'Siêu lừa' trẻ tuổi

13/04/2015 11:20 GMT+7

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị liên tục ghi nhận sự gia tăng của các “siêu lừa” trẻ tuổi. Đặc biệt, các “siêu lừa” đều sử dụng internet để “cuỗm” tiền người khác trên mạng ảo...

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị liên tục ghi nhận sự gia tăng của các “siêu lừa” trẻ tuổi. Đặc biệt, các “siêu lừa” đều sử dụng internet để “cuỗm” tiền người khác trên mạng ảo...

'Siêu lừa' trẻ tuổi
 Băng nhóm lừa đảo qua mạng tuổi học trò tại Công an TX.Quảng Trị (Quảng Trị) tháng 9.2012 - Ảnh: Nguyễn Phúc
Từ lừa card đến lừa... tiền
Dù thủ đoạn của các “siêu lừa” trẻ tuổi trên mạng là đơn giản và giống nhau nhưng vẫn có nhiều nạn nhân dính bẫy phần nhiều là do chủ quan. Dân thạo công nghệ khuyến cáo rằng đối với chủ tài khoản Facebook, Yahoo không nên nhấp chuột vào các đường link lạ, đặc biệt là các trang yêu cầu khai báo lại mật khẩu tài khoản để tránh bị đánh cắp tài khoản. Còn đối với những người trò chuyện trên mạng cần cảnh giác và kiểm tra bằng các phương thức khác như gọi điện thoại khi người trò chuyện đặt vấn đề mượn tiền, nạp card...
Một trong những vụ lừa đảo đầu tiên do các cu cậu học trò thực hiện được phát hiện tại Quảng Trị là vào khoảng tháng 9.2012. Dịp đó, nhờ sự phối hợp của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an TP.Hà Nội), Công an TX.Quảng Trị đã phá một băng lừa đảo qua mạng chuyên nghiệp, tuổi đời chưa quá 18... Từ dấu vết ban đầu của Nguyễn Đức Bi (còn gọi là Thệu, 16 tuổi, trú P.3, TX.Quảng Trị), lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 14 nghi phạm khác có liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng đều trú P.3, TX.Quảng Trị.
Thủ đoạn chung của nhóm là tạo ra các đường link có giao diện tương tự của Yahoo và Facebook, khi người sử dụng vô tình đăng nhập vào thì tài khoản và mật khẩu sẽ bị phần mềm “gián điệp” chuyển về hộp thư của các nghi phạm. Sau khi trộm được tài khoản, chúng liền đổi mật khẩu, lục lọi lịch sử các cuộc trò chuyện, đánh giá mức độ thân thiết của chủ tài khoản (thật) với số bạn bè có trong danh sách. Tiếp đó, chúng sẽ học cách chat (nói chuyện) gần gũi như bình thường và cuối cùng là viện ra một số lý do (nhà mạng hôm nay khuyến mãi, đang chơi game lỡ tay…) để lừa người bạn của chủ tài khoản (thật) mua dùm card điện thoại. Số card này được chúng sử dụng hoặc chuyển đổi qua một tài khoản game để bán lại cho bạn bè hoặc các đại lý…
“Nhóm học sinh đều đang học phổ thông, hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả nhưng lại lêu lổng, nghiện game. Không có tiền để tiếp tục “cày game” cả nhóm tự mày mò, thậm chí “chuyển giao công nghệ” lừa đảo người khác trên mạng cho nhau”, một điều tra viên đã nói với Thanh Niên vào thời điểm đó.
Nguy hiểm hơn là trường hợp của Lâm Quang Trung (19 tuổi, trú P.2, TX.Quảng Trị, Quảng Trị). Thông qua bạn bè, Trung biết được cách lừa đảo tiền qua internet (thủ đoạn tương tự nhóm của Bi) và xem đây như “bảo bối” để tồn tại. Chỉ có điều, Trung đã không dừng lại ở mức độ lừa thẻ cào điện thoại. Cụ thể, từ tháng 8.2012 đến tháng 12.2013, Trung đã chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với số tiền lên đến trên 214 triệu đồng. Đơn cử như vụ Trung lấy được tài khoản Facebook của ông N.M.L (Hà Nội) và giả danh ông này lừa bà N.H.T (bạn ông L.) chuyển 2 thẻ cào 500.000 đồng cùng 35 triệu đồng. Hay vụ Trung “giả danh” ông H.T.L (Hà Nội) lừa bà H.L.C (Sơn La) chuyển khoản 25 triệu đồng vào tài khoản của Trung... Toàn bộ số tiền này Trung nướng vào game hoặc tiêu xài vung vít bên ngoài.
Vướng... lao lý
Vi phạm pháp luật, nhiều “siêu lừa” trẻ tuổi đã phải trả giá khá đắt khi sa lưới, đối mặt với cảnh tù tội và đánh rơi tương lai sáng lạn đang ở phía trước... Trường hợp của Võ Đình Tuấn (21 tuổi, trú xã Hải Vĩnh, H.Hải Lăng, Quảng Trị) là một ví dụ. Tháng 3.2015, khi bị Công an tỉnh Quảng Trị bắt để điều tra về tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, Tuấn đang là SV năm thứ 2 Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.
Kết quả điều tra cho hay khi vào Đà Nẵng trọ học, để có tiền ăn chơi, đi bar, bao bạn bè, Tuấn thực hiện hành vi trộm tài khoản Facebook rồi giả danh mời nạn nhân “hợp tác đầu tư”...
Cú lừa ngoạn mục nhất của Tuấn chính là việc chiếm đoạt tài khoản Facebook tên “Duc Anh” và lừa 2 nạn nhân nữ ở Hà Nội tên Huyền và Hương. Qua “chát chít”, Tuấn biết “Duc Anh” đang sống ở Hàn Quốc, còn Hương, Huyền là em họ của “Duc Anh” nên lập tức ra chiêu. Cụ thể, Tuấn nói với Hương, Huyền có mối mua thẻ cào ở VN để chơi game, 1 thẻ 100.000 đồng ở Hàn bán lại được 15 USD, nên rủ cả 2 chung vốn. Tin lời, Hương đã mua 264 thẻ cào (mệnh giá 200.000đ và 500.000 đồng, tổng trị giá hơn 85 triệu đồng) và gửi số seri cho Tuấn. Tương tự, Huyền cũng “đóng góp” gần 13 triệu đồng. Sau khi có seri, Tuấn nhanh chóng thực hiện chuyển số thẻ cào này vào các tài khoản tại một trang ngân hàng ảo để quy đổi thành tiền mặt rồi rút ra tiêu xài.
Cũng với hành vi “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, Trần Hữu Đạt (19 tuổi, trú xã Triệu Giang, H. Triệu Phong, Quảng Trị) đã bị Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố bị can, bắt tạm giam ngày 14.1.2015.
Cụ thể, tháng 3.2014, Đạt chiếm đoạt tài khoản Facebook của ông N.T.N (Gia Lai) và mạo danh để chat với bạn ông N. là N.H.T (cùng Gia Lai) rồi mượn tiền 6 triệu đồng chuyển qua dịch vụ internet banking. Ông T. chỉ còn 4 triệu đồng nên chuyển cho “bạn” chừng đó. Chiều cùng ngày, “bạn” tiếp tục mượn thêm 5 triệu đồng nên ông T. sinh nghi, xác minh thì phát hiện bị lừa nên trình báo công an.
Với thủ đoạn trên, Đạt đã mạo danh chiếm đoạt 6 bị hại khác. Trong đó, lừa anh P.C.T (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) 30 triệu đồng, chị V.T.H.T (Q.3, TP.HCM) 15 triệu đồng, anh T.Q.L (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) 6 triệu đồng... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.