(TNO) Thủ tướng Lý Hiển Long đang cố gắng thuyết phục người dân Singapore rằng họ không cần bằng đại học để có việc làm tốt. Song tư tưởng truyền thống có thể ngăn cản nỗ lực giải quyết tình trạng 'thừa thầy thiếu thợ' trong nước của ông.
Người lao động nộp đơn xin việc tại một hội chợ việc làm - Ảnh minh họa: Reuters
|
Bloomberg cho biết hệ thống giáo dục Singapore thường thuộc top tốt nhất trên thế giới. Kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh 15 tuổi ở Singapore và Hàn Quốc đứng đầu trong số các học sinh đến từ 44 nước được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khảo sát năm ngoái.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng thế giới (WB) công bố, có 6/10 người Singpore trong độ tuổi 25-29 hoàn tất bậc giáo dục đại học. Đây là nước có tỷ lệ thanh niên học đại học đứng đầu thế giới.
Song trong bối cảnh hiện nay, nước này đang cần nhiều thợ hơn thầy. Bộ Nhân lực Singapore (MOM) vừa ra báo cáo về tình hình việc làm quý 1/2015 của nước này và nhận định nhu cầu việc làm tại Singapore vẫn cao hơn nhu cầu tuyển dụng.
The Straits Times hôm 3.5 đưa tin theo báo cáo của MOM, tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore ở mức thấp và có xu hướng tiếp tục giảm. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn trầm lắng. Tỷ lệ việc làm mới chỉ đạt mức tăng khiêm tốn 2,9%, nâng tổng số người có việc làm tại Singapore lên trên 3,6 triệu người. Số người lao động bị sa thải trong quý đầu năm 2015 vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nỗ lực “tìm thợ thay thầy” hợp thời nhưng khó có kết quả
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang nỗ lực thuyết phục người dân rằng đại học không phải con đường duy nhất - Ảnh: Reuters
|
Theo Bloomberg hôm 3.5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - người từng tốt nghiệp hạng ưu Đại học Cambridge (Anh), hiện đang dẫn đầu chiến dịch thuyết phục giới trẻ nước này tham gia lực lượng lao động sau khi học chương trình theo mô phỏng từ hệ thống học nghề của Đức. Ông Lý là lãnh đạo châu Á mới nhất cố gắng giải quyết thực trạng khi các trường đại học đào tạo ngày càng nhiều cử nhân, song lại không phù hợp với chỗ trống việc làm hiện có.
Tháng 8 năm ngoái, ông Lý hoan nghênh hai nhân viên của hãng xây dựng giàn khoan ngoài khơi lớn nhất thế giới Keppel. Đây là hai người vẫn thành công dù không có bằng đại học.
“Họ có thể không có bằng đại học, nhưng họ chăm chỉ, cố gắng hoàn thiện bản thân. Vì vậy, miễn là bạn luôn chăm chỉ, bạn hoàn toàn có thể mơ về một tương lai tươi sáng ở Singapore”, ông Lý nói.
Chung quan điểm cùng Thủ tướng Lý, tờ báo nhiều người đọc nhất của Singapore là The Straits Times cũng đăng tải câu chuyện của những người Singapore thành đạt từng trì hoãn hoặc tránh học đại học. Chương trình “vừa học vừa kiếm tiền” mà Singapore đang áp dụng giúp các thanh niên tốt nghiệp từ trường kỹ thuật có được việc làm, đồng thời hưởng cơ hội học tập bán thời gian.
Pasi Sahlberg, giáo sư thỉnh giảng tại Trường đào tạo sau đại học về Giáo dục Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) cho biết: “Hiện nay có khuynh hướng rõ ràng trên toàn cầu là khiến hệ thống giáo dục dạy nghề trở thành sự lựa chọn đúng đắn cho lớp trẻ”.
Song hiện nay, nhiều người, đặc biệt là người dân châu Á, nơi mà các bậc phụ huynh vẫn cho rằng “học cao lên là chìa khóa duy nhất mở cửa thịnh vượng và thành công”, vẫn cho rằng học nghề chỉ là “lựa chọn thứ hai”.
Do đó, Bloomberg nhận định nỗ lực này của ông Lý có thể khó gặt được kết quả trong ngắn hạn.
Bloomberg dẫn lời của Carmen Kok, bà mẹ 47 tuổi ở đảo quốc sư tử nói: “Bạn không thể phát triển ở Singapore mà không có bằng cấp. Con tôi có thể không xin được việc làm nếu không học đại học, nhưng nó có thể nhận lương cao hơn nếu đi học đại học”.
“Chính phủ không nên nói với mọi người rằng hãy ngừng học đại học, trừ khi họ có thể đảm bảo rằng những người tốt nghiệp từ trường nghề có được cơ hội việc làm tương đương với cử nhân đại học. Song điều đó rõ ràng là không thể”, Kenneth Chen, cử nhân công nghệ sinh học ở Singapore cho biết.
Bình luận (0)