Thắt chặt chi tiêu, mua sắm nhỏ giọt
Cuối tuần qua, như thường lệ chị Kim (ngụ Q.5, TP.HCM) đưa cả gia đình đi dạo chơi ở một trung tâm thương mại tại Q.7 (TP.HCM). Sau khi đi dạo, ngắm nghía, chị mua cho cô con gái chuẩn bị vào lớp 5 một đôi xăng đan thương hiệu trong nước với giá 200.000 đồng, giảm 40% so với trước đó. Dù cũng thấy nhiều sản phẩm khác được giảm giá nhưng chị vẫn ra về tay không.
"Tôi thấy nhiều sản phẩm giảm giá rất lớn, hầu hết các cửa hàng trong siêu thị đều treo bảng sale từ 50 - 70% nhưng vắng khách. Mình cũng chỉ mua quần áo, giày dép cho con vì vào năm học mới, còn lại thì phải tiết kiệm nên không dám mua sắm thêm ngoài vật dụng rất cần thiết", chị Kim chia sẻ.
Chị Hồng Nga (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng thường tranh thủ mua đồ cho cả nhà vào những dịp khuyến mại tập trung của TP. Thế nhưng, năm nay chưa kịp đi xem thì "đùng" một phát, từ tháng 6 công ty thông báo giảm 30% lương. Vì vậy kế hoạch mua sắm quần áo, giày dép… từ nay đến cuối năm tạm ngưng hết. "Sát tết mới xem xét, cái gì cần thiết thì mua trước. Đi chợ hay siêu thị chỉ thấy mọi người mua thực phẩm, hàng thiết yếu kiểu như nước rửa chén, nước giặt… là chính. Những nơi bán quần áo, giày dép đều khá vắng. Mình cũng vậy thôi, không khéo co là chết", chị nói.
Bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 6 và sẽ còn tiếp tục đến giữa tháng 9, mùa khuyến mại năm nay của TP.HCM kéo dài gấp 3 lần so với các năm trước với mức giảm lên đến 100% để thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sức mua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiêu thụ hàng hóa, gia tăng sản xuất. Các DN cũng hưởng ứng rất mạnh và kỳ vọng vào cơ hội tăng doanh số. Tuy nhiên, sau 2 tháng thực hiện, dù chưa có số liệu thống kê nào chính thức, nhưng khá nhiều công ty cho rằng mức tiêu thụ hầu như không thay đổi nhiều.
Đại diện một DN kinh doanh hàng thời trang nữ tại TP.HCM cho biết hòa chung với chương trình khuyến mại tập trung của TP, công ty của ông cũng đưa ra chương trình giảm giá, hóa đơn giá trị cao được giảm thêm…, nhưng doanh số bán ra hầu như không tăng so với trước.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó tổng giám đốc Công ty SX Hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's), thông tin lượng hàng bán ra thậm chí còn giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Theo quan sát của bà Phượng, sức tiêu thụ chung trên địa bàn TP khá trầm lắng. Ngoại trừ sản phẩm thiết yếu chỉ giảm nhẹ hoặc đi ngang còn ngành hàng thời trang như quần áo, giày dép sức mua giảm mạnh. Bản thân công ty cũng có các chương trình giảm giá cho một số sản phẩm nhưng sự quan tâm của người tiêu dùng không nhiều.
"Nguyên nhân là do thu nhập vẫn giảm nên các gia đình cũng bớt hẳn chi tiêu mua sắm, chỉ ưu tiên cho hàng thiết yếu như thực phẩm. Lúc này thì giá bán phải ở mức thấp như thế nào để phù hợp với thu nhập của nhiều người thì họ mới quan tâm", bà Phượng nói.
Hay Saigon Co.op cũng liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, tặng quà… hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung 2023 của TP. Chia sẻ về kết quả, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động chuỗi Co.opmart, cho biết doanh số của đơn vị này chỉ tăng khoảng 2% sau các chương trình khuyến mại. Dù không tăng mạnh nhưng theo ông, nếu không có khuyến mại thì có thể doanh số sẽ giảm xuống. Hiện nay, DN đang tập trung quảng bá, kích cầu cho mùa mua sắm dịp tựu trường. Song song đó, từ ngày 24.8, hệ thống bán lẻ này sẽ thực hiện chương trình khuyến mại lớn mang tên "Ngôi sao hàng Việt" để hưởng ứng chương trình "Tự hào hàng Việt", tiếp tục tham gia vào chương trình khuyến mại tập trung chung của TP, đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước.
Cần phát triển thương mại, dịch vụ
Ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết thay vì thông thường, chương trình thường niên dành cho hàng VN được tổ chức trong tháng 9, nhưng năm nay Saigon Co.op tổ chức sớm hơn để hưởng ứng luôn chương trình khuyến mại chung của TP, hưởng ứng tuần lễ hàng Việt… Kinh tế vẫn còn khó khăn, DN hàng Việt bị tắc đầu ra nên Saigon Co.op phối hợp chung với các nhà sản xuất, cung ứng giảm tỷ lệ lợi nhuận để lấy kinh phí thực hiện khuyến mại. Chương trình vừa quảng bá sản phẩm, vừa kỳ vọng vực dậy sức mua, nên ngoài việc giảm giá cho hàng hóa, còn mở rộng việc dùng thử sản phẩm, tổ chức loạt chuyến xe bán hàng về nông thôn, bán hàng lưu động… "Tất cả đều phải tìm nhiều cách để tiếp cận người tiêu dùng, đưa hàng hóa đến tận tay khách hàng", ông Nguyễn Ngọc Thắng nói.
Các DN nhìn chung vẫn cho khuyến mại, giảm giá vẫn là giải pháp mà chính bản thân họ sẽ thực hiện để thu hút khách hàng. Ví dụ khi Biti's giảm 10 - 20% một số sản phẩm, thì lượng quan tâm của khách hàng chưa nhiều. Nhưng mới đây khi công ty đưa ra chương trình "Chào đón tuần lễ Tự hào hàng Việt" với ưu đãi lên đến 50% thì nhận được nhiều phản hồi tích cực, quan tâm của người dùng.
"Cũng có thể một phần trùng hợp với dịp gia tăng mua sắm cho con em quay lại trường, nhưng cái chính là mức giảm mạnh khiến khách hàng muốn mua vì sẽ tiết kiệm được nhiều hơn", bà Phượng thông tin, nhưng thừa nhận là việc giảm giá đến 40 - 50% thì DN "không thể chịu nổi", nên thường chỉ thực hiện cho một số sản phẩm nhất định và cũng chỉ trong thời gian ngắn.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đánh giá khuyến mại, giảm giá là hình thức truyền thống do DN chủ động thực hiện từ trước đến nay. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để phục hồi việc làm, thu nhập cho người dân thì sức mua mới có thể gia tăng. Hiện nay, xuất khẩu sụt giảm thì tác động đến nhiều địa phương, chứ không chỉ riêng TP.HCM. Vì thế, TP.HCM phải làm sao khôi phục được thương mại, dịch vụ khi sự sụt giảm mạnh hơn dự báo. Ví dụ, TP muốn phát triển kinh tế đêm thì phải tạo môi trường an toàn cả về giao thông lẫn trật tự xã hội để người dân yên tâm ra đường vui chơi, giải trí. Người dân muốn ra đường nhưng lo sợ kẹt xe, trộm cướp… thì họ sẽ ở nhà nhiều hơn. Chỉ khi có nhiều người ra khỏi nhà, đến các siêu thị, trung tâm thương mại để vui chơi, từ đó mới chi tiêu và sức mua của ngành dịch vụ, thương mại mới cao hơn.
"Việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội là trong tầm tay thực hiện của TP. Chẳng hạn, chỉ cần các giờ cao điểm ở những điểm nghẽn hay xảy ra kẹt xe thì tăng cường lực lượng điều phối giao thông để đường thông hè thoáng. Trước hết TP phải tạo môi trường an toàn, an tâm trong lưu thông để người dân đi lại, kinh doanh thuận tiện… thì cũng góp phần thúc đẩy gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chung mà không chỉ trông chờ vào các chính sách vĩ mô vì thường hiệu quả lâu hơn mong đợi", chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.
Chương trình khuyến mại tập trung "Shopping Season" năm 2023 của TP.HCM kéo dài từ 15.6 - 15.9 với hơn 7.000 chương trình khuyến mại của các DN. Ngoài điểm mới là kéo dài thời gian, năm nay TP cũng phối hợp cùng chương trình quảng bá du lịch kết hợp mua sắm; khuyến mại hàng hiệu với sự tham gia của nhiều thương hiệu. Theo thông tin ban đầu từ Sở Công thương, riêng chương trình siêu khuyến mại hàng hiệu sẽ diễn ra trong tháng 9 với khoảng 100 nhãn hiệu nổi tiếng…
Bình luận (0)