SIM 'rác' càng xử càng loạn, vì sao?

22/07/2023 07:06 GMT+7

Hết đăng ký SIM "chính chủ", giờ là rà soát những cá nhân sở hữu trên 10 SIM... mà cuộc gọi, tin nhắn "rác" vẫn hoành hành. Tại sao như thế?

Càng xử càng rối

Mới đây, Sở TT-TT TP.HCM đã triển khai thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao di động của các chi nhánh doanh nghiệp (DN) viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile và Gmobile trên địa bàn trong thời gian vừa qua.

SIM 'rác' càng xử càng loạn, vì sao?  - Ảnh 1.

Đăng ký chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động tại một điểm giao dịch

Quang Thuần

Qua thanh tra, đoàn thanh tra Sở TT-TT đã phát hiện và đã xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi như: Sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, thay đổi số CMND, CCCD trên ảnh chụp giấy tờ của cá nhân để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông; từ đó lưu thông trên thị trường SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thực hiện đăng ký thông tin thuê bao ở bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; sử dụng giấy tờ tùy thân của cá nhân mà không được sự đồng ý để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Đoàn thanh tra Sở TT-TT TP.HCM đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, với tổng số tiền phạt 610 triệu đồng; tổng số tiền đã nạp vào tài khoản chính bị thu hồi là 20,7 triệu đồng và số lượng SIM thuê bao di động vi phạm đã ngừng cung cấp dịch vụ là 1.710 SIM...

Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết các nhà mạng vẫn đang trong quá trình xử lý những cá nhân đang đứng tên nhiều SIM điện thoại.

Tính đến giữa tháng 7, các nhà mạng đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với tất cả 100% thuê bao điện thoại di động đối với khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đang tiếp tục xử lý. Việc rà soát, xử lý làm rõ đối với thuê bao sở hữu nhiều SIM điện thoại bao gồm các nhiệm vụ như cập nhật thông tin thuê bao chính xác, rà soát cam kết bảo đảm các khách hàng sử dụng nhiều số thuê bao đúng với mục tiêu đăng ký sử dụng trong hợp đồng, tạm dừng dịch vụ để yêu cầu khách hàng rà soát, làm rõ việc sở hữu. Mục tiêu đến ngày 30.8 sẽ giải quyết xong tình trạng sở hữu trên 10 SIM.

Câu hỏi đặt ra là giải quyết xong tình trạng sở hữu trên 10 SIM thì liệu người dân có bớt bị hành hạ bởi các cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác" hay không khi nhìn lại "lịch sử", các cuộc rà soát, xử phạt, cam kết, đăng ký SIM chính chủ đều được thực hiện nhiều lần. Thế nhưng, thực tế cho thấy tình trạng này vẫn tiếp diễn, thậm chí còn "khủng bố" người dùng nhiều hơn.

Khó giải quyết triệt để

Trả lời Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nhận định: "Các giải pháp chuẩn hóa, khóa SIM chưa chính chủ chỉ mới áp dụng đối với các SIM đã kích hoạt nhiều năm trước, hoặc SIM đã ngừng hoạt động lâu nay, như vậy thì không ăn thua gì so với lượng thuê bao mới đăng ký gần đây. Do đó, trước mắt người tiêu dùng muốn tự bảo vệ mình thì sử dụng các phần mềm chặn số lạ hoặc số có cảnh báo là spam để từ chối ngay từ đầu. Còn về căn cơ, trách nhiệm chính vẫn từ các nhà mạng, nếu họ không kiểm soát quản lý chặt thì không thể nào ngăn chặn nổi các cuộc gọi làm phiền khách hàng.

Viện trưởng Viện Chiến lược TT-TT (Bộ TT-TT) Nguyễn Thành Phúc khẳng định sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi "rác", cuộc gọi lừa đảo. Cụ thể, các giải pháp từ Bộ chỉ đạo DN viễn thông như tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý cuộc gọi lừa đảo, điều tra và xử lý các trạm BTS giả...

Trả lời Thanh Niên, bà Võ Thị Thu Sương, Chánh thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, nhìn nhận: "Sau đợt thanh tra vừa qua, thông tin thuê bao di động được chuẩn xác hơn, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện đăng ký thông tin thuê bao đúng quy trình, đúng quy định hơn, số lượng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường đã giảm đi đáng kể. 

Tuy nhiên, tình trạng còn tồn tại SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước chủ yếu là do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng hình ảnh giấy tờ của người khác để đăng ký thêm số lượng SIM thuê bao. Để giải quyết tình trạng cuộc gọi "rác" trước hết là ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông di động của người dân. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước với các DN viễn thông để kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý vi phạm".

Theo bà Võ Thị Thu Sương, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và tăng cường thanh kiểm tra hoạt động đăng ký thông tin thuê bao di động chỉ là một trong các biện pháp góp phần hạn chế cuộc gọi "rác", chứ không phải là giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng cuộc gọi "rác" hiện nay. Cùng với các giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức và người dân mới có thể chặn được tin nhắn "rác", cuộc gọi "rác".

Tình trạng đau đầu hiện nay là các cuộc gọi "rác", lừa đảo trên nền tảng OTT không chịu sự quản lý của nhà mạng VN. Với các công nghệ và nền tảng hiện nay, khối lượng tính toán để nhận diện cuộc gọi "rác" tự động tương đối lớn, rất khó để ngăn chặn tự động. Hạn chế lộ lọt dữ liệu cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp gửi tin nhắn "rác", thư "rác" , cuộc gọi "rác" sẽ là giải pháp căn cơ để chấm dứt cuộc gọi "rác". Về phía người dùng, cần hạn chế cung cấp thông tin cho các cơ sở, dịch vụ không uy tín.

Ông Vũ Ngọc Sơn (Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.