Siết trách nhiệm các 'ông lớn' công nghệ

27/01/2021 07:30 GMT+7

Không chỉ thuế, nhiều nước đang siết quy định buộc các hãng công nghệ lớn trả chi phí cung cấp dịch vụ, bản quyền tin tức , cũng như tuân thủ nguyên tắc về cạnh tranh.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, các hãng công nghệ lại “ăn nên làm ra” khi lĩnh vực kỹ thuật số thể hiện nhiều lợi thế trong đại dịch. Tuy nhiên, các hãng cung cấp dịch vụ mà không phải đóng thuế, phí cần thiết gây nhiều tranh cãi và khiến nhiều nước phải siết chặt quy định.

Nỗ lực toàn cầu

Hiện Pháp và nhiều nước trong Liên minh Châu Âu (EU) đang thúc đẩy một thỏa thuận chung về thuế đối với các hãng công nghệ và hy vọng Mỹ sẽ tham gia. Đài CNBC hôm qua dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hoan nghênh động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ủng hộ đề xuất thuế toàn cầu đối với các hãng công nghệ lớn, đồng thời cho hay một thỏa thuận đa phương có thể có hiệu lực “ngay trong mùa xuân năm nay”.

CEO ủng hộ cựu Tổng thống Trump bị Twitter khóa tài khoản vĩnh viễn

Trước đó, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối vì cho rằng đề xuất trên mang tính phân biệt đối với các công ty Mỹ. Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ủng hộ lời kêu gọi về việc những hãng công nghệ phải trả chi phí tại các nước họ hoạt động. “Giành chiến thắng trong khủng hoảng kinh tế là các ông lớn kỹ thuật số. Làm sao có thể giải thích việc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề vẫn trả thuế, còn các hãng công nghệ lớn không phải trả như thế? Điều này không công bằng”, Bộ trưởng Le Maire của Pháp nêu rõ.

Không chỉ thuế

Theo tờ The Wall Street Journal, Trung Quốc cũng tham gia vào nỗ lực chung nhằm buộc các hãng công nghệ lớn phải tuân thủ quy định về cạnh tranh, kể cả Tập đoàn Alibaba của nước này. Theo dự thảo quy định, các hãng công nghệ sẽ không được lợi dụng dữ liệu khách hàng để đưa ra giá mang tính phân biệt, hay bán sản phẩm với giá thấp hơn chi phí nhằm giành thị phần.

Tổng thống Putin quan ngại quyền lực của mạng xã hội Mỹ

Trong khi đó, Nghị viện châu Âu đang dự định cấm vận Apple, Facebook, Amazon và Google, sau khi có thông tin lãnh đạo của các hãng này có thể không tham dự phiên điều trần quan trọng vào ngày 1.2 về thuế và cạnh tranh. Tại Úc, Google dọa sẽ dừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm nếu chính phủ quyết triển khai kế hoạch buộc các hãng công nghệ lớn phải trả tiền bản quyền nội dung tin tức. Tuy nhiên, theo AP, Úc tỏ thái độ cương quyết khi Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố đó là kế hoạch đã được thông qua bởi quốc hội, chính phủ, và là quy định của nước này. “Úc đưa ra các quy định về những gì các bạn có thể làm tại Úc”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg tuyên bố rằng nước này muốn “dẫn đầu thế giới” trong việc ra quy định đối với các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm và mạng xã hội. Theo AP, quy định mới do chính phủ Úc đề xuất nhằm buộc Google và Facebook phải trả tiền khi sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông Úc. Giám đốc của Google tại Úc và New Zealand, bà Mel Silva cho biết hãng sẵn sàng trả cho các hãng truyền thông, nhưng không phải như quy định của Úc khi buộc hãng phải trả cả chi phí cho các đường dẫn và đoạn trích ngắn.
Chi 65 triệu USD vận động hành lang
Theo tờ The Washington Post, Amazon, Facebook, Google và 4 “ông lớn” công nghệ khác đã chi tổng cộng hơn 65 triệu USD để vận động hành lang chính phủ Mỹ trong năm ngoái, nhằm tránh bị “soi” về luật cạnh tranh và bị siết các quy định liên quan. Cụ thể, Facebook chi gần cao nhất trong nhóm với 20 triệu USD, còn Amazon chi gần 18 triệu USD, mức cao nhất mà 2 hãng này từng chi để vận động hành lang, theo bản báo cáo phân tích về vận động hành lang liên bang. Trong khi đó, Google chi 8 triệu USD, và phần còn lại được chi bởi Apple, Microsoft, Twitter và Uber.
Tổng kết mùa bội thu
Theo Yahoo Finance, mọi ánh mắt trên thị trường chứng khoán đang tập trung vào các kết quả quý 4/2020 được đưa ra trong tuần này. Bất chấp lo ngại về tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, những con số sắp đưa ra trong vài ngày tới được dự báo đầy hứa hẹn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ khi chứng kiến các vụ mua bán tăng vọt. Microsoft chứng kiến sự khởi sắc trong lĩnh vực điện toán đám mây, được thúc đẩy bởi nền kinh tế làm việc từ xa trong đại dịch. Dự báo tập đoàn này kiếm được 1,64 USD/cổ phiếu từ doanh thu 40,12 tỉ USD trong quý 4/2020, so với mức 1,51 USD/cổ phiếu từ doanh thu 36,91 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.
Một “ông lớn” khác được dự báo thành công là Apple, với doanh thu lần đầu tiên đạt hơn 100 tỉ USD/quý, với điểm nhấn là chuẩn bị và ra mắt iPhone 12, trong khi nhu cầu về mạng 5G, máy tính để bàn và iPad gia tăng. Facebook cũng dự kiến kiếm được 3,22 USD/cổ phiếu trên doanh thu 26,26 tỉ USD trong quý 4/2020, tăng so với cùng kỳ năm trước, bất chấp phản ứng tiêu cực từ các vụ kiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.