Kết hôn được 4 năm nhưng vợ chồng anh Đỗ Thanh Tường (33 tuổi) và chị Nguyễn Lệ Thu (31 tuổi), ngụ TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), vẫn chần chừ trong việc sinh con. Theo anh Tường, dù người thân hai bên liên tục hỏi thăm "có gì chưa?" suốt vài năm qua nhưng anh và vợ luôn chuẩn bị sẵn câu trả lời: "Cứ từ từ". Anh Tường lý giải: "Vợ chồng tôi cảm thấy còn trẻ nên chưa vội sinh con. Bây giờ cứ tận hưởng cuộc sống".
Còn chị Vũ Thị Anh Thư (32 tuổi), ở chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân (TP.HCM), kể: "Bố mẹ chồng tôi thường xuyên gọi điện thoại hỏi khi nào cho ông bà đứa cháu đích tôn. Bố mẹ tôi cũng liên tục nhắc khéo sao đã cưới 6 năm rồi mà chưa có con. Thậm chí hai bên gia đình còn bảo sẽ cho tiền để đi khám vô sinh hiếm muộn và thưởng lớn nếu có con. Nhưng thật ra, vợ chồng tôi chưa muốn sinh con".
Chồng chị Thư, anh Lê Việt Thắng (35 tuổi) nói: "Nhiều khi liên tục bị hỏi thăm chuyện sinh con cũng… nhức đầu. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có ý định đó vì muốn dành thời gian cho nhau. Có thể chuyện sinh con sẽ đến trong vài năm nữa".
Chị Lê Nữ Bảo Khuyên (31 tuổi), làm việc cho một công ty ở Q.6 (TP.HCM), thì cho rằng suốt 4 năm qua, "nhờ" chưa có con nên mỗi khi muốn du lịch, hai vợ chồng có thể nhanh chóng quyết định "xách ba lô lên và đi". "E rằng khi có con, chúng tôi chẳng được thoải mái đi đây đi đó", chị nói.
Nhiều cặp vợ chồng cũng chia sẻ sở dĩ trì hoãn việc sinh con là vì ưu tiên mục tiêu nghề nghiệp, chờ đến khi mọi thứ ổn định, tài chính dư dả, có nhà riêng…
Hiện tượng không hề hiếm, vì sao ?
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu thanh niên, cho rằng xu hướng kết hôn nhưng không muốn hoặc chưa nghĩ đến việc sinh con chẳng phải là hiện tượng hiếm gặp trong xã hội hiện đại. Ngược lại, vấn đề này đang dần trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
"Theo quan niệm truyền thống, nam nữ đến tuổi trưởng thành phải dựng vợ gả chồng. Và khi đã lập gia đình thì phải sinh con. Bởi mục tiêu của các gia đình, nhất là trong nền văn hóa phương Đông thì việc sinh con là tất yếu, để duy trì nòi giống, nối dõi tông đường, có người thờ phụng. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại thì tư tưởng, quan niệm truyền thống dường như ít chi phối đến suy nghĩ, hành động của người trẻ. Vì thế, các cặp vợ chồng không hướng đến mục tiêu sinh con chỉ để duy trì nòi giống hay nhằm thỏa mãn yêu cầu, kỳ vọng từ phía cha mẹ, dòng họ. Họ hướng đến các mục tiêu mang tính cá nhân nhiều hơn", ông Tuấn Anh phân tích.
Theo chuyên gia này, khi áp lực cơm, áo, gạo, tiền... ngày càng tăng thì dường như việc sinh con vô tình trở thành gánh nặng cho các cặp vợ chồng. Thời hiện đại, các cặp vợ chồng thường suy nghĩ, tính toán làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, khi chưa chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho cuộc sống có con thì các cặp vợ chồng sẽ không vội vàng sinh con.
Gây thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng
Về những ảnh hưởng của xu hướng sinh con muộn có thể xảy đến với bản thân các cặp vợ chồng và tác động đến cơ cấu dân số xã hội, ông Tuấn Anh chia sẻ: "Các cặp vợ chồng sinh con quá muộn thì nguy cơ con sẽ mắc các chứng tự kỷ, Down, tăng động giảm chú ý... cao hơn những đứa trẻ khác. Khi tỷ lệ sinh thấp, quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh hơn và tạo gánh nặng về phúc lợi xã hội. Việc con quá nhỏ trong khi bố mẹ đã lớn tuổi cũng gây ra áp lực cho mỗi gia đình trong cả việc chăm sóc con cũng như chăm sóc người cao tuổi. Đặc biệt trong bối cảnh các gia đình sinh ít con mà các cặp vợ chồng lại trì hoãn việc sinh con thì sẽ gây áp lực rất lớn, gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước".
Vậy nên sinh con vào thời điểm nào là tốt nhất? Ông Tuấn Anh cho rằng sau kết hôn khoảng 1 - 2 năm thì nên sinh con vì thời gian đó đủ để tìm hiểu các kiến thức, kinh nghiệm về sức khỏe sinh sản, thai sản, chăm sóc con và chuẩn bị dần các điều kiện kinh tế, sức khỏe cho việc sinh con. Tuy nhiên, thời gian sinh con còn phụ thuộc vào tuổi kết hôn của các cặp vợ chồng. Theo khuyến cáo, tuổi sinh con của nữ không nên sớm hơn 20 và không nên muộn quá 35 (đây là tuổi sinh con tốt nhất).
"Thiết nghĩ trước khi kết hôn cần tham gia các khóa học tiền hôn nhân để có các chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. Qua đó có cái nhìn tổng quan về đời sống hôn nhân gia đình, sàng lọc các yếu tố nguy cơ về sức khỏe cho việc kết hôn và sinh con sao cho đạt hiệu quả, chất lượng nhất", ông Tuấn Anh nói.
Chia sẻ với những cặp vợ chồng đang chần chừ trong việc sinh con, chuyên gia này khuyên trước khi kết hôn nên đặt ra mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống hôn nhân theo từng năm. Chẳng hạn, kết hôn bao lâu thì sinh con, phấn đấu khi nào thì mua nhà, mua xe... Sau đó cân nhắc giữa các mục tiêu, ưu tiên thực hiện chuyện quan trọng hơn một cách nghiêm túc, có trách nhiệm.
Ngoài ra, những cặp vợ chồng trẻ nên cân bằng các sở thích, mục tiêu cá nhân với mục tiêu, kỳ vọng của gia đình. Thậm chí có thể nhìn xa hơn về tương lai của đất nước để có quyết định phù hợp. Các cặp vợ chồng cũng nên hiểu là việc trì hoãn sinh con không chỉ gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội đất nước mà chính bản thân họ sau này cũng có thể rơi vào tình cảnh chẳng có người chăm sóc.
"Người xưa thường nói con cái là lộc trời ban. Tuy nhiên nếu các cặp vợ chồng sẵn sàng đón nhận, chuẩn bị trước những điều kiện tốt nhất để đón nhận "lộc" ấy thì sẽ là trải nghiệm tuyệt vời. Bởi niềm vui từ việc có con rất thú vị. Trong sự vất vả sẽ tìm thấy những cảm xúc thiêng liêng chưa từng có. Và khi có con, mỗi cặp vợ chồng sẽ ý thức được cần sống có trách nhiệm, gương mẫu hơn. Mục tiêu phấn đấu làm việc, học tập, sinh sống sẽ rõ ràng và có động lực hơn", ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Chương trình "Gia đình trẻ hạnh phúc" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức để tăng cường việc tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bổ sung những kiến thức, kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên.
Bình luận (0)