'Siết' xe máy phải 'nới' được phương tiện thay thế

31/01/2021 06:07 GMT+7

Câu chuyện về việc phải 'siết' xe máy không phải mới, nhưng khi một lần nữa được đề cập, bạn đọc Báo Thanh Niên ủng hộ cũng nhiều và băn khoăn cũng lắm...

Như Thanh Niên đã đưa tin, TP.HCM sẽ từng bước hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy vào khu vực trung tâm, bắt đầu từ kiểm soát khí thải để loại bỏ xe máy cũ...

Chưa có phương tiện thay thế hiệu quả

Bạn đọc (BĐ) NPHONG cho biết: “Ủng hộ hoàn toàn việc loại xe máy gây ô nhiễm môi trường theo quy định”, đồng thời đề nghị “quy định này phải được xây dựng chặt chẽ theo các điều kiện xã hội Việt Nam, một khi đã ban hành thì phải làm cho nghiêm, cho đến nơi đến chốn”.
Tán thành, BĐ Dan SG: “Rất đồng ý, nhưng tôi đề xuất cơ quan thẩm quyền nên thêm các quy chuẩn về pô xe máy. Hiện nay nhiều loại pô xe máy cứ thổi thẳng vào mặt những người đi sau rất khó chịu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong giao thông”. Ngay lập tức, BĐ Mỹ Nguyễn nhận xét: “Suy cho cùng, cách hay nhất là làm sao người dân cảm thấy phương tiện cá nhân không còn cần thiết nữa, chứ không phải là cấm đoán, trong lúc xe máy hiện vẫn là phương tiện sống còn với người dân”.
Có hai lý do chính khiến nhiều nhà quy hoạch đô thị “lo lắng” về xe máy: Ô nhiễm môi trường và... kẹt xe. Ủng hộ kế hoạch “loại” xe gắn máy ra khỏi địa bàn TP.HCM, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng để so sánh thì số tiền mà nhà nước phải bỏ ra giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, chi phí xây dựng, mặt bằng cho mỗi chiếc xe máy lớn hơn nhiều so với số thu về từ ngành công nghiệp xe máy. Không đồng ý với nhận định này, BĐ Toan Nguyễn cho rằng: “Trong khi phương tiện di chuyển công cộng chưa đáp ứng sự tiện lợi, chưa thay thế được sự cơ động của xe máy, thì hạn chế và cấm xe máy vào nội ô chưa phải là giải pháp đúng”.
Đó cũng là băn khoăn của BĐ Tung Trieu khi cho rằng “chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn vì nó dễ trong khi nhu cầu đi lại là không giảm” đồng thời phân tích “muốn giảm xe máy thì phải tăng các phương tiện thay thế hợp lý khác, như tăng xe công cộng và giảm thuế ô tô, xe điện... Hai cái này cần làm trước”.

Phải đồng bộ

Các nhà hoạch định đã đề nghị một lộ trình 10 năm cho việc thay thế xe máy. Chưa bao giờ kế hoạch hạn chế, tiến tới ngưng sử dụng xe gắn máy tại khu vực trung tâm được TP.HCM xây dựng kế hoạch bài bản, quyết tâm như thế. Đọc được thông tin này, BĐ Ali Nguyen lo lắng “lộ trình 10 năm thì thêm bao nhiêu xe gắn máy sản xuất và nhập vào nữa? Còn chỗ nào trống để cho xe công cộng hoạt động?” và đề nghị nếu đã quyết thì quyết làm, thu ngắn tiến độ “chỉ cần đưa xe công cộng vào thay thế thì đường thông thoáng ai không muốn thuận tiện và an toàn...”.
BĐ Hồng Ngô cho rằng mấu chốt câu chuyện này phải là “đồng bộ phát triển giao thông đô thị, giao thông công cộng rồi hãy tính tiếp” chứ “đường vẫn nhỏ hẹp, quy hoạch manh mún thì mọi người phải bay chắc?”.
Đa số BĐ cho rằng muốn “siết” xe máy thành công, phải “nới” được phương tiện thay thế hữu hiệu song song với việc tối ưu, phát triển hệ thống giao thông. Nếu không, lộ trình “siết” này sẽ lâm vào tình trạng luẩn quẩn vì nhu cầu di chuyển ở TP.HCM chỉ càng ngày càng tăng thêm.
Tôi ủng hộ kế hoạch giảm xe máy này, chúng ta phải làm từng bước để ý thức của cộng đồng và mọi người dân từ từ đi vào cuộc sống văn minh và hiện đại hơn. Tôi nghĩ nhà nước sẽ từng bước làm từ cái nhỏ rồi mới đến cái lớn hơn...
Chau Lam Huu
Vậy giải pháp giao thông nào thay thế an toàn và tiện lợi, tiết kiệm bền vững?
Thanh
Xe điện lên ngôi.
Nguyen Thong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.