Sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định sẽ chấm dứt cho VN vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) vào giữa năm 2017, đến lượt Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tuyên bố sẽ ngừng một phần ưu đãi ODA vào đầu năm 2019.
Dòng vốn ODA bị siết khiến Bộ Tài chính phải tính toán lại phương án sử dụng vốn ODA bằng cách cho các địa phương vay thay vì cấp phát. Tuy nhiên, liệu phương án này có giúp nợ công VN bớt tăng nóng?
Chuyển từ cấp phát sang cho vay lại
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2005 - 2015, VN vay ưu đãi vốn ODA khoảng 45 tỉ USD. Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2%; cho vay lại chỉ 7,8%. Trong bối cảnh đó, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định: Nhìn ở góc độ phương pháp phân bổ vốn, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, có tích cực và cả tiêu cực. Nhưng tích cực nhiều hơn. Tích cực ở chỗ giảm tâm lý ỷ lại trong việc sử dụng nguồn lực. Trước đây việc cấp phát không tạo ra trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các đơn vị sử dụng vốn ODA trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn để đảm bảo khả năng trả nợ các khoản ODA đó. Nhưng bây giờ chuyển nguồn lực sang cho vay lại sẽ ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính đối với các địa phương. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu cơ quan chức năng làm thêm một động tác khác là chuyển sang việc cho vay kết hợp với phương pháp lập ngân sách trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, trong cân đối vốn ngân sách cũng như cân đối vốn đầu tư trung hạn có đưa nghĩa vụ trả nợ vào trong cân đối ấy. Như vậy sẽ ràng buộc trách nhiệm sử dụng tài chính có hiệu quả hơn của các địa phương sử dụng vốn ODA.
|
|
Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, bản thân cơ chế này chỉ là tiền đề trong bối cảnh nguồn lực ít ỏi hơn, đắt hơn nhưng không đảm bảo rằng cách làm sẽ đem lại hiệu quả. Để tránh những phát sinh mang tính tiêu cực, các địa phương phải tuân thủ luật Đầu tư công nhằm nâng cao tính hiệu quả của đầu tư, tăng cường giám sát, gắn trách nhiệm với hiệu quả đầu tư.
Tăng cường năng lực giám sát
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét dù địa phương vay lại đi nữa thì đằng nào chính phủ cũng trả các khoản nợ này vì Chính phủ vay về rồi cho địa phương vay lại, không phải địa phương vay trực tiếp của nước ngoài. “Còn về vấn đề quản lý vốn là trách nhiệm của trung ương và địa phương, nghiên cứu dự án nào khả thi và có lợi ích kinh tế cao nhất lúc đó mới quyết định cho địa phương vay lại. Khi địa phương trình bày dự án để vay vốn, trung ương phê duyệt dự án phải có nghiên cứu kỹ chứ không phải cho vay mà không nghĩ tới khả năng hoàn trả vốn và lãi, không nghĩ tới lợi ích kinh tế của khoản tiền vay”, ông Bùi Kiến Thành khuyến cáo.
|
|
Còn theo ông Võ Trí Thành, đã là nguồn tiền công thì rất dễ “đẻ” ra cơ chế xin cho dù bất kỳ tình huống, hình thức nào. Quan trọng là phải minh bạch, thúc đẩy năng lực giám sát gắn với trách nhiệm.
Vậy phương án nào để các địa phương sử dụng vốn ODA đã vay hiệu quả hơn? Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, phải ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, phải gắn “sinh mạng chính trị” vào tính hiệu quả của dự án. Bên cạnh là trách nhiệm giải trình. Các địa phương phải giải trình các vấn đề liên quan tới dự án ra bên ngoài chứ không giải trình nội bộ. “Cuối cùng, Chính phủ phải giám sát nguồn vốn cho địa phương vay chứ không phải phân cấp là giao phó rồi thôi. Hiện nay chúng ta cấp phát cho các địa phương là hết trách nhiệm. Đó là buông lỏng giám sát. Càng phân cấp cho người khác thì càng phải tăng năng lực giám sát lên. Đồng thời phải tăng năng lực của cơ quan được phân cấp, bởi nhiều phần việc trước đây cơ quan trung ương làm, nay là địa phương. Nhưng năng lực của lãnh đạo địa phương không đủ khả năng đáp ứng phần việc được phân cấp về, mới dẫn tới chậm trễ trong công tác điều hành và triển khai dự án”, TS Tuấn kết luận.
Bình luận (0)