'Siêu bão Yagi vào đất liền sẽ có sức tàn phá rất lớn'

06/09/2024 18:31 GMT+7

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo siêu bão Yagi sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta với sức gió mạnh cấp 10 - cấp 12, giật cấp 14, có sức tàn phá rất lớn; cây cối, nhà, công trình không kiên cố sẽ bị phá hủy.

Vì sao Hà Nội xuất hiện giông lốc, nhiều cây bị đổ trước bão

Chiều 6.9, ảnh hưởng của siêu bão Yagi, nhiều khu vực tại Hà Nội đã xuất hiện mưa giông, lốc mạnh làm đổ nhiều cây xanh. Nhiều người dân đi đường tỏ ra bất ngờ và gặp nhiều khó khăn trong lúc di chuyển.

'Siêu bão Yagi vào đất liền sẽ có sức tàn phá rất lớn'- Ảnh 1.

Cây xanh bị đổ ở Hà Nội do ảnh hưởng của hoàn lưu vành ngoài của siêu bão Yagi

ẢNH: TUẤN MINH

Chia sẻ về hiện tượng này, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết hoàn lưu trước và trong của bão thường có các xoắn mây. Trong từng loại xoắn mây có từng tổ chức của mây đối lưu khác nhau. Đối với siêu bão Yagi có hoàn lưu rất rộng, phía ngoài hay xuất hiện hệ thống mưa như tối 5.9 và chiều 6.9 tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận, đây là hình thái mây giông mạnh hình thành ở vành ngoài của hoàn lưu bão.

Theo ông Khiêm, mây giông này hình thành rời rạc, không liên tục, chỉ xuất hiện trong mấy chục phút. Chính vì vậy, những trận giông lốc này chưa phải là ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu siêu bão Yagi.

"Trong những bản tin cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, chúng tôi đều lưu ý về nguy cơ xuất hiện những ổ mây giông ở vành ngoài hoàn lưu trước khi bão đến. Khi mây giông đến thường kèm với gió và lốc xoáy, có những lúc gió mạnh ngang bằng với gió trong các cơn bão mạnh. Vậy nên, chiều nay nhiều nơi cây cối đã bị quật đổ", ông Khiêm phân tích.

Cơ quan khí tượng cho biết, lúc 16 giờ ngày 6.9, vị trí tâm siêu bão Yagi ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 110,8 độ kinh đông, trên đất liền phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 420 km.

Bão số 3 (YAGI) đổ bộ đất liền vào trưa 7.9, tốc độ rất nhanh

22 giờ đêm nay, bão Yagi vào vịnh Bắc bộ

Siêu bão Yagi mạnh cấp 16 (184 - 201 km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km.

Nói về thời gian đi vào vịnh Bắc bộ, ông Khiêm cho hay, khoảng 22 giờ đêm nay, bão sẽ đi vào khu vực này và giảm 1 - 2 cấp, giật cấp 17 do tác động của yếu tố địa hình đảo Hải Nam. Tuy vậy, hiện nay hoàn lưu của bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến phần phía đông của vịnh Bắc bộ. Trưa nay, đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6.

'Siêu bão Yagi vào đất liền sẽ có sức tàn phá rất lớn'- Ảnh 2.

Đường đi của siêu bão Yagi lúc 17 giờ chiều nay

ẢNH: NCHMF

"Từ nửa đêm nay đến sáng 7.9, vùng ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 8 - cấp 9, cấp 10 - cấp 12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền có gió cấp 6 - cấp 8, giật cấp 9 - cấp 11. Như vậy, từ nửa đêm đến sáng 7.9, nước ta mới có ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Nơi dự kiến có cảm nhận gió mạnh đầu tiên của hoàn lưu bão là khu vực Móng Cái (Quảng Ninh), tiếp đến là các khu vực khác từ Quảng Ninh - Hải Phòng", ông Khiêm chia sẻ.

Về mưa, ông Khiêm thông tin, Bắc bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 350 mm, có nơi trên 500 mm (mưa lớn nhất ở phía đông Bắc bộ, tập trung trong ngày và đêm 7.9; phía tây Bắc bộ từ tối 7.9 - 8.9).

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhấn mạnh, gió mạnh sẽ tác động lớn đến hoạt động của tàu thuyền trên vùng biển vịnh Bắc bộ, các khu nuôi trồng thủy sản và nhiều công trình.

'Siêu bão Yagi vào đất liền sẽ có sức tàn phá rất lớn'- Ảnh 3.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

ẢNH: ĐÌNH HUY

"Chúng ta đang cảnh báo mức độ chịu tác động của gió mạnh trên khu vực đất liền, trong đó có Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió cảnh báo chịu tác động của gió mạnh đang cảnh báo có khả năng cấp 10 - cấp 12, giật cấp 14. Với sức gió này, nó có sức tàn phá rất lớn. Cây cối, nhà, công trình không kiên cố sẽ bị phá hủy", ông Khiêm nói và cho rằng, chúng ta chủ động ứng phó bão dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo địa phương nhưng vẫn cần ứng phó thiên tai ở cấp cao hơn để đảm bảo an toàn nhất.

Ông Khiêm đặc biệt lưu ý, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa lớn từ 200 - 300 mm trong thời gian ngắn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thoát nước dẫn đến tình trạng ngập lụt tại đô thị và sạt lở ở vùng núi. Chính vì thế, sau khi bão đi qua, các địa phương cần quan tâm, lưu ý đến lũ quét, sạt lở đất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.