Sinh non: Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh

15/11/2022 14:00 GMT+7

Không phải viêm phổi hay dịch bệnh, sinh non mới là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Hàng năm, cả thế giới có khoảng 15 triệu ca sinh non trước tuần 37. Ở Việt Nam, con số này đã vượt mốc 100.000 ca.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sinh non được phân loại theo tuổi thai là những trẻ chào đời khi dưới 37 tuần tuổi thai và được chia thành 4 nhóm: cực non (dưới 28 tuần), rất non (từ 28 đến dưới 32 tuần), non vừa (từ 32 đến dưới 34 tuần) và non muộn (từ 34 đến dưới 37 tuần).

Trẻ sinh càng non thì càng có nhiều nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này. Nếu được chăm sóc tốt, 90% trẻ sinh non có cơ hội tiếp tục sự sống. Vì vậy, cần có kế hoạch chăm sóc và điều trị để giúp trẻ vượt qua “thử thách” đầu đời này.

“Cuộc chiến” đầy nghị lực của những em bé thiếu tháng nhẹ cân

9 tháng 10 ngày là thời gian lý tưởng để một đứa trẻ được nuôi dưỡng và phát triển hoàn thiện về cấu trúc và các chức năng trong bụng mẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì một lý do bất khả kháng, em bé không may chào đời sớm hơn ngày dự sinh vài tuần, thậm chí vài tháng.

Trung bình một trẻ sơ sinh bình thường có cân nặng khoảng 3kg, trong khi nhiều trẻ sinh non có trọng lượng dưới 1kg. Hành trình để đưa những em bé sinh non chưa đầy 1kg từ lồng kính trở về với vòng tay bố mẹ không chỉ là cuộc đua với thời gian của các bác sĩ mà còn là cuộc chiến vượt qua thử thách đầu đời để giành lấy sự sống bằng chính nghị lực sống mạnh mẽ của các em.

Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên trẻ chào đời, tháng đầu tiên là thời gian có nhiều rủi ro tiềm ẩn nhất cho trẻ. Theo báo cáo của UNICEF, tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 103.500 ca sinh non đối mặt với cuộc chiến giành sự sống, trong đó có đến 17.000 trẻ tử vong chỉ trong vòng 28 ngày sau sinh.

Khác với những đứa trẻ sơ sinh khác, chào đón em bé sinh non lúc vừa ra đời không phải là vòng tay ấp ôm của bố mẹ, mà là chiếc lồng ấp với cơ man các thiết bị y tế, ống thở và máy móc hỗ trợ để giúp con vượt qua hành trình gian nan này. Do chưa sẵn sàng thích nghi với môi trường bên ngoài nên các con phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ từ suy hô hấp do chức năng phổi phát triển chưa đầy đủ, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da, ngưng tim và thậm chí là những biến chứng đe dọa tới tính mạng như xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, …Chính vì vậy, trẻ sinh non cần sự chăm sóc đặc biệt tỉ mỉ và theo dõi sát sao những thay đổi của trẻ để hỗ trợ trẻ kịp thời. Hầu hết các ca sinh non ngay khi vừa chào đời cần phải được hồi sức sau sinh và chuyển ngay đến Đơn vị Săn sóc đặc biệt (NICU) để nuôi dưỡng và chăm sóc. Ở đây môi trường chăm sóc trẻ sơ sinh đạt điều kiện lý tưởng với sự hỗ trợ của các máy móc thiết bị chuyên dụng, đồng thời đòi hỏi rất cao về chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho trẻ.

  • Do trẻ chào đời quá sớm, lớp mỡ dưới da chưa đủ để điều hòa thân nhiệt, trẻ cần được giữ ấm bằng lồng ấp hoặc giường sưởi tùy tình trạng của trẻ. Lúc này, lồng ấp được ví như tử cung thứ hai để bảo vệ và tạo điều kiện cho bé phát triển.
  • Mỗi ngày, trẻ cần tiếp nhận hơn 20 loại thuốc và chất dinh dưỡng, được truyền qua đường tĩnh mạch trong thời gian trẻ chưa thể tự ăn bằng đường miệng.
  • Một số trẻ sinh non thở yếu do chức năng hô hấp chưa hoàn thiện cần sự hỗ trợ của máy thở hay thở áp lực dương liên tục (CPAP)
  • Ngoài ra, trẻ cũng cần được da kề da với mẹ theo phương pháp Kangaroo để tạo sự gắn kết và cảm nhận sự yêu thương của mẹ.

Trẻ chỉ được ra viện khi đã có thể tự ăn đường miệng, tự điều chỉnh được nhiệt độ, sự trưởng thành của cơ quan đạt tiêu chuẩn.

Không dừng lại ở đó, các em vẫn cần được thăm khám liên tục cho đến 7 tuổi nhằm phát hiện, điều trị sớm những căn bệnh dị tật bẩm sinh hay mãn tính như hở van tim, cận thị, trẹo cổ hay viêm phổi…

Cuộc chiến giành sự sống của trẻ sinh non là cuộc chiến không đơn độc

Mỗi một thiên thần nhỏ ra đời khỏe mạnh là một hạnh phúc và một đứa trẻ vượt qua bao khó khăn để rời lồng ấp, về với vòng tay bố mẹ là một phép màu. Cùng với nghị lực sống của chính em bé, tình yêu thương của ba mẹ, sự tận tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ đã làm nên điều kỳ diệu đó.

Có tận mắt chứng kiến quá trình chăm sóc trẻ sinh non của bác sĩ, y tá mới thấu được rằng để giành lấy sự sống cho các thiên thần nhỏ không chỉ đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn cần cả sự chăm chút tỉ mỉ và một tinh thần thép. Bác sĩ Phạm Công Luận, Trưởng Khoa Nhi - Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) - nơi đã tiếp nhận và điều trị, chăm sóc thành công nhiều ca sinh non, chia sẻ: “Chăm sóc trẻ sinh non giống như ươm mầm cây, cần ân cần và nâng niu. Mỗi trẻ sinh non sẽ “kể những câu chuyện” khác nhau nên không có một công thức chung nào cho tất cả. Theo sát từng bệnh nhi, phát hiện kịp thời những rối loạn và can thiệp phù hợp là chìa khóa thành công trong điều trị trẻ sinh non".

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong số 42 nước có tỷ lệ trẻ tử vong cao nhất thế giới, 25% nguyên nhân tử vong là do sinh non, chiếm tỷ lệ rất cao, tập trung nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số do dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh còn nhiều hạn chế. Đặc biệt hơn là khi trẻ bị sinh non, các bà mẹ ở đây không có kiến thức để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ chu đáo.

Sinh non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, thường gặp ở sản phụ lớn tuổi hoặc còn quá trẻ, do mắc các bệnh lý sản phụ khoa hoặc tiền sử sinh non...

Để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non, giải pháp đầu tiên là giảm tỷ lệ trẻ sinh non. Mẹ bầu cần chăm sóc và theo dõi thai kỳ để có biện pháp ứng phó kịp thời khi có phát hiện bất thường. Trong trường hợp việc dự phòng sinh non bất khả kháng, gia đình nên chọn nơi sinh uy tín, có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, máy móc thiết bị chuyên dụng và đội ngũ dưỡng nhi chuyên môn cao để có thể chăm sóc tốt nhất cho bé ngay khi vừa chào đời.

Mỗi trẻ sơ sinh chào đời là một niềm hy vọng, là tình yêu thương, là cả một tương lai phía trước. Nhưng hy vọng ấy đôi khi dở dang bởi nhiều trẻ em không có cơ hội giành lấy sự sống dù chỉ trong ngày đầu tiên ngắn ngủi. Hướng đến tháng hành động vì trẻ sinh non và Ngày Thế giới vì trẻ sinh non 17.11, đây là dịp nâng cao nhận thức về trẻ sinh non và những nguy cơ sức khỏe của trẻ sinh non và cũng là lời kêu gọi hành động, sự quan tâm, chung tay của cộng đồng, xã hội về vấn đề này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.