Siêu máy tính số 1 thế giới sẽ chọn đeo khẩu trang nào?

25/08/2020 19:25 GMT+7

Siêu máy tính Fugaku có tốc độ xử lý nhanh nhất thế giới xác định khẩu trang làm từ vải không dệt hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn virus lây qua đường hô hấp.

Theo Nikkei Asian Review, siêu máy tính Fugaku của Nhật Bản xác định rằng khẩu trang làm từ vải không dệt có hiệu quả nhất trong việc ngăn các giọt li ti bắn ra từ đường hô hấp kèm theo nguy cơ chứa virus, nhưng những loại khẩu trang khác vẫn có hiệu quả.
Fugaku, máy tính của Viện Riken, phân tích khả năng của các khẩu trang làm từ cotton, polyester và vải không dệt trong việc ngăn chặn các giọt bắn ra khi ho bởi người đeo.
Vải không dệt có khả năng ngăn chặn gần như mọi giọt li ti bắn ra khi ho, và cả 3 loại đều đủ khả năng ngăn chặn tối thiểu 80%, giúp các loại khẩu trang này kiềm hãm tốc độ lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19, theo nhóm thực hiện thử nghiệm.
“Điều nguy hiểm nhất là không đeo khẩu trang chỉ vì thời tiết nóng bức. Điều quan trọng là cần đeo khẩu trang, kể cả khẩu trang vải (dệt) ít hiệu quả hơn”, theo chuyên gia Makoto Tsubokura, tại Trung tâm Khoa học máy tính thuộc Viện Riken.

Fukagu hiện là siêu máy tính nhanh nhất thế giới

Ảnh chụp màn hình NAR

Nhóm nghiên cứu cho hay vải không dệt cho phép không quá 10% hạt li ti có đường kính 20 micron trở xuống lọt qua các khe hở giữa vải và mặt. Khẩu trang polyester và cotton có thể cho phép đến 40% các hạt này lọt qua, do các sợi thưa hơn.
Trong một mô phỏng khác, siêu máy tính Fugaku phân tích nguy cơ virus lây lan trong một khán phòng đa năng rộng 14.000 m2 với khoảng 2.000 khán giả tại Kawasaki gần Tokyo.
Phòng có máy lạnh dưới ghế và giả định khán giả đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Kết quả cho thấy có rất ít nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Tôi cho rằng quy định giới hạn nên nới lỏng dần nếu chúng ta giảm phân nửa số khán giả, buộc họ đeo khẩu trang đề phòng cụm lây nhiễm”, theo chuyên gia Tsubokura.

Tận mắt xem hiệu quả ngăn giọt dịch bắn ra khi ho của khẩu trang

Siêu máy tính Fugaku được phát triển bởi Hãng Fujitsu và Viện Riken có thể đạt tốc độ kinh khủng là 530 petaflop, với 1 petaflop bằng 1 triệu tỉ phép tính/giây.
Tốc độ này tương đương dân số 7 tỉ người trên toàn cầu chia nhau làm 1 phép tính/giây liên tục trong 2 năm liền. Tốc độ kỷ lục này cao hơn gấp đôi so với siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay là Summit của IBM (Mỹ) có tốc độ 200 petaflop.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.