'Siết' và 'mở' trong quản lý ô tô

30/09/2023 07:22 GMT+7

Từ tháng 10.2023, nhiều quy định mới trong quản lý ô tô đã chính thức có hiệu lực, trong đó có những điều khoản siết chặt hơn nhưng cũng có những động thái dỡ bỏ rào cản để thuận tiện hơn cho người sở hữu.

Bám sát diễn biến triệu hồi

Theo thống kê của Phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia), trong năm 2023, số vụ thông báo triệu hồi xe bị lỗi của các hãng đang có xu hướng tăng lên. Theo Nghị định mới có hiệu lực từ tháng 10.2023, việc thông báo và giám sát các phương tiện bị triệu hồi sẽ được siết chặt hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn khi tham gia giao thông.

'Siết' và 'mở' trong quản lý ô tô - Ảnh 1.

Việc quản lý ô tô lưu thông trên thị trường sẽ được siết chặt hơn

NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, trường hợp các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi, người nhập khẩu phải thực hiện các công việc sau đây: Trong thời gian không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục; trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản. Cụ thể về các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp; chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.

Việc tăng phí theo lộ trình sẽ tạo động lực cho cán bộ, nhân viên cơ quan quản lý hành chính hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những bất cập trong quá trình đăng kiểm vừa qua đã cho thấy rõ điều đó. Nếu tăng phí dịch vụ mà chất lượng phục vụ cũng tăng lên thì người dân và doanh nghiệp đều hài lòng.


Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra. Trong đó, thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu về việc tiếp nhận kế hoạch triệu hồi và các yêu cầu bổ sung đối với chương trình triệu hồi (nếu có), yêu cầu người nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi; thông tin về ô tô bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử của cơ quan kiểm tra; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện triệu hồi của người nhập khẩu theo kế hoạch; tạm dừng các thủ tục chứng nhận chất lượng đối với người nhập khẩu ô tô không thực hiện trách nhiệm theo quy định. Ngoài ra, cơ quan kiểm tra sẽ xem xét dừng thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các ô tô của cùng nhà sản xuất nếu người nhập khẩu cung cấp được bằng chứng nhà sản xuất đó không phối hợp để thực hiện kế hoạch triệu hồi. 

Đối với ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được cơ quan kiểm tra cấp giấy chứng nhận, cơ quan kiểm tra thông báo tới cơ quan hải quan nơi mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu cho phép người nhập khẩu tạm giải phóng hàng để người nhập khẩu thực hiện việc khắc phục các xe thuộc diện triệu hồi. Sau khi người nhập khẩu cung cấp danh sách các ô tô đã được khắc phục lỗi theo quy định của nhà sản xuất, cơ quan kiểm tra tiếp tục thực hiện thủ tục kiểm tra, chứng nhận theo quy định.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Ban quản trị một diễn đàn ô tô khá lớn hiện nay nhận định: "Khi công nghệ xe ô tô ngày càng trang bị nhiều tính năng hiện đại thì việc xuất hiện lỗi nhiều hơn là chuyện đương nhiên. Việc các hãng xe chủ động phát hiện hoặc thông qua báo cáo của người dùng mà thực hiện việc triệu hồi là trách nhiệm bắt buộc để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Trong thời gian qua, việc thông báo triệu hồi tại thị trường VN còn khá chậm, việc theo dõi chương trình cũng chưa được sâu sát. Thường thì các hãng xe đa quốc gia đã thông báo triệu hồi khá lâu, có khi cả năm sau thì các đại lý trong nước mới thực hiện triệu hồi. Do đó, quy định mới lần này đưa ra những yêu cầu sát sao hơn, chi tiết hơn để theo kịp những diễn biến triệu hồi xe. Theo tôi, đây là sự điều chỉnh cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay".

Tăng phí, cần tăng chất lượng

Một trong những quy định mới có hiệu lực trong tháng 10 là điều chỉnh mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư của Bộ Tài chính điều chỉnh tăng mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông ở khu vực 1 (gồm Hà Nội và TP.HCM). Cụ thể như sau: Xe ô tô (trừ xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống; rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời): mức thu lệ phí 500.000 đồng/lần/xe (mức cũ từ 150.000 - 500.000 đồng/lần/xe). 

Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up): 20 triệu đồng/lần/xe. Xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời: 200.000 đồng/lần/xe (mức cũ từ 100.000 - 200.000 đồng/lần/xe). Đối với xe mô tô: trị giá đến 15 triệu đồng: 1 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/lần/xe). Xe mô tô trị giá trên 15 - 40 triệu đồng: 2 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 1 - 2 triệu đồng/lần/xe). Xe mô tô trị giá trên 40 triệu đồng: 4 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 2 - 4 triệu đồng/lần/xe). Thông tư có hiệu lực từ ngày 22.10.2023.

Bộ GTVT cũng vừa công bố thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm nhằm hướng dẫn thực hiện quy định tại Nghị định 60/2023 quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các hiệp định mà VN là thành viên có hiệu lực từ ngày 1.10 tới đây.

Cụ thể, từ ngày 1.10.2023, linh kiện, phụ tùng của ô tô con được sản xuất tại EU và Anh, đã được thử nghiệm, chứng nhận tại EU và UK thỏa mãn các quy định của ECE và EC khi nhập khẩu về VN sẽ được miễn kiểm tra, thử nghiệm. Đối với ô tô con sẽ áp dụng quy định này từ ngày 1.8.2025. Cục Đăng kiểm VN cho biết đối với các linh kiện và ô tô nhập khẩu có thời điểm về đến cảng, cửa khẩu VN trước ngày hiệu lực được nêu trong nghị định này thì không áp dụng quy định trên.

Đối với việc tăng thu phí, anh N.M.L, chủ một công ty vận tải tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: "Việc tăng các loại phí phù hợp theo quy định thì doanh nghiệp sẵn sàng chấp hành, tuy nhiên, đi kèm với đó thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng lên để phục vụ người dân, doanh nghiệp, các đơn vị vận tải tốt hơn. Có như vậy thì có tăng giá người dân cũng hài lòng". 

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cũng chia sẻ: "Việc tăng phí theo lộ trình sẽ tạo động lực cho cán bộ, nhân viên cơ quan quản lý hành chính hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những bất cập trong quá trình đăng kiểm vừa qua đã cho thấy rõ điều đó. Nếu tăng phí dịch vụ mà chất lượng phục vụ cũng tăng lên thì người dân và doanh nghiệp đều hài lòng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.