Dự án đóng tàu Mekong Lover là kết quả hợp tác giữa 4 đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực du lịch và đóng tàu, trong đó Focus Travel Group (FTG) - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm khai thác du lịch đường sông Mekong - giữ vai trò chủ đầu tư. Để đảm bảo con tàu đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, vận hành hiệu quả và có tính thẩm mỹ cao, chiều nay (19.2), FTG đã tổ chức buổi lễ ký kết hợp tác với những đối tác có thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực.
Theo đó, Công ty CP Kỹ thuật Đóng tàu Việt Nam (VISEC) phụ trách thiết kế kỹ thuật và thi công, đảm bảo kết cấu tàu vững chắc, phù hợp với điều kiện dòng chảy trên sông Mekong. Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) là đơn vị thi công, hiện thực hóa bản vẽ thành một du thuyền đáp ứng tiêu chuẩn vận hành quốc tế. Công ty TNHH Kỹ thuật và Công nghệ Hàng hải Việt Nam (VIMATEC) chịu trách nhiệm giám sát chất lượng, đảm bảo mọi giai đoạn từ thiết kế đến hoàn thiện đều tuân thủ các tiêu chí kỹ thuật đề ra.

Buổi lễ ký kết được tổ chức chiều nay (19.2)
ẢNH: N.S
Không gian nghỉ dưỡng mang dấu ấn văn hóa
Phát biểu về ý nghĩa của dự án, ông Đặng Bảo Hiếu - Chủ tịch Focus Travel Group - chia sẻ: Với Mekong Lover, FTG không chỉ mong muốn mang đến một du thuyền du lịch đơn thuần, mà còn kỳ vọng đây sẽ là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch đường sông Việt Nam. FTG tự hào khi dự án này được thiết kế và đóng mới hoàn toàn tại Việt Nam, thể hiện năng lực của ngành đóng tàu trong nước cũng như mở ra cơ hội để du khách trong và ngoài nước trải nghiệm một hành trình trọn vẹn ngay trên dòng Mekong.
"Chúng tôi cam kết thực hiện dự án với sự kỹ lưỡng trong từng giai đoạn, từ thiết kế, thi công đến kiểm định chất lượng, để Mekong Lover trở thành một du thuyền an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển du lịch bền vững và góp phần nâng tầm du lịch đường sông Việt Nam".
Theo thông tin từ chủ đầu tư, Mekong Lover không chỉ là một phương tiện di chuyển mà còn là một không gian nghỉ dưỡng mang dấu ấn văn hóa. Các chi tiết thiết kế trên tàu được lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc Đông Dương, thể hiện qua những họa tiết chạm khắc gỗ, cửa sổ vòm, gạch men thủ công, gợi nhớ đến các biệt thự cổ ở Sài Gòn, Hà Nội và Phnom Penh. Một số nét đặc trưng trong thiết kế nội thất được lấy cảm hứng từ nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc) - nơi gắn liền với câu chuyện của nữ văn sĩ Marguerite Duras, mang lại không gian vừa hoài niệm vừa sang trọng.
Du thuyền có 32 cabin, tất cả đều có ban công riêng, mang đến sự riêng tư và tiện nghi cho du khách. Hồ bơi vô cực trên sông Mekong là một điểm nhấn đặc biệt, nơi du khách có thể thư giãn trong làn nước mát, ngắm nhìn hoàng hôn trên dòng Mekong. Đặc biệt, Mekong Lover còn có sân khấu trình diễn nghệ thuật truyền thống, nơi tổ chức các chương trình biểu diễn Hát Bội, Múa Khmer và nghệ thuật dân gian Việt Nam - Campuchia.
Ông Đặng Bảo Hiếu chia sẻ: FTG bắt đầu khai thác du lịch sông Mekong từ 2009 với sản phẩm đầu tay là tàu La Marguerite và đến nay sau 16 năm, La Marguerite vẫn là biểu tượng của du lịch sông Mekong. Tuy nhiên, FTG chưa từng nghĩ đến việc đưa các hoạt động trình diễn, giải trí lên La Marguerite. Với Mekong Lover, những yếu tố về văn hoá, lịch sử sẽ là 1 trong những nét đặc trưng tạo nên biểu tượng du lịch mới trên dòng Mekong.
"Với Mekong Lover, một trong những nhiệm vụ hàng đầu chúng tôi giao cho nhà thiết kế là tạo được 1 sân khấu trình đủ điều kiện để trình diễn một buổi đờn ca tài tử hoặc một sân khấu hát bội một cách chuyên nghiệp, quy mô. Sân khấu không đơn thuần chỉ để biểu diễn mà còn mang tính kể chuyện, để du khách vừa thưởng thức chương trình biểu diễn đặc sắc, vừa được thuyết minh để hiểu thêm về câu chuyện, văn hóa, tiếp thu thêm kiến thức từ một vùng đất mới. Chúng tôi muốn mang đến không chỉ con tàu hạng sang với những dịch vụ hoàn hảo nhất mà còn là một nơi trình diễn các nét văn hóa của ĐBSCL để nâng cao hơn nữa vị trí của dòng sông Mekong trên bản đồ du lịch thế giới" - Chủ tịch FTG nhấn mạnh.

Du thuyền La Marguerite hiện đang là biểu tượng của du lịch sông Mekong
ẢNH: NAM LONG
Đưa Việt Nam trở thành trung tâm trải nghiệm du thuyền
Nói thêm về câu chuyện du lịch đường sông, Chủ tịch FTG cho biết chiến lược phát triển du lịch của TP.HCM cũng như của Việt Nam tầm nhìn đến 2030 nhấn mạnh rất nhiều đến yếu tố du lịch đường sông, du lịch biển. "Mekong Lover" là một trong rất nhiều những dự án đóng mới phương tiện du lịch nhằm mở mang, quảng bá những sản phẩm du lịch mới tới du khách trong và ngoài nước.
Trước đây, phần lớn các du thuyền quốc tế khai thác trên sông Mekong đều dành nhiều thời gian ở Campuchia, trong khi Việt Nam chủ yếu là điểm quá cảnh. Sản phẩm sông Mekong truyền thống hiện nay chủ yếu dài 8 ngày 7 đêm thì có tới 5 ngày ở bên Campuchia, chỉ khoảng 2 - 3 ngày tàu di chuyển trên vùng sông của Việt Nam. Các hoạt động du lịch trên sông Mekong đã phát triển từ 2004 và gần như 20 năm qua sản phẩm vẫn na ná, chưa có đột phá.
Vì thế, FTG kỳ vọng với quyết tâm của chủ đầu tư cùng các nhà thiết kế sẽ tạo ra sản phẩm mới định hình thương hiệu du lịch sông Mekong lên tầm cao hơn, chất lượng hơn, từ đó quảng bá du lịch đường sông của TP.HCM, ĐBSCL cũng như của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Với Mekong Lover, thời gian lưu trú tại Việt Nam sẽ được kéo dài hơn, mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm sâu hơn về văn hóa và cảnh quan miền Tây Nam bộ. Hành trình mới giúp du khách không chỉ tham quan các điểm du lịch quen thuộc mà còn có thời gian hòa mình vào đời sống địa phương, từ làng nghề truyền thống, chợ nổi đến những bữa ăn mang đậm hương vị bản địa. Thay vì dành phần lớn thời gian thưởng thức nghệ thuật Campuchia như trước đây, du khách sẽ có nhiều đêm trải nghiệm các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Khi thời gian lưu trú của du khách tại Việt Nam tăng lên, chi tiêu cho các dịch vụ du lịch, nhà hàng, mua sắm cũng sẽ cao hơn, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương, góp phần phát triển du lịch đường sông một cách bền vững.
"Từ trước đến nay, đối tượng chủ đạo của khách đi du lịch đường sông Mekong là khách châu Âu. Sản phẩm mới này chúng tôi còn định hướng nhắm vào thị trường các nước Đông Nam Á và đặc biệt là quay về phục vụ đối tượng khách Việt Nam có khả năng chi trả cao. Chúng tôi sẽ xây dựng những chương trình 5 ngày 4 đêm, 4 ngày 3 đêm để người Việt có thêm lựa chọn tham gia vào hành trình khám phá dòng sông Mekong. Rất nhiều người Việt, đặc biệt ở vùng Đồng bằng Bắc bộ hoặc bạn bè kiều bào nước ngoài khi về thăm quê hương cũng muốn tìm hiểu dòng sông Mekong, khám phá bản sắc văn hóa trên con sông. Mekong lover sẽ tạo điều kiện phô diễn hơn nữa các sản phẩm du lịch đường sông đặc sắc cho đồng bào mình" - ông Đặng Bảo Hiếu nói.
Ước tính, thời gian từ khi lên thiết kế đến thực thi, đóng tàu mất khoảng 16 - 18 tháng. Các đơn vị cam kết đẩy thật nhanh tiến độ để đến tháng 10.2026 sẽ đưa con tàu này vào khai thác. Dự toán, mỗi một phòng trên tàu có tổng mức đầu tư khoảng từ 150.000 - 250.000 USD, số lượng phòng dự kiến là 36 phòng. Con tàu có giá trị khoảng hơn 100 tỉ đồng.
Bình luận (0)