Singlism là gì mà nhiều người phải ám ảnh, sợ hãi?

22/11/2022 16:09 GMT+7

Singlism là thuật ngữ về sự kỳ thị với người độc thân. Những người độc thân thường bị phân biệt đối xử không công bằng.

Vì chưa có gia đình mà nhiều người bị singlism bởi các đồng nghiệp

VROHTO

Chỉ vì độc thân..

Trần Mỹ Hằng (27 tuổi, nhân viên quan hệ công chúng của công ty chuyên lĩnh vực Agency ở số 49 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM) cho biết trong bộ phận marketing của công ty gồm 14 người, chỉ còn Hằng là độc thân. Và chính việc còn lẻ loi đơn chiếc này đã khiến Hằng bị đối xử không công bằng.

Theo Hằng, mỗi khi công ty có sự kiện lớn, người bị giao việc nhiều nhất chính là Hằng. “Tôi thắc mắc, được sếp bảo vì còn độc thân, không phải vướng bận chồng con, không phải lo về rước con, nấu cơm cho chồng nên hãy cáng đáng thêm việc của mọi người”, Hằng kể.

Ngoài ra, Hằng còn thường xuyên bị đốc thúc phải tăng ca, làm quá giờ. “Nhiều khi đồng nghiệp về từ 18 giờ chiều. Nhưng tôi phải ở lại làm cho đến 21, 22 giờ tối. Tất cả chỉ vì tôi là người độc thân”, Hằng ta thán.

Câu chuyện của Hằng là thực tế phản ánh cho hiện tượng kỳ thị người độc thân đang tồn tại nhan nhản khắp nơi, nhất là ở các công ty, doanh nghiệp. Người chưa kết hôn, chưa có chồng, có vợ phải đối mặt với singlism.

Nguyễn Đại Hưng (30 tuổi, công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết bản thân thường bị kỳ thị vì chưa lập gia đình. Sự kỳ thị ở đây là luôn bị “dồn nhiều việc”.

“Mỗi lần công ty tổ chức liên hoan, tôi luôn được phân công làm nhiều việc. Đồng nghiệp nói rằng vì tôi chưa có vợ, nên là người phù hợp nhất để làm giúp mọi người. Như đợt ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 vừa qua, tôi là người được chỉ định phải dậy từ 4 giờ sáng để đi mua hoa. Sau đó phải đến công ty trang trí, nấu nước, chuẩn bị tất tần tật mọi thứ. Buổi tối, tôi cũng là người cuối cùng rời khỏi bữa tiệc vì phải dọn dẹp, thu gom mọi thứ”, Hưng than thở.

Chàng trai này ta thán tiếp: “Tôi cảm thấy bất công. Nhưng nhiều đồng nghiệp nói “tôi phải thế”, “tôi nên vậy” vì tôi chưa lập gia đình, buổi sáng tôi không phải bận chở con đi học, chở vợ đi làm, buổi tối tôi không phải tranh thủ... về nhà với vợ”.

Vì độc thân, nhiều người trẻ bị đồng nghiệp "kỳ thị"

TẤN HIỆP

Một trong những nỗi niềm mà người độc thân thường phải chịu đựng nhiều nhất, đó là thường bị phân công trực mỗi dịp nghỉ lễ. Như trường hợp của Nguyễn Minh Trí (25 tuổi, nhân viên công ty ZitaHima, TP.Thủ Đức, TP.HCM) là một minh chứng rõ nét. Trí kể từ những ngày đầu tiên làm việc ở công ty này cho đến nay, suốt gần 4 năm, Trí luôn là người duy nhất trực ở công ty tất cả những dịp lễ 30.4, 1.5, 2.9...

“Lẽ ra phân công mỗi người trực mỗi đợt. Nhưng ai nấy cũng lấy lý do đi du lịch với gia đình, dẫn vợ con, chồng con đi chơi nên cáo bận, không thể trực. Và khi đó, tôi là người “lãnh đủ”. Lúc lấy biểu quyết ai sẽ là người trực, tôi bị... “dồn phiếu”. Tôi không đồng ý thì đồng nghiệp cho rằng tôi còn độc thân, hãy thông cảm cho người đã có gia đình”, Trí tâm sự.

Cũng theo Trí, rất nhiều lần, vì đồng nghiệp bận “lo cho vợ”, “lo cho chồng”, “lo cho con” nên đều nhờ Trí làm thay việc của họ.

Hãy nói không với việc kỳ thị, đối xử bất công với đồng nghiệp

SHUTTERSTOCK

Đừng nhắm mắt làm ngơ...

Lê Thị Hoài Xuân (29 tuổi, phụ trách tuyển dụng của một công ty về du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) cho biết vấn nạn singlism khá phổ biến hiện nay. Vì nhiều người “nhắm mắt làm ngơ” nên những thành kiến ấy, tức sự kỳ thị cũng như phân biệt đối xử với người độc thân trở nên bị xem nhẹ và mọi người xem là bình thường. Theo Xuân, ở nơi làm việc của cô cũng có tình trạng singlism.

“Những người độc thân khi xin nghỉ phép thường ít được đồng ý hơn những người có gia đình. Những người độc thân dường như làm việc nhiều hơn, hay đi công tác hơn so với các đồng nghiệp đã yên bề gia thất”, Xuân thừa nhận.

Cũng theo người này: “Đã nhiều lần trong các cuộc họp, tôi đã lên tiếng vì thấy sự bất hợp lý trong vấn đề singlism. Chỉ vì chưa có gia đình mà họ gặp nhiều thiệt thòi hơn. Đó là điều không nên trong văn hóa công ty. Tuy nhiên, đến hiện tại, thực trạng này vẫn còn tồn tại”.

Theo Nguyễn Hoàng Tuyển (27 tuổi, công ty công nghệ quảng cáo Nguyễn Trường, Q.Gò Vấp, TP.HCM), đã đến lúc cần phải loại bỏ câu chuyện singlism. Bởi lẽ mỗi thành viên trong công ty đều có những nhiệm vụ tương đồng nhau, thời gian làm việc như nhau... thì không bất kỳ lý do gì khiến người này “ôm đồm” nhiều việc hơn người khác. “Tôi cũng hi vọng, những đồng nghiệp dù đã có vợ, có chồng thì cũng đừng dựa vào lý do “vì đã có gia đình rồi nên bận” để rồi sai khiến đồng nghiệp còn độc thân”, Tuyển nói.

Huỳnh Thanh Vương (32 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Thế kỷ số, Q.Tân Bình, TP.HCM cho rằng:“Khi tự nhận ra bản thân bị chèn ép chỉ vì chưa có gia đình thì hãy lên tiếng, chứ đừng im lặng chịu đựng những sự bất công. Cần tạo ra môi trường làm việc công bằng, không kỳ thị bất kỳ ai dù họ có gia đình hay chưa”.

Nhiều người bị stress khi trở thành nạn nhân của singlism

SHUTTERSTOCK

Cũng vì trở thành nạn nhân của singlism nên nhiều người trẻ cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Có người cảm thấy ám ảnh và sợ hãi vì bị singlism. Nhất là đối với những người “chưa một mảnh tình vắt vai”, chưa từng yêu đương ai.

“Suốt ngày cứ bị hỏi có người yêu chưa, bao giờ lấy chồng... làm tôi stress. Khi tôi trả lời “cứ từ từ chờ duyên tới” thì nhiều đồng nghiệp nói tôi... sẽ còn bị chịu thiệt thòi dài dài chỉ vì tôi độc thân chưa muốn yêu, chưa muốn lập gia đình”, Nguyễn Hà Thanh Vy (24 tuổi, làm việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam), tâm sự.

Vy hi vọng: “Người chưa có người yêu cũng như người chọn cuộc sống độc thân không có lỗi. Và khi họ làm việc hết mình, luôn cố gắng nỗ lực thì không đáng nhận sự kỳ thị của người khác. Tôi mong vấn nạn singlism chấm dứt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.