Xe

Singapore kỷ niệm 75 năm 'thất thủ': 2 bài học kinh nghiệm

15/02/2017 18:31 GMT+7

Sự kiện chính quyền bảo hộ Anh tuyên bố giao nộp Singapore cho Nhật Bản ngày 15.2.1942 để lại cho đảo quốc sư tử hai bài học xương máu về quốc phòng.

Singapore ngày 15.2 kỷ niệm 75 năm ngày chính thức bị quân đội đế quốc Nhật chiếm đóng.
Cuộc chiếm đóng kéo dài hơn 3 năm rưỡi - kết thúc ngày 12.9.1945 khi Nhật chính thức trao trả hòn đảo này cho Anh - là “một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Singapore”, như phát biểu hôm 14.2 của Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Ng Eng Hen.
Phát biểu tại nơi từng là nhà máy lắp ráp ô tô đầu tiên ở Đông Nam Á - Ford Factory - và cũng là nơi diễn ra nghi thức quân Anh trao thuộc địa Singapore cho quân Nhật, Bộ trưởng Ng nói rằng sự kiện cách đây 75 năm đã đưa Singapore vào một giai đoạn “bị thống trị và tước đoạt”.
Và chính điều đó đã dạy thế hệ khi ấy “hai bài học cay đắng mà quý báu”, ông nói.
Hai bài học
Bài học thứ nhất mà ông Ng chỉ ra là: “Bạn không thể phụ thuộc vào người khác để bảo vệ mình”. Bài học này có lẽ không có gì mới và thực tế cuộc sống thời nào cũng có thể kiểm chứng.
Nhưng trường hợp của Singapore có lẽ rất đáng để suy ngẫm và soi chiếu trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới đầy thách thức, đặt mỗi quốc gia trước những sự lựa chọn khó khăn trong việc bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình.
Tờ The Straits Times trong bài xã luận ngày 15.2 có tựa đề “Nhớ nỗi kinh hoàng trong lịch sử Singapore” khẳng định biến cố ngày 15.2.1942 là “thời khắc đau đớn không thể so sánh được” trong lịch sử nước này.
“Sự xâm lược (của quân đội Nhật - NV) đã đập vỡ niềm tin huyễn hoặc về một nền an ninh vĩnh viễn nhờ sự bảo hộ của nước lớn”, tờ báo viết.
“Chế độ thuộc địa đã biến hòn đảo Singapore thành cái mà người Anh tự hào gọi lạ 'Gibraltar miền Viễn Đông'”, hàm ý về một pháo đài quân sự bất khả xâm phạm, The Straits Times nhớ lại.
Gibraltar là một đảo đá rộng gần 7 km2 nằm ở vị trí chiến lược hiểm yếu, lối vào biển Địa Trung Hải từ Đại Tây Dương, do Anh quản lý và từng đứng vững trước mọi âm mưu tấn công trong quá khứ.
“Cũng như Gibraltar, ai cũng tin rằng Singapore không bao giờ ngã gục. Vậy mà chỉ trong vòng 15 phút, các tướng lĩnh Anh đã nhận ra họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc đầu hàng 'Hùm xám Malaya'”, tức trung tướng Nhật Bản Tomoyuki Yamashita, bài báo viết. Tướng Yamashita là người đã thâu tóm bán đảo Malaya và Singapore chỉ trong vòng 70 ngày.
Rồi lịch sử sang trang, Nhật Bản thất bại trong Thế chiến 2, phải trao lại Singapore cho Anh vào ngày 12.9.1945.
Bài học thứ hai mà những người Singapore thời ấy rút ra, theo Bộ trưởng Ng Eng Hen, là: “Kẻ mạnh làm những gì họ có thể, còn kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ đành cam chịu”.
Bài phát biểu của ông Ng không đưa ra những chi tiết hay lập luận để chứng minh hai bài học trên. Nhưng tờ The Straits Times đã “nói thay”: “Những kẻ xâm lược (chỉ quân Nhật - NV) đã thay thế luận điệu thực dân (hàm ý về các giảng thuyết của quân Anh – NV) bằng những lời dối trá kiểu đế quốc của chính họ, cụ thể là luận điệu họ đến đây để giải phóng Singapore khỏi chế độ thuộc địa”.
Nhưng “trên thực tế, quân Nhật chỉ tìm cách thay đổi những luật lệ của người Anh mà họ không ưa bằng luật lệ của chính họ. Trong quá trình đó, quân Nhật đã phá hủy các cấu trúc xã hội thuộc địa mà người Anh đã tạo nên. Và hậu quả là mọi người đều đau khổ, từ chị lao công, ông phu xe, cho đến thương nhân, điền chủ”.
Thậm chí quân Nhật còn tiến hành cuộc thảm sát được gọi tên Sook Ching (thanh trừng) nhằm vào người gốc Hoa, kéo dài từ 18.2 - 4.3.1942. Theo cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, cuộc thảm sát đã làm chết khoảng 70.000 người.
“Người Singapore khi ấy cay đắng nhận ra rằng quân Nhật không hề là những người giải phóng”, bài xã luận viết.
Tự cường
Bộ trưởng Ng trong bài phát biểu có tính chất ủy lạo quân đội nhân ngày Quốc phòng Tổng lực (15.2) nói rằng hai bài học đau thương nói trên đã “hun đúc trong thế hệ tiên phong Singapore một ý chí sắt đá rằng nếu chúng tôi nắm trong tay vận mệnh quốc gia, chúng tôi sẽ bảo đảm xây dựng một nền quốc phòng vững mạnh để giữ Singapore an toàn và độc lập”.
Và thực tế là ngay khi trở thành một nền cộng hòa độc lập vào ngày 9.8.1965 và đối mặt với sự rút đi của quân đội bảo hộ Anh năm 1967, Singapore non trẻ đã làm đủ mọi cách để xây dựng một quân đội vững mạnh, một quốc đảo tự chủ gần như từ con số 0 trong bối cảnh phải đối mặt với bao mối nguy “thù trong giặc ngoài”.
Bằng nỗ lực tuyển quân và huấn luyện ngày đêm dưới sự hỗ trợ của Úc, New Zealand và Israel, đầu tư đúng trọng điểm, đến năm 1971, theo Hồi ký Lý Quang Diệu, Singapore (với khoảng 2 triệu dân) đã có 17 trung đoàn lính với 16.000 quân, 72 xe tăng AXM-13 do Pháp sản xuất mà Israel thanh lý giá rẻ, 170 xe quân sự 4 bánh V200, Không quân Singapore được tập trận và diễn tập ở Brunei, Đài Loan, Úc, New Zealand...
Singapore ngày nay tự hào có quân đội, đặc biệt là Không quân hùng mạnh Thục Minh
Quốc phòng tổng lực
Nền quốc phòng Singapore được xác định là tổng hợp 5 trụ cột phòng vệ, được gọi là Quốc phòng Tổng lực (Total Defence), gồm quân đội, dân sự, kinh tế, xã hội và tâm lý.
Các lãnh đạo đảo quốc lập luận Total Defence là một nền quốc phòng mà mọi người dân đều có đóng góp, trong tư cách cá nhân và tập thể. Đó là nền quốc phòng của một quốc gia có một quân đội mạnh, một hệ thống bảo vệ an ninh dân sự hiệu quả, trong một nền kinh tế thịnh vượng và chịu được các cú sốc kinh tế toàn cầu, một xã hội cố kết và được chuẩn bị tâm lý tự phòng vệ mọi lúc mọi nơi.
Ngày nay, Singapore (với 5,5 triệu dân) có khoảng 1 triệu quân, là một trung tâm kinh tế của khu vực và thế giới, với trang bị quốc phòng hiện đại, quan hệ tốt đẹp với hầu hết các cường quốc quân sự trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Chủ quyền quốc gia, vì thế, không phải là mối lo lớn của Singapore. Các lãnh đạo đảo quốc này nhận định các mối nguy an ninh lớn nhất hiện nay của họ là tấn công khủng bố, chiến tranh mạng và dịch bệnh sinh học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.