Siêu bão Yagi giảm cấp, sức tàn phá vẫn rất lớn

07/09/2024 06:19 GMT+7

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, siêu bão Yagi có thể có gió cấp 10 - cấp 12, giật cấp 14 khi vào đất liền và có sức tàn phá rất lớn.

BÃO YAGI VÀO VN VỚI CẤP 12, GIẬT CẤP 14

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Lúc 19 giờ ngày 6.9, siêu bão Yagi (siêu bão số 3) ở vị trí 20,1 độ vĩ bắc; 110.3 độ kinh đông, cách Quảng Ninh khoảng 360 km. Bão Yagi đã giảm 1 cấp (cấp 15), giật cấp 17 sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Trong những giờ tiếp theo, bão Yagi di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và đi vào vịnh Bắc bộ.

Siêu bão Yagi giảm cấp, sức tàn phá vẫn rất lớn- Ảnh 1.

Người dân và các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa di chuyển bè mảng lên cao để tránh bão

ẢNH: MINH HẢI

Củng cố các Đội Thanh niên tình nguyện để kịp thời ứng phó khẩn cấp bão số 3

Ngày 6.9, T.Ư Đoàn phát văn bản đề nghị các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc khẩn cấp ứng phó với bão số 3. Nội dung văn bản ghi rõ: Thực hiện Công điện số 87/CĐ/TTg, ngày 5.9.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 3.

Văn bản nêu: Các tỉnh, thành Đoàn tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động không thật cấp bách, các hoạt động ngoài trời và các hoạt động tập thể khác để tập trung vào công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về các quy định và kỹ năng phòng, chống thiên tai, cảnh báo tác động và các kịch bản ứng phó cho người dân và thanh thiếu nhi. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về dự báo, cảnh báo về bão số 3 từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tuyên tuyền, cảnh báo trên các kênh website, mạng xã hội, Zalo của Đoàn, Hội… Có biện pháp cảnh báo sớm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng, sạt lở.

Văn bản cũng đề nghị các tỉnh, thành Đoàn chỉ đạo 100% Đoàn Thanh niên các cấp, đặc biệt những nơi cảnh báo có nguy cơ cao về mưa lũ, sạt lở, lũ quét… củng cố các Đội Thanh niên tình nguyện xung kích, chuẩn bị dụng cụ phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) phù hợp với điều kiện thực tế sẵn sàng tham gia công tác hỗ trợ theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy các cấp.

Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, kết nối và vận động nguồn lực để hỗ trợ cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và bà con nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3; tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thu hoạch mùa màng, chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, vật nuôi… Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc báo cáo thường xuyên và kịp thời tình hình ứng phó thiên tai qua Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn.

Võ Ba

Phân tích kỹ hơn về ảnh hưởng của siêu bão Yagi, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay khoảng 22 giờ ngày 6.9, siêu bão Yagi đi vào khu vực vịnh Bắc bộ và giảm 1 - 2 cấp do tác động của địa hình đảo Hải Nam. Từ nửa đêm 6.9 đến sáng 7.9, vùng ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 8 - cấp 9, cấp 10 - cấp 12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền có gió cấp 6 - cấp 8, giật cấp 9 - cấp 11.

"Nơi có gió mạnh đầu tiên của hoàn lưu bão là khu vực Móng Cái (Quảng Ninh), tiếp đến là các khu vực khác từ Quảng Ninh đến Hải Phòng", ông Khiêm chia sẻ.

Vì sao bão Yagi không suy yếu sau khi đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng?

Về lượng mưa, Bắc bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 350 mm, có nơi trên 500 mm (mưa lớn nhất ở phía đông Bắc bộ, tập trung trong ngày và đêm 7.9; phía tây Bắc bộ từ tối 7 - 8.9).

Ông Khiêm nhấn mạnh gió mạnh sẽ tác động lớn đến tàu thuyền trên vùng biển vịnh Bắc bộ, các khu nuôi trồng thủy sản và nhiều công trình. "Chúng ta đang cảnh báo mức độ chịu tác động của gió mạnh trên khu vực đất liền, trong đó có Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió có khả năng cấp 10 - cấp 12, giật cấp 14, có sức tàn phá rất lớn. Cây cối, công trình không kiên cố sẽ bị phá hủy", ông Khiêm nói và cho rằng cần ứng phó thiên tai ở cấp cao hơn để đảm bảo an toàn nhất.

Ông Khiêm đặc biệt lưu ý do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa lớn từ 200 - 300 mm trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thoát nước dẫn đến tình trạng ngập lụt tại đô thị và sạt lở ở vùng núi. Chính vì thế, sau khi bão đi qua, các địa phương cần quan tâm, lưu ý đến lũ quét, sạt lở đất.

Siêu bão Yagi giảm cấp, sức tàn phá vẫn rất lớn- Ảnh 2.

Bộ đội biên phòng đảo Trần (xã Thanh Lân, H.Cô Tô, Quảng Ninh) giúp dân chằng buộc nhà cửa để chống bão

ẢNH: TTXVN

SƠ TÁN HƠN 37.000 NGƯỜI

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 51.426 tàu/220.805 người chủ động tránh bão. Toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú.

Siêu bão Yagi giảm cấp, sức tàn phá vẫn rất lớn- Ảnh 3.

Cây xanh ngã đổ, đè một người đang di chuyển trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

ẢNH: KHẮC HIẾU

Hà Nội xuất hiện giông lốc mạnh trước bão Yagi

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chiều 6.9, nhiều nơi ở Hà Nội đã có giông lốc, kèm gió giật mạnh và mưa lớn tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai... Mưa giông trước giờ tan tầm khiến giao thông trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội hỗn loạn, ùn tắc. Đặc biệt, một cán bộ P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) cho biết giông lốc do ảnh hưởng của siêu bão Yagi làm nhiều cây trên địa bàn bị đổ, trong đó trên đường Nguyễn Hữu Thọ có cây đổ đè vào 2 người đi đường làm một người tử vong, người còn lại được đưa đi cấp cứu.

Theo giải thích của chuyên gia, đây là hình thái mây giông mạnh hình thành ở vành ngoài của hoàn lưu bão, chưa phải là ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu siêu bão Yagi. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đã lưu ý về hiện tượng này, khi gió có thể mạnh ngang gió trong các cơn bão mạnh.

Các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Nghệ An, Quảng Bình đã cấm biển. Lực lượng chức năng đã sơ tán 37.188 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh 3.000 người, Hải Phòng 9.259 người, Thái Bình 21.510 người, Nam Định 734 người, Ninh Bình 2.685 người).

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị từ Quảng Ninh đến Phú Yên tích cực, chủ động triển khai công tác ứng phó siêu bão Yagi.

Cụ thể, đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 22 điểm; phối hợp lực lượng chức năng hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch trên các đảo vào đất liền trước 12 giờ ngày 6.9; kiên quyết kêu gọi ngư dân, người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ trước 18 giờ ngày 6.9.

Bên cạnh đó, quân đội đã huy động 457.469 người, 10.124 phương tiện (trong đó có 6 máy bay) để sẵn sàng ứng phó siêu bão Yagi.

Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chỉ đạo các quân khu 1, 2, 3, 4 và các đơn vị quân đội tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ, bắc miền Trung phối hợp, chủ động ứng phó siêu bão Yagi và mưa lũ do ảnh hưởng của bão.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, Cục Hàng không VN quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) từ 10 - 21 giờ ngày 7.9. Cũng trong ngày 7.9, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 4 - 16 giờ; sân bay Cát Bi (Hải Phòng) tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 5 - 16 giờ; sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 12 - 22 giờ.

Sở GD-ĐT nhiều tỉnh, thành trong phạm vi ảnh hưởng của bão như Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội… đã thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học trong ngày 7.9 đến khi bão tan.

Cũng trong ngày 6.9, đoàn công tác của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra, chỉ đạo về công tác ứng phó siêu bão Yagi tại Quảng Ninh, Hải Phòng; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đi kiểm tra, chỉ đạo tại Nam Định, Thái Bình.

Hải Phòng di dời 5.400 hộ dân chung cư cũ

Ngày 6.9, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng quyết định di dời 5.400 hộ dân ở các khu chung cư cũ, nhà nguy hiểm đến nơi an toàn để tránh bão. Trong đó, Q.Ngô Quyền có khoảng 3.800 hộ, gần 11.000 người đã di chuyển đến 23 trường học và 20 trụ sở cơ quan, căn hộ tạm cư trước 20 giờ ngày 6.9.

Tại cảng Nam Đình Vũ (Q.Hải An), từ 0 giờ ngày 6.9, các tàu đã rời cảng, dừng bốc dỡ hàng hóa. Cảng cũng đã neo chốt cẩu để chịu được bão cấp 14, 15. Đồng thời, hạ độ cao các bãi container và xếp container thành các khối hình vuông để phòng gió lớn.

Quảng Ninh huy động hơn 3.000 cán bộ chiến sĩ chống bão

Tỉnh Quảng Ninh huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang; 68 ô tô các loại; 18 tàu; 59 xuồng; 6 xe đặc chủng ứng trực chống bão.

Đến chiều tối 6.9, tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi hơn 5.600 tàu thuyền về nơi tránh trú, sơ tán 3.000 người trên biển lên bờ.

Tại H.Cô Tô, nơi dự báo sẽ chịu sức gió khủng khiếp khi bão đổ bộ, đã ban hành lệnh giới nghiêm từ lúc 20 giờ ngày 6.9. Trước 16 giờ ngày 6.9, H.Cô Tô đã sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn.

Từ 11 giờ ngày 6.9, Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển đã ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi. Từ hôm nay 7.9, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sân bay Vân Đồn tạm dừng hoạt động cho đến khi bão đi qua.

Ninh Bình sơ tán dân ngoài đê

UBND H.Kim Sơn (Ninh Bình) đã tổ chức sơ tán 1.141 hộ dân với 2.311 nhân khẩu ở trong các nhà tạm nuôi trồng thủy sản từ đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 3 thuộc huyện này vào phía trong để tránh bão. Việc sơ tán đã hoàn thành lúc 15 giờ ngày 6.9. Huyện này cũng tổ chức canh gác không cho người dân ra khu vực từ đê Bình Minh 2 trở ra biển từ chiều 6.9 đến khi bão tan.

Mưa lớn, gió mạnh làm 1 người ở Thanh Hóa bị thương

Từ sáng 6.9, nhiều nơi tại Thanh Hóa có mưa và gió mạnh, gây gãy đổ nhiều cây xanh khiến 1 người bị thương; nhiều nhà tạm, biển quảng cáo bị gió thổi bay. Trong ngày, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 8 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống siêu bão Yagi tại 16 đơn vị cấp huyện. UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm khi có yêu cầu, tuyệt đối không để người dân ở trên tàu thuyền khi bão đổ bộ, kể cả tàu thuyền đang tránh trú bão. Các địa phương cho dừng tất cả các công trình đang thi công trên địa bàn, đặc biệt là tại TP.Sầm Sơn.

Lã Nghĩa Hiếu - Minh Sơn - Minh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.