Hơn 10 năm dư luận bức xúc, không ít lần được đưa ra giữa Quốc hội, Chính phủ cũng có hẳn nghị định để làm cơ sở xử lý... Đó là những diễn biến xung quanh vấn đề sim rác, mà đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra vào ngày 5.7 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông thừa nhận dù tình trạng sim rác, mua bán sim kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể, nhưng vẫn tái diễn.
tin liên quan
Xử lý dứt điểm sim rác, tin nhắn rácVẫn tái diễn có nghĩa là chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó, hơn 10 năm qua, dư luận liên tục bức xúc về thực trạng này - khởi nguồn của nhiều hệ lụy như tin nhắn rác, tin độc, tin xấu, tin vu khống, bán hàng kiếm tiền... Mỗi lần dư luận bức xúc, cơ quan chức năng lại lên tiếng khẳng định sẽ xử lý mạnh tay, nhà mạng cam kết này kia. Năm 2018, các nhà mạng còn rầm rộ ép khách hàng đi bổ sung thông tin thuê bao điện thoại di động để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Khi đó, không ít thuê bao trả sau dùng nhiều năm, cước phí trả đủ, địa chỉ rõ ràng cũng lo chạy đi bổ sung thông tin.
Kiên quyết như thế, quy định cũng đầy đủ như thế, vậy mà thật khó hiểu, năm tháng trôi qua thì... sim rác vẫn còn!
Thực tế, những người kinh doanh trong mảng sim card đều biết sim rác tồn tại là vì những chiêu trò cạnh tranh, “bơm” khuyến mãi cho sim mới kích hoạt nhằm tăng số lượng thuê bao. Thực trạng này không chỉ dẫn đến sim rác mà còn “đẻ” ra một thời tồn tại thuê bao di động 11 số do bùng nổ kho số, gây ảnh hưởng đến tài nguyên đầu số.
Chính vì thế, nguyên nhân gây nên tình trạng sim rác chính là do các nhà mạng. Trách nhiệm thuộc về các nhà mạng là điều không thể chối cãi. Và để các nhà mạng thực thi đúng trách nhiệm, bắt buộc phải xử phạt nghiêm các nhà mạng để tồn tại sim rác.
Cũng tại hội nghị diễn ra ngày 5.7 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết đã xử phạt 4 doanh nghiệp là Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile về hành vi vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao. Như vậy, nhà mạng nào cũng vi phạm. Và xử lý rồi mà vẫn tồn tại thì có lẽ do mức xử phạt chưa đủ “ép phê”. Mà chẳng phải bây giờ, nhiều nhà mạng đều không ít lần bị xử phạt vì lý do tương tự.
Nếu cứ như thế, người dân chẳng thể kỳ vọng chính xác khi nào sim rác bị xử lý triệt để và... chỉ còn biết bất lực sống chung với sim rác.
Bình luận (0)