Sim

Năm 2007, Sơn Nam tiên sinh bệnh - cái bệnh của người già. Tôi đến thăm ông trong căn nhà nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói chuyện cho ông vui. Hôm ấy, ông vui thật. Nhà văn lão thành Nam bộ biểu dương tôi là tay “nói dóc tổ mẹ” khi viết ca từ trong các ca khúc.

Ông nói: “Cây sim ở Quảng Nam của mầy lùn beo, thấp xịt, mầy ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó tới? Mà đồi sim trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có tới thì mầy “mần ăn” được gì?”. Tôi không dám cãi lại ông, một là vì tôi biết mình có cãi cũng không lại, hai là vì “kính lão đắc thọ” và ba là vì tôi rất yêu quý ông.
Nếu hôm ấy tôi mang theo cái laptop, mở ra cho tiên sinh xem đoạn các phóng viên truyền hình thu cảnh phim tôi bước lên đồi sim Tam Thăng (Tam Kỳ, Quảng Nam) thì có lẽ Sơn Nam tiên sinh đã công nhận rằng tôi viết ca từ rất thật. Tùy theo thổ nhưỡng, có hai loại sim. Cây sim miền Trung mọc trên đồi hay chân núi khô cằn thì “lùn beo, thấp xịt” đúng như Sơn Nam tiên sinh đã thấy và nói. Vậy nhưng, cây sim miền Trung mà mọc trên đồi cát ven biển thì khá cao, có cây cao trên bốn mét, cành lá sum xuê che mát cả một vùng rộng đến nỗi ta… nằm dưới đó cũng được chứ đừng nói chuyện ngồi. Cho nên “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó” là rất thật!
Vì sao tôi yêu hoa sim? Tôi lớn lên ở Tam Kỳ từ lúc mới ra đời cho đến năm chín tuổi. Thời chiến tranh gian khổ ấy, trẻ con không có cái gì để ăn vặt, cha mẹ cũng không có tiền mua quà vặt cho con. Nhà tôi sát cạnh đồi sim, chị tôi thường dẫn tôi lên đồi hái trái sim, trái móc, trái trâm làm quà cho em. Ba loại trái đó là quà tặng thiên nhiên vô giá của đồi quê mang lại cho trẻ con. Tháng ba, sim ra hoa; đến tháng sáu trái sim chín. Từ đó sang hết mùa thu là mùa sim chín. Trái sim chín ngả qua màu tím nhạt, ngoài vỏ phủ một lớp lông mịn như nhung, ăn vào vừa ngọt, vừa thoáng một chút vị chát. Đó là một loại trái ngon và lành.
Lớn lên, mười sáu tuổi, tôi đọc tập thơ Màu hoa trên ngàn của nhà thơ Bùi Giáng. Màu hoa trên ngàn là màu hoa sim tím. Quê tôi bạt ngàn những đồi sim, rừng sim, nổng sim. Sim mọc xanh tươi trên đồi cát trắng Tam Kỳ. Sim mọc đầy trên những ngọn đồi xung quanh khu đền tháp Mỹ Sơn và vùng bán sơn địa Duy Sơn (Duy Xuyên). Sim mọc dày trên các ngọn đồi của đèo Le nối Quế Sơn và Nông Sơn - con đường giữ dê của nhà thơ Bùi Giáng trước năm 1952.
Hoa sim màu tím nhạt, chỉ có năm cánh, nở trên rừng sim e ấp như cô thiếu nữ miền quê hồn hậu, chân chất. Nó có đó nhưng không khoe khoang mời gọi một ai phải nhìn ngắm. Có nhiều người nhầm lẫn hoa sim với hoa mua. Hoa mua nhiều cánh, màu tím đỏ ngả qua màu hoa bằng lăng. Lá mua có lông ở mặt trên; lá sim láng và có màu xanh đậm. Mua cũng ra trái tròn như sim nhưng không ăn được. Nhờ đọc thơ Bùi Giáng, tôi thêm yêu màu hoa sim tím.
Vậy rồi trong giáo trình văn học, tôi dạy bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan cho học sinh trung học. Người ta nói gì thì nói, phê bình thế nào thì phê, tôi vẫn nghĩ bài thơ ấy là một danh tác trong thơ Việt. Nhà thơ sống thật với lòng mình, cái tình cái ý miên man khi viết về nỗi nhớ thương người vợ trẻ yểu mệnh. Nó đúng là danh tác bởi ít nhất có bốn nhạc sĩ đem nội dung của bài thơ ấy viết thành ca khúc. Ca khúc tuyệt nhất lại là một bài bolero sâu lắng, thoát hẳn ra khỏi sự bó buộc của ngôn ngữ thơ, chỉ giữ lại nội hàm và hồn vía của bài thơ. Đó là ca khúc Những đồi hoa sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh. Tôi nghĩ ca khúc của Dzũng Chinh xứng đáng được gọi là danh tác của dòng nhạc bolero phía nam.
Tôi nghe một giai thoại như vầy, tiếc rằng người kể đã qua đời nên tôi không dám nêu tên anh ra. Anh kể năm 1977, anh và nhà thơ Hữu Loan lần đầu tiên từ miền Bắc vào Sài Gòn chơi. Khi vừa bước xuống khỏi xe đò ở Bến xe Miền Đông, họ chợt nghe một người hát dạo chơi guitar và hát Những đồi hoa sim qua micro. Ông Hữu Loan cảm xúc, lắng nghe từng chữ, từng câu của bài hát. Vành mắt ông đỏ hoe, có lẽ là đang nhớ lại bóng dáng của người vợ thân yêu trong bài thơ của mình - bài thơ đã đưa số phận của ông đi qua những tháng năm cay đắng nhất của phận người. Hôm ấy, Hữu Loan có trong túi mấy chục đồng, ông lấy tiền ra tặng cho người hát dạo vài chục - một số tiền khá lớn. Ông nói, trong đời chưa có bài hát nào viết từ ý thơ của ông mà đẹp và giàu cảm xúc đến vậy. Ông không hỏi người nghệ sĩ giang hồ tên gì, người ấy cũng không biết ông là ai. Họ chia tay trên Bến xe Miền Đông “tím chiều hoang biền biệt”.
Tôi yêu quê nhà tôi, yêu màu hoa sim tím giản dị, hồn nhiên, mộc mạc. Lòng tôi tràn ngập bóng hoa sim, cây sim, đồi sim. Bạn hiểu đấy, sim mọc trên đồi cát, chân núi; nó chỉ hưởng chút sương đêm hay giọt mưa nguồn mà sống, ra hoa, kết trái. Nó chưa bao giờ cong lưng trước mưa bão, giông tố. Nó là biểu tượng của lòng dũng cảm, nghị lực sống và tâm hồn thủy chung, bền chặt. Nó gắn liền với tuổi thơ tôi và theo tôi suốt đời. Năm 1999, Báo Phụ nữ thành phố dành cho tôi một bài phỏng vấn trong chuyên trang Trò chuyện với người nổi tiếng, có câu hỏi khá thú vị “Hình như, ca khúc nào của ông cũng có màu hoa sim tím?”. Tôi trả lời đó là điều rất thật, hoa sim làm nên tâm tình tôi, tác phẩm âm nhạc của tôi.
Người Kiên Giang tự hào nói không ở nơi đâu sim được trồng nhiều và chăm chút thận trọng như ở Phú Quốc. Nơi đây, hoa sim đã làm hết chức năng kinh tế của nó: kết trái cho người ta thu hoạch và đem chế biến thành một món hàng độc đáo là rượu sim. Rượu sim trở thành thương hiệu đặc sản của đảo Phú Quốc. Hóa ra, cây sim hoang dã khi được thuần hóa đúng phương pháp cũng đem lại nguồn lợi cho con người. Người Phú Quốc, Kiên Giang thật thông minh khi làm ra một loại hàng hóa lãng mạn và trữ tình như vậy.
Mỗi năm về quê nhà, tôi hay lên thăm những đồi sim để nhìn bóng hoa sim xưa. Hoa sim làm nên sự gợi nhớ rất lạ, như có như không trong lòng tôi. Bởi tôi yêu điều giản dị, hồn nhiên nên mấy mươi năm rồi tôi vẫn nhớ loài hoa ấy. Có lẽ loài hoa này là “đặc sản” của núi rừng nhiệt đới ta chăng mà tra từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp vẫn không thấy có danh từ nào được dịch ra là “hoa sim” cả. Tiếng Anh gọi nó là “rose myrtle flower”, lấy cái ngữ căn Latin Myrtaceae làm gốc, còn tiếng Pháp thì không thấy nói tới (tiếng Anh dịch như vầy: “Hai mươi năm trước, ta hai mươi/ Về giữa đồi sim viết Thu, hát cho người/ Hai mươi năm sau, đời bốn chục/ Vẫn nghe lòng thương mãi trái sim rơi” - Twenty years previously, at the age of twenty/ I came back on the rose myrtle hill, writing Autumn I Sing of You/ Twenty years later in my forty-year life/ My heart was still attached to the fallen rose myrtle fruit).
Xem vậy, không có thì hãy tìm cách mà nói, mà viết cho có vậy. Tôi gọi hoa sim là tử hoa - loài hoa màu tím. Một lần lên Gia Lai, qua đèo Mang Giang, tôi gặp đúng lúc mùa hoa sim nở rộ, bèn cao hứng mà làm thơ. Thơ như vầy: “Độ Mang Giang/ Thiên trượng cao sơn, thiên lý quan/ Tây nguyên nhân thuyết thị Mang Giang/ Tử hoa trùng điệp sơ thu phóng/ Văn điểu tề minh, phụng ức hoàng” - Qua đèo Mang Giang/ Ngàn trượng non cao, ngắm dặm ngàn/ Người Tây nguyên gọi ấy Mang Giang/ Hoa sim lớp lớp đầu thu nở/ Nghe tiếng chim ca, phụng nhớ hoàng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.