Chờ đến mùa mưa để... đi bộ thể dục lại
Mọi ngày, cứ khoảng 5 giờ sáng, bà Phan Thị Hoa (đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) giày vớ gọn gàng ra đường Hoàng Sa ven kênh Nhiêu Lộc đi bộ thể dục cùng bạn bè. Tới 6 giờ bà quay về nhà tắm rửa ăn sáng. Đều đặn như vậy đã được hơn 4 năm nay, từ ngày nghỉ hưu.
Nhưng gần 2 tuần qua, bà Hoa cho biết: “Không dám đi nữa. Sáng bụi mù trời không thở nổi. Tưởng ra ven kênh thoáng đãng nhưng trên mặt nước vẫn là đà như có sương mù. Mấy hôm đầu tưởng sương nên đi bộ lại choàng thêm khăn mỏng sợ nhiễm lạnh. Sau mũi cứ sụt sùi hoài, đọc báo mới hay là bụi mịn, nên tui nghỉ ở nhà luôn, chờ hết đợt ô nhiễm rồi đi lại”.
Cũng như bà Hoa, hai vợ chồng ông Trần Bá (chung cư Thuận Việt, Q.11, TP.HCM) cũng có thói quen đi bộ thể dục quanh công viên Tân Phước (Q.11) vào mỗi chiều tối, nhưng hơn tuần nay cả hai ngưng đi dạo bộ. Hỏi tại sao, ông kể: “Con cái không cho đi vì bảo sẽ nhiễm bụi, viêm phổi. Hai ông bà già chúng tôi tuổi già trên 70 tuổi, chọn chỗ ở gần công viên cây xanh để hít thở không khí trong lành. Nay ô nhiễm quá thì phải ngưng thôi, không biết dăm ba hôm nữa thế nào, chứ cứ quanh quẩn trong 4 bức tường căn hộ suốt ngày đêm cũng khó”. Nói đoạn, ông Bá lại ra kéo kín cửa kính thông ra ban công. Ông nói đóng kín cửa cho bụi bớt vào rồi chặc lưỡi: “Không biết bao giờ cho hết ô nhiễm không khí đây. Chắc chờ đến mùa mưa thôi. Nhưng mưa thì làm sao đi?”.
Đi làm hằng ngày qua cầu Kênh Tẻ từ Q.7 về Q.1, chị Phạm Kiều Chi (nhân viên ngân hàng) cho biết đi lúc sáng sớm bụi mù đã đành, sáng nay (4.10) có việc ở nhà, nên xin phép vào cơ quan trễ cũng không tránh khỏi. Qua cầu Kênh Tẻ lúc 8 giờ sáng, trời nắng đẹp mà nhìn sang cầu Nguyễn Văn Cừ cách đó chỉ khoảng một cây số cũng không thấy rõ cầu.
Theo trang Air Visual, chỉ số chất lượng không khí AQI chiều 4.10 tại TP.HCM, lúc trời đang mưa to, khu vực Thảo Điền, Q.2 lên đến 146, khu vực trung tâm Q.1 dưới 100, nơi thấp nhất 69 và mức trung bình AQI của toàn TP.HCM khoảng 98, thấp hơn so với những ngày trước, chỉ số AQI luôn chực chờ trên 100. Tuy nhiên, nếu đứng từ trên cao, chẳng hạn ngay vị trí tầng 17 tại một chung cư ở Q.11 nhìn về khu vực trung tâm TP.HCM, ngày thường nắng đẹp, tòa nhà Bitexco Financial cao 68 tầng được nhìn thấy rất rõ. Hoặc 3 lốc nhà Thuận Kiều ở Q.5 được sơn lại màu xanh lá cũng nhìn thấy rõ mồn một. Tuy nhiên, chiều 4.10, từ tòa nhà trên đường Lê Đại Hành (Q.11), nhìn về Q.1, tòa nhà cao 68 tầng Bitexco biến mất trong màn không khí mù mịt và ngay cao ốc Thuận Kiều cũng chìm trong lớp sương mù dày đặc lúc trời còn nắng, chưa mưa.
|
Ảnh hưởng du lịch đường thủy
Thực tế, cuộc sống của thị dân TP.HCM gắn bó khá khắng khít với môi trường sông nước, kênh rạch và các mảng xanh trong công viên. Tuy là TP đông dân nhất cả nước, mật độ dân cư và xe cộ đi lại nhiều, nhưng những dòng kênh xanh mát đã được cải tạo như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ… đã và đang đóng góp mảng không gian xanh quan trọng và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân TP.HCM. Vài năm trở lại đây, TP đang đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông, kênh rạch.
Một số thông báo chạy trên bảng điện tử tại các tuyến đường cũng rất quan trọng. Người đi đường biết mình đang đi trên tuyến đường có chỉ số chất lượng không khí thế nào để phòng ngừa.PGS-TS Phùng Chí Sỹ |
Lợi thế của vùng đất này là có 2 tuyến sông chính là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn với mạng lưới kênh rạch chằng chịt kết nối. Không chỉ mang lại cho TP hệ sinh thái đa dạng, phát triển du lịch đường sông đang góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói. Từ đó, TP đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy như du thuyền, nhà hàng phục vụ trên sông, ăn uống giải trí về đêm, thuyền nhỏ cho khách tham quan nội đô trên kênh, đi cao tốc từ TP về Cần Giờ, về Vũng Tàu… Các tuyến du lịch đường thủy hiện có gồm tuyến tầm ngắn dưới 30 km Nhiêu Lộc-Thị Nghè, tuyến dài hơn từ 30 - 70 km từ Sài Gòn - Củ Chi, Sài Gòn - Cần Giờ, trên 70 km từ TP đến các tỉnh miền Tây và Campuchia.
Một công ty chuyên bán tour du lịch cho khách đi dạo sông Sài Gòn cho biết ô nhiễm không khí khiến tour du lịch đường sông giảm gần một nửa so với thời điểm từ giữa tháng 9 trở về trước. Quan sát trên trang Air Visual, chất lượng không khí tại TP.HCM ô nhiễm nặng nhất vào ngày 21.9.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), nhận định : “Để phát triển được du lịch đường thủy thì kênh rạch phải sạch, cảnh vật hai bên bờ phải xanh tươi, không khí trong lành và dọc các tuyến này phải có những điểm tham quan, nghỉ dưỡng mà du khách có thể ghé vào để tham quan và vui chơi. Trong khi đó bối cảnh hiện nay là kênh rạch của TP.HCM vẫn chưa được sạch, trong lành. Nhà cửa, cây cối ven bờ còn nhếch nhác, ngay người làm du lịch còn chưa xác định được điểm tham quan nào để khách có thể ghé vào. Nay thêm ô nhiễm không khí, một màn sương mù cứ bay trên sông, du khách rất nhạy vấn đề này, sẽ bớt nhiệt tình tham gia tuyến du lịch đường thủy là điều dễ hiểu”.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường TP.HCM, cho rằng việc người dân lo lắng vì chất lượng không khí giảm là điều bình thường. Trường hợp sương mù kéo dài gần 3 tuần qua thật ra là trường hợp đột xuất, nhưng khi nó kéo dài quá, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Ông Sỹ nói: “Tôi cũng được biết người dân đổ xô đi mua khẩu trang lọc bụi, mua hệ thống lọc bụi trong nhà để tự phòng ngừa. Tất cả tự người dân thấy nguy hiểm nên tự bảo vệ. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm đến đâu, như thế nào, thông tin người dân vẫn rất mù mờ. Bởi nếu liên quan đến bụi mịn, ngay ở trong nhà đóng cửa rồi vẫn bị ảnh hưởng. Theo tôi, TP nên có cảnh báo hay nói đúng hơn là thông tin đầy đủ về chất lượng không khí cho người dân. Mục đích để an dân, đưa ra một số lời khuyên cảnh báo, phòng ngừa cho bệnh hô hấp từ người già đến trẻ em.
Bình luận (0)