Siêu thị Hà Nội đầy ắp hàng hóa, khuyến khích người dân không mua tích trữ

24/07/2021 12:08 GMT+7

Trong buổi sáng đầu tiên Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16 , các quầy lương thực, thực phẩm trong siêu thị đầy ắp hàng hóa, lượng khách đến mua cũng không quá đông.

Kêu gọi người dân mua hàng đủ dùng

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại siêu thị Vinmart Times City (Q.Hai Bà Trưng) lúc 9 giờ sáng nay, 24.7, người dân đã bắt đầu đổ đến siêu thị mua sắm hàng hóa.
Các quầy rau xanh có đủ loại từ loại rau ăn lá như rau muống, rau ngót, mùng tơi, cải xanh, rau dền, bắp cải… đến các loại quả như cà chua, bí xanh, bí đỏ, bầu, su su… và các loại rau gia vị. Trong khi đó, các quầy lương thực, gạo, mì đều chất đầy trên kệ và hầu không có người mua.

Rau xanh rất nhiều, giá cả bình ổn

Ảnh T.Hằng

Tại khu vực bán trứng gà, vịt, nhân viên siêu thị khuyên mỗi người chỉ mua 2 vỉ, không nên mua nhiều để tích trữ.
Mặt hàng được mua nhiều là thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, lượng thịt bán ra rất hạn chế, nhân viên chuyển hàng ra đến đâu hết đến đấy.
Giá rau xanh, thực phẩm khá bình ổn, đơn cử như: bắp cải 18.000 đồng/kg, cải thảo 19.600 đồng/kg, bầu 18.500 đồng/kg, bí đao 23.500 đồng/kg, rau ngót 28.000 đồng/kg, cà chua 35.000 đồng/kg, thịt ba chỉ và nạc băm 219.000 đồng/kg…
Chị Hồng Ngọc, ở Tòa T7, Khu đô thị Times City, cho hay: “Chiều tối qua, khi nghe tin đồn Hà Nội sẽ giãn cách, tôi qua siêu thị mua hàng thì quá đông, rau củ quả hết sạch. Sáng nay thì ê hề, rau tươi mua thoải mái không phải tranh nhau”.
Ghi nhận sơ bộ của Hệ thống siêu thị Vinmart miền Bắc, lượng người mua sắm tại các siêu thị Vinmart ở Hà Nội sáng nay tăng 20 - 30%. Các siêu thị thực hiện các biện pháp để đảm bảo giãn cách khách hàng theo quy định "5K" của Bộ y tế và quy định phòng dịch của thành phố.

Do xe vận chuyển thực phẩm phải qua kiểm dịch, khai báo y tế nên thịt lợn về siêu thị muộn so với ngày thường

Ảnh T.Hằng

Lý giải việc siêu thị Times City thiếu thịt tươi sống, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vinmart miền Bắc, chia sẻ: “Do ngày đầu giãn cách, các xe vận chuyển thực phẩm phải qua kiểm dịch và khai báo y tế nên một số mặt hàng như thịt, cá có trễ hơn một chút. Tuy nhiên, tầm 10 giờ sáng trở đi, hàng hóa đã được lấp đầy các kệ. Tùy vào sức mua, chúng tôi sẽ điều xe bổ sung hàng cho các siêu thị thêm vào buổi chiều và tối. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân mua sắm vừa đủ, không tích trữ hàng hóa”.
Tại siêu thị Aeon (Q.Long Biên), lượng người tới siêu thị đông hơn so với ngày bình thường. Giá rau ngót 8.000 đồng/bó, bí đỏ dài 19.000 đồng/kg, súp lơ 48.000/kg, bầu sao 23.000 đồng/kg, mướp hương 12.000 đồng/kg. Ngoài ra, sườn sụn có giá 299.000 đồng/kg, cánh gà 59.900 đồng/kg, bắp bò 340.000 đồng/kg…
Tại siêu thị Big C Thăng Long (Q.Cầu Giấy), càng đến cuối buổi sáng, lượng khách hàng đến siêu thị càng tăng nhưng không đông đột biến. Đáng chú ý, nhiều người mua nhiều hơn thường ngày nhưng không ồ ạt nhưng các lần trước.
Giá cả khá bình ổn, bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, cải bắp trắng 12.500 đồng/kg, thanh long đỏ 32.000 đồng/kg, xoài cát chu 45.900 đồng/kg…

Hà Nội khẳng định đủ hàng hoá cung ứng cho dân khi giãn cách phòng Covid-19

Siêu thị đóng cửa muộn, khuyến khích mua hàng online

Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân thủ đô trong 15 ngày giãn cách, ông Vũ Thanh Tân, Phụ trách truyền thông Big C Việt Nam, cho biết: “Hệ thống siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn Central Retail) đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời hoạt động từ 8 giờ đến 22 giờ và 22 giờ 30 (ngày cuối tuần). Nếu cần thiết sẽ kéo dài thêm để phục vụ khách hàng mua sắm trong giãn cách”.
Về nguồn cung hàng hoá, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn. Ngoài bán hàng trực tiếp, Big C còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến GO!&Big C; Hotline mua hàng 1900 1880, Zalo shop, Grab mart, Now...
“Hàng thực phẩm khô nguồn dự trữ tăng 30 - 50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao. Đối với hàng tươi sống, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 200 - 300% so với thông thường", ông Tân nói..

Mỳ tôm vốn "cháy hàng" trong các đợt dịch lần trước, lần này ít người mua

Ảnh T.Hằng

Với hệ thống Vinmart/Vinmart+, ông Khúc Tiến Hà cho biết, một số siêu thị gần các khu dân cư có lượng khách lớn sẽ mở cửa từ 7 giờ 30 sáng để phục khách hàng. Ngoài ra, siêu thị còn có có dịch vụ "Đi chợ hộ" thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị Vinmart, cửa hàng Vinmart+ trên toàn quốc, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... hay đặt hàng online trên website https://vinmart.com...
Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc, Công ty TNHH Aeon Việt Nam, thông tin Aeon Việt Nam đã chủ động tăng trữ lượng hàng thực phẩm từ cách đây 1 tuần, cho 3 siêu thị Aeon khu vực Hà Nội (Long Biên, Hà Đông và MaxValu Riverside).
Cụ thể, lượng thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, cá, thịt) tăng từ 200 - 400%, thực phẩm khô (mì, miến...) tăng từ 120 - 130%. Bộ phận thu mua của Aeon Việt Nam đã làm việc với nhà cung cấp để có kế hoạch dự phòng, tăng nguồn hàng, đồng thời lên các phương án tăng diện tích kho chứa, tăng lượng hàng đông lạnh và hàng tươi cấp đông…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.