Nhóm nghiên cứu Mỹ mới đây đã phát hiện một loài giun sống gần Khu vực Loại trừ Chernobyl (CEZ) dường như miễn nhiễm với tác hại do phóng xạ mãn tính từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân năm 1986. Đây là vùng cấm con người tiếp cận, tờ The Independent đưa tin hôm 8.3.
Giáo sư sinh học Matthew Rockman của Đại học New York (Mỹ) và cộng sự Sophia Tintori đã đến CEZ vào năm 2019 và thu thập các mẫu của một loài giun tròn có tên Oscheius tipulae. Các nhà nghiên cứu đã lấy giun từ các mẫu đất, trái cây thối rữa và các vật liệu khác rồi kiểm tra mức độ phóng xạ tại địa phương.
‘Siêu sâu’ xuất hiện ở vùng đất thảm họa hạt nhân Chernobyl?
Ông Rockman cho biết trong thông cáo báo chí trong tuần này: "Những con giun này sống ở khắp mọi nơi và có vòng đời rất ngắn, vì vậy chúng đã trải qua hàng chục thế hệ tiến hóa".
Ông Rockman và cộng sự đã giải trình tự bộ gen của 15 loài giun mà họ thu thập được từ Chernobyl và so sánh chúng với 5 dòng giun tròn ở nơi khác. Họ cho biết các nhà nghiên cứu "không thể phát hiện dấu hiệu tổn hại do phóng xạ" ở sâu Chernobyl.
Mặc dù thận trọng để không đưa ra kết luận vội vàng, 2 nhà khoa học Tintori và Rockman bày tỏ hy vọng nghiên cứu này có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh ung thư. Nghiên cứu của họ đã được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).
Tiến sĩ Tintor nói với tờ The Daily Mail: "Chernobyl là một thảm kịch có quy mô không thể hiểu nổi, nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ về tác động của thảm họa đối với người dân địa phương.
"Có phải sự thay đổi môi trường đột ngột đã chọn ra những loài, hoặc thậm chí các cá thể trong một loài, có khả năng chống lại bức xạ ion hóa tốt hơn một cách tự nhiên?", bà Tintor đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Tintori tiết lộ rằng khám phá thú vị này không có nghĩa là Chernobyl an toàn, nhưng nó cho thấy giun là loài động vật kiên cường, có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt.
Nạn nhân sống sót nói gì về bộ phim truyền hình Chernobyl?
1 trong 4 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ vào tháng 4.1986, giải phóng lượng phóng xạ gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử thả xuống TP.Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến II.
Kể từ đó, 100.000 người đã được sơ tán khỏi TP.Pripyat gần đó. Toàn bộ khu vực cách thủ đô Kyiv của Ukraine khoảng 100 km về phía bắc, được coi là không an toàn cho con người sinh sống.
Bình luận (0)