'Siết' vốn ngắn hạn cho vay dài hạn

02/10/2023 06:30 GMT+7

Kể từ ngày 1.10, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ tối đa sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 30% thay cho 34% trước đây. Nhiều doanh nghiệp lo lắng vốn vay sẽ hạn hẹp hơn. Nhưng theo các chuyên gia, quy định này tác động không đáng kể đến hoạt động vay vốn trong thời điểm hiện nay.

Thực tế đã xuống 26%

Thông tư 08/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng (NH), chi nhánh NH nước ngoài đã được đưa ra hơn 3 năm qua. Theo đó, các nhà băng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH sẽ giảm từ 40% vào đầu năm 2020 xuống còn 37% đến hết tháng 9.2022; xuống 34% đến hết tháng 9.2023 và từ ngày 1.10.2023 xuống còn 30%.

Quy định này được các chuyên gia tài chính đánh giá là cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống NH về lâu về dài. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) cũng lo ngại quy định mới áp dụng trong bối cảnh hiện nay sẽ làm gia tăng áp lực lên hoạt động của hệ thống NH và khả năng tiếp cận vốn của DN.

'Siết' vốn ngắn hạn cho vay dài hạn - Ảnh 1.

Các ngân hàng giảm tỷ lệ sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 30% từ 1.10.2023

NGỌC THẮNG

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây gửi đến Thủ tướng Chính phủ và NHNN, kiến nghị NHNN khẩn trương xem xét sửa đổi, gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định "các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn". Theo HoREA, NHNN nên áp dụng quy định trên kể từ ngày 1.10.2024 nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DN và người dân, mà vẫn không gây "rủi ro" về an toàn cho hệ thống tín dụng.

Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng quy định giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn xuống còn 30% là lộ trình thực hiện nhiều năm qua. Trước đây tỷ lệ này tại các NH có lúc lên đến 60% nên việc NHNN đưa ra lộ trình giảm xuống để đảm bảo an toàn của hệ thống là đúng, đồng thời đảm bảo các điều kiện cho vay phù hợp với thông lệ quốc tế. Báo cáo của hầu hết các NH cho thấy, hiện họ đã đưa tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về xấp xỉ mức 30%. Riêng 4 NH thương mại quốc doanh lớn nhất thì tỷ lệ này chỉ còn dao động ở mức 25%. Vì vậy, lộ trình áp dụng cũng không phải đột ngột nên sẽ không có tác động gì đến việc huy động vốn hay cho vay của các nhà băng.

Hiện tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, NH vẫn thừa tiền nên giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ không tác động đến hoạt động cho vay. Hay nói cách khác, việc DN có vay được vốn từ NH hay không lại là câu chuyện khác, mà chủ yếu là có đáp ứng được điều kiện vay hay không.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Số liệu công bố mới nhất từ NHNN cho thấy tính đến tháng 7.2023, hầu hết các NH đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là 34%. Theo đó, tỷ lệ này ở các NH thương mại có vốn nhà nước là 24,97%, ở các NH thương mại cổ phần là 33,66%. Tính chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.

Vay được hay không là do đáp ứng điều kiện vay

Theo số liệu công bố từ NHNN, đến hết tháng 9.2023, ngành NH huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, tổng vốn huy động của các NH thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỉ đồng (cùng thời điểm năm ngoái huy động đạt khoảng 7,68%). Bên cạnh đó, cho vay đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022 (tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12,63 triệu tỉ đồng). Tín dụng tăng nhưng chậm hơn năm ngoái, do những nguyên nhân khách quan, tác động từ bên ngoài cũng như khó khăn của DN trong nước.

Về lãi suất, mức giảm trung bình đối với các khoản cho vay mới khoảng 1 - 1,5%. Hiện nay mức lãi suất cho vay bình quân với khoản cho vay ngắn hạn là 5,5 - 7%/năm; cho vay trung dài hạn khoảng 8,5 - 10%/năm (đây là những khoản cho vay mới); lãi suất của những khoản vay nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ thì có độ trễ. Như vậy với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 được NHNN đề ra ở mức 14% thì đến nay vẫn chưa đạt được 50%.

TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) phân tích: việc NH phải tuân thủ quy định đưa tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 30% có thể ảnh hưởng đến một số nhà băng đang có tỷ lệ cao hơn. Các NH này sẽ phải hạn chế cho vay trung dài hạn hoặc đẩy hoạt động cho vay ngắn hạn lên cao để đảm bảo tỷ lệ giảm về mức quy định. Từ đó sẽ khiến cho DN có thể bị hạn chế khả năng vay vốn dài hạn hơn. Tuy nhiên tác động này là không quá lớn trên toàn hệ thống. Trên thực tế, các NH cũng không mặn mà cho vay trung, dài hạn vì có nhiều rủi ro hơn so với cho vay ngắn hạn từ 12 tháng trở xuống. Vì vậy từ trước đến nay, cũng có thể nhiều DN dù vay dài hạn nhưng đa số hợp đồng tín dụng cũng ở kỳ hạn ngắn và sau đó làm thủ tục đáo hạn… 

"Hiện tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, NH vẫn thừa tiền nên giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ không tác động đến hoạt động cho vay. Hay nói cách khác, việc DN có vay được vốn từ NH hay không lại là câu chuyện khác, mà chủ yếu là có đáp ứng được điều kiện vay hay không", TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, tăng trưởng tín dụng thấp không phải là do NH thiếu vốn mà ngược lại đang trong tình trạng thừa vốn. Nhiều DN giảm nhu cầu vay vì kinh tế khó khăn, tiêu thụ hàng hóa chậm nên sản xuất sụt giảm. Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản thì nhiều công ty không vay được vốn do dự án gặp vướng mắc về pháp lý; hết tài sản thế chấp… Vì vậy, DN không cần lo lắng khi áp dụng quy định đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 30%. 

Riêng ở khía cạnh huy động vốn, áp dụng Thông tư 08 của NHNN từ 1.10 cũng không thể tạo ra áp lực chạy đua huy động vốn kỳ hạn dài. Bởi hầu hết thói quen của khách hàng gửi tiết kiệm vẫn lựa chọn kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Thời gian qua, các nhà băng huy động vốn dài hạn chỉ có thông qua phát hành trái phiếu.

TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.