27 mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, những DN đang “nợ” hàng ngàn container phế liệu tồn tại các cảng khác, sao không lấy hàng ra được? Có phải lập DN khác để xin giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường để nhập tiếp không? Số này liệu có nằm trong danh sách “chạy” về Cái Mép nhập nhằm duy trì sản xuất kinh doanh không? Ngoài ra, các hãng tàu được cơ quan hải quan xác định là vận chuyển hàng trăm container phế liệu rác, bị buộc tái xuất hoặc lo tự tiêu hủy, chưa giải quyết hậu quả phế liệu rác tại cảng Cát Lái, liệu có là một trong những hãng tàu đang tiếp tục vận chuyển phế liệu cho DN về Cái Mép không?
Còn chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện cho rằng: “Hải quan đang có chính sách quản lý đề phòng phế liệu từ xa nhưng như vậy chưa đủ, phải có sự phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh. Hiện cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, cơ quan cấp giấy xác nhận được phép nhập phế liệu, cơ quan quản lý nhập khẩu phế liệu... vẫn còn rời rạc. Nên việc quản lý nhập khẩu phế liệu, vẫn có thể qua mắt được hải quan nếu cố ý”.
Thực tế hiện nay việc chia sẻ thông tin DN kinh doanh ngành nghề có điều kiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia chỉ mới là bề nổi, minh bạch thông tin có hệ thống mới hạn chế bớt tiêu cực. Bởi DN vi phạm ở Hải Phòng cũng có thể “chạy” vào TP.HCM để nhập. TP.HCM từ chối, có thể xuống Vũng Tàu… Hải quan có thể đưa tên các cá nhân, DN, hãng tàu đã xác định liên quan đến phế liệu tồn tại cảng, chưa chịu xử lý vào danh sách “treo” và từ chối cho mở tờ khai nhập hàng tại các cửa khẩu khác. “Nếu cá nhân, tổ chức đã cố tình làm sai, xử phạt hành chính hay hình sự tùy quy định của pháp luật. Nhưng về mặt quản lý, nên rút vĩnh viễn giấy phép nhập khẩu phế liệu với DN vẫn cố tình đưa rác phế liệu vào VN trong thời điểm này”, ông Phan Văn Hiện nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.