Sim 'rác' lộng hành, lừa đảo nở rộ

10/03/2023 04:16 GMT+7

Tình trạng nhiều phụ huynh tại TP.HCM bị kẻ gian gọi điện thoại với nội dung "con đang cấp cứu, chấn thương nguy kịch sau khi bị té ở trường…" dẫn đến mất tiền khiến vấn đề sim "rác", cuộc gọi rác lại nóng lên.

Thực tế, các loại sim điện thoại di động được kích hoạt sẵn mua bán công khai vẫn tràn lan và song hành đó là những cuộc gọi lừa đảo diễn ra rầm rộ.

Mua SIM "rác" dễ dàng, nhanh chóng

Chỉ cần bước vào một cửa hàng bán điện thoại hay những điểm có ghi bán sim, từ 100.000 đồng khách hàng có ngay một chiếc sim được kích hoạt sẵn, hay còn gọi là sim không chính chủ, sim "rác".

Ví dụ, tại một cửa hàng trên đường Lê Văn Lương (Q.7, TP.HCM), chủ cửa hàng cho biết giá sim của mạng Viettel là 160.000 đồng, Vinaphone là 120.000 đồng chỉ cần gắn vào điện thoại là gọi được ngay. Những sim này đều được gọi nội mạng miễn phí trong một tháng, gọi ngoại mạng từ 20 - 50 phút tùy nhà mạng…

Tạt vào một số cửa hàng ở Q.3 và Q.4 (TP.HCM), người viết cũng dễ dàng được giới thiệu nhiều loại sim đã kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác nhau. Ngoài sim điện thoại nghe gọi thông thường thì cửa hàng còn bán rất nhiều loại sim dữ liệu (data) để kết nối internet. Giá cả cũng tùy thuộc vào dung lượng data mà khách hàng muốn mua và dao động từ 180.000 đồng - 280.000 đồng.

Sim 'rác' lộng hành, lừa đảo nở rộ - Ảnh 1.

Sim “rác” bán công khai là một nguyên nhân khiến những cuộc gọi điện thoại lừa đảo nở rộ

Nhật Thịnh

Nếu không muốn ra cửa hàng, người mua ngồi ở nhà chỉ cần lên mạng là có ngay hàng loạt địa chỉ quảng cáo bán sim điện thoại các loại, giao hàng tận nơi. Trong đó, những người bán rao sim đã được kích hoạt, sẵn sàng sử dụng ngay, có thể ship toàn quốc với số lượng lớn hoặc cho thuê sim làm các dịch vụ số lượng lớn lên đến hàng trăm sim, đầy đủ mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel… Thậm chí, sim còn được khuyến mãi theo kiểu mua 2 cái được giảm 50.000 đồng, mua 3 cái được giảm 100.000 đồng…

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và các nhà mạng đã liên tục đưa ra những giải pháp để chống sim "rác". Tuy nhiên tình trạng này vẫn tồn tại. Tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ TT-TT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một trong những tồn tại của ngành này là sim "rác", cuộc gọi "rác" vẫn còn khá phổ biến. Khi đó, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cam kết trong năm 2023 bộ này sẽ giải quyết triệt để sim "rác".

Xem nhanh 20h ngày 10.3: ‘Cãi nhau như mổ bò’ vì đăng kiểm | Tái diễn bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’

Đến những cuộc gọi lừa đảo

Nhưng trong khi cơ quan quản lý còn chưa "ra quân" thì kẻ gian đã đi trước. Những ngày qua, nhiều phụ huynh tại TP.HCM xôn xao về chuyện có người đã bị kẻ gian gọi điện thoại với nội dung "con đang cấp cứu, chấn thương nguy kịch sau khi bị té ở trường…". Vì quá lo lắng, nhiều người nghe lời chuyển tiền ngay cho kẻ gian. Tất nhiên sau đó thì những kẻ gọi điện biến mất, số điện thoại không liên lạc được nữa. Hậu quả của sim "rác" không chỉ còn là quấy rối, làm phiền khách hàng bằng dội bom tin nhắn, điện thoại quảng cáo mà còn tiếp tay cho hành vi lừa đảo.

Trước đó, đầu tháng 1, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM) đã phối hợp Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) kiểm tra một số cửa hàng trên địa bàn xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) liên quan hành vi lưu hành, mua bán sim điện thoại kích hoạt sẵn. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện một cửa hàng có 703 sim "rác" của các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnammobile... và 4 thiết bị kích hoạt sim, máy tính phục vụ cho hoạt động vi phạm pháp luật.

Theo Công an TP.HCM, hiện nay tội phạm thường sử dụng sim "rác" làm công cụ thực hiện các hành vi phạm tội như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cho vay nặng lãi; Tổ chức đánh bạc và đánh bạc; Rửa tiền qua không gian mạng... Ngoài ra, các đối tượng phạm tội còn sử dụng sim "rác" để gọi điện đe dọa, bôi nhọ danh dự, xúc phạm uy tín cá nhân, tổ chức.

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật Nghiêm & Chính, những kẻ lừa đảo đều sử dụng sim "rác" để tránh sự truy tìm của người bị hại lẫn công an. Tuy nhiên, đối với việc tội phạm lừa đảo sử dụng số tài khoản ngân hàng để nhận tiền thì đây là dấu vết rõ ràng và chính xác nhất. Nếu lực lượng công an vào cuộc điều tra thì ngân hàng bắt buộc phải cung cấp thông tin và sẽ phát hiện được ngay kẻ lừa đảo.

"Để giảm nạn lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội… thì biện pháp hiệu quả nhất là phát hiện và xử lý nhanh. Bởi xử lý ngay từ những vụ việc dù người bị hại mất tiền nhỏ nhưng sẽ phòng ngừa hiệu quả hơn là chờ đến khi có việc lớn hay giá trị lớn mới xử lý", LS Bùi Quang Nghiêm chia sẻ.

Trong bài viết Xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo phụ huynh Báo Thanh Niên đăng ngày 8.3, kẻ lừa đảo đã đưa số tài khoản tại VPBank để phụ huynh chuyển tiền. Hôm qua người viết đã liên hệ với VPBank về việc xử lý thế nào đối với những tài khoản nhận tiền của đối tượng lừa đảo, nhưng chưa nhận được câu trả lời. 

Cơ quan công an có thể truy theo dấu vết kẻ lừa đảo thông qua những tài khoản sử dụng để nhận tiền vì đa số vẫn là tài khoản của ngân hàng trong nước. Chủ tài khoản ngân hàng đều có thông tin cá nhân chính xác (ngoại trừ một số trường hợp giả mạo căn cước công dân) nên sẽ phát hiện ra ngay.

Ông Vũ Ngọc Sơn (Giám đốc Kỹ thuật - Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia VN - NCS)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.