Phá sản!
Thủ tướng Lý Hiển Long nói vấn đề dân số là một "câu chuyện dài". Và ông đã dành cho đề tài này đến gần 40 phút trong tổng thời gian gần 2 tiếng đồng hồ của bài nói chuyện thường niên được truyền hình trực tiếp hôm 17.8 về các vấn đề quốc gia đại sự của Singapore, từ kinh tế, văn hóa tập quán, lạm phát, cho đến công nghệ thông tin, tự do báo chí, tự do biểu tình... Có lẽ dân số là vấn đề duy nhất mà mấy đời thủ tướng Singapore đều "bó tay".
Trở lại thời mới lập quốc thập niên 60, mỗi phụ nữ Singapore trung bình có 6 con. Ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore thời đó, đã "thành công vượt mức" trong chính sách hạn chế tăng dân số. Con số 6 đã biến thành con số trung bình 2,1 vào giữa thập niên 70, và tiếp tục tuột dốc. Cuối thập niên 80, ông Lý Quang Diệu đã thay đổi khẩu hiệu: "Hãy có 3 con nếu có khả năng!", nhưng lần này ông thất bại. Con số đó cứ theo đà đi xuống, cũng có lúc dừng lại và tăng lên chút đỉnh, nhưng không phải theo ý muốn con người, mà vì những quy luật khác.
Ông Lý Hiển Long chỉ ra trên biểu đồ dân số những cái đỉnh lởm chởm xuất hiện vào những năm 1976, 1988, 2000. Đó là những năm con rồng (năm thìn)! Và "con rồng" sau thấp hơn "con rồng" trước. Ông lo ngại: "Tôi sợ "con rồng" 2012 sẽ còn thấp hơn". Mặt khác, cứ sau mỗi biến động của thế giới, tỷ lệ sinh trên mỗi phụ nữ Singapore lại giảm xuống, như sau đợt suy thoái kinh tế năm 1985, khủng hoảng tài chính 1997, biến cố 11.9 và dịch SARS 2003.
Khi xuất hiện chính thức trong vai trò thủ tướng, ngày 12.8.2004, ông Lý Hiển Long đã “thống thiết” kêu gọi người dân kết hôn, sinh con và sinh nhiều con, và đưa ra nhiều chính sách khuyến khích. Sau 4 năm, ông Lý cho rằng mình "có đóng góp chút ít", nhưng "phải dùng kính lúp mới thấy"! Từ tỷ lệ trung bình 1,26 con trên mỗi phụ nữ, tỷ lệ này nhích lên 1,29 năm 2007, trong khi để đạt mức ổn định con số này phải là 2,1.
"Tôi làm được có nghĩa ai cũng làm được!"
Ông Lý hiểu rất rõ, vì tham vọng trên con đường công danh và sự nghiệp, giới trẻ Singapore không muốn kết hôn sớm và cũng không có thời gian để tìm kiếm bạn đời. Vậy nên, có rất nhiều người trên 30 tuổi độc thân. Ông khuyên họ nên đến những nơi mai mối. Có hai cơ quan chính phủ đóng vai trò "ông tơ bà nguyệt" là Ban phát triển xã hội (SDU) và Dịch vụ phát triển xã hội (SDS), nơi nhiều người độc thân tìm đến vì tin tưởng nhưng cũng có người không muốn "bị nhận diện". Vì vậy, ông Lý đề nghị 2 cơ quan này sáp nhập để tăng thêm sức mạnh và cũng là nơi cấp giấy phép cho những "ông bà mối" tư nhân.
Chưa hết, nữ giới lại ít tự ái, mạnh dạn đi tìm "nguyệt lão" hơn nam giới, khiến tỷ lệ nam nữ đi tìm nhau bị mất cân bằng, 40:60, nên ông Lý khuyên: "Cánh đàn ông có nhiều ưu thế hơn đấy. Hãy tiến lên!". Ông cũng "mách nước" cho các chàng trai rằng không nên mang dép lê (một kiểu thời trang mà có người mỉa mai gọi là "quốc phục" của Singapore bởi nó quá phổ biến) khi hẹn hò; khi được mời đi gặp ba mẹ cô gái thì nên cầm theo một món quà, dù rằng bản thân ông không làm việc đó khi đi gặp cha mẹ vợ ông bây giờ, ông Lý tiết lộ.
Nhưng có một sự thật: "Nam giới trên 30 chỉ muốn tìm những cô gái độ tuổi đôi mươi!", ông Lý xem ra rất hiểu tâm lý đàn ông! Vì vậy, ông khuyên SDU và SDS phải "tấn công" vào trường học. Hồi đầu tháng 8, hai cơ quan này tuyên bố họ sẽ đưa vào chương trình giáo dục chính thức của học sinh tuổi 16-19 những bài học về tìm bạn, kết bạn và chuẩn bị những hiểu biết tiền hôn nhân.
Vậy thôi cũng chưa đủ. Có nhiều cặp kết hôn rồi vẫn không muốn có con bởi gánh nặng công việc xã hội, nên ông khuyến khích các công ty cho phép phụ nữ có con nhỏ được làm việc từ xa thông qua các phương tiện giao tiếp hiện đại như điện thoại, internet... miễn là công việc hoàn thành. Ông chính thức công bố Chính phủ Singapore sẽ trả thêm cho phụ nữ nghỉ sinh một tháng lương, để họ được nghỉ đến 4 tháng thay vì 3 tháng như hiện nay. Ngoài ra, cả bố và mẹ được phép nghỉ tổng cộng một tuần không lương trong một năm để chăm sóc con nhỏ dưới 2 tuổi; phụ nữ được nghỉ có lương một tuần/năm cho đến khi con lên 7 tuổi. Sẽ có thêm nhiều nhà trẻ, trung tâm y tế được trợ cấp của nhà nước. Những cặp hiếm muộn sẽ được hỗ trợ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm...
Ông Lý cũng hiểu phụ nữ bao giờ cũng gánh trách nhiệm nặng hơn trong việc chăm sóc con cái, gia đình, nên ông kêu gọi nam giới chia sẻ công việc nhà: "Tôi từng thay tã cho các con khi tã giấy còn chưa ra đời. Bạn phải gấp miếng vải thật khéo, đặt tã vào đúng vị trí, rồi siết lại. Vậy mà, tôi chưa bao giờ làm đau một đứa nào cả. Tôi làm được có nghĩa là ai cũng làm được!".
Thục Minh
(VP Singapore)
Bình luận (0)