Sinh tử năm 2021: Vượt 'cửa tử' Covid-19, làm lại từ đầu

26/11/2021 12:33 GMT+7

‘Lúc bác sĩ đến, cánh tay đã tê liệt xuống tới chân. Tôi thở như cá mắc cạn. Khoảnh khắc đó, tôi muốn được sống’, chị Linh (ở TP.HCM) run rẩy nhớ lại. covid-19-nu-tinh-nguyen-vien-tp-hcm-toi-khong-muon-co-the-minh-chiu-thua-post1101127.html" title="Đối mặt Covid-19, nữ tình nguyện viên TP.HCM: 'Tôi không muốn cơ thể mình chịu thua'">Vượt cửa tử Covid-19, chị nhận ra tiền bạc thật không quan trọng bằng sức khỏe. Sinh tử bởi Covid-19 là một trong những từ khóa ám ảnh nhiều người trong năm 2021.

THANH KHƯƠNG

Gia đình 3 người nhà chị N.Linh đã chiến thắng Covid-19

"Tôi muốn được sống"

“Suýt chút nữa là bỏ cha con nó lại”, chị Nguyễn T.N.Linh (34 tuổi, ngụ P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) thở phào nói với PV, chốc chốc lại ho vài tiếng. Trong căn phòng lỉnh kỉnh đồ đạc, chị đang đút cơm cho con trai, khuôn mặt vẫn còn bơ phờ vì mới chạy xe máy từ quê lên. Hậu Covid-19, người phụ nữ cao 1m3 sụt 3 kg còn 39 kg. Một tháng nay, chị thấy trong người không khỏe, thi thoảng tức ngực, khó thở, xây xẩm mặt mày và xuống tinh thần.

Vừa bước qua lằn ranh sinh tử, chị Linh nói mình đã luôn kiên cường chiến đấu với bệnh dịch. Có lúc cận kề cái chết nhưng chị không cho phép bản thân buông xuôi, dù là trong khoảnh khắc. Thế mà mấy hôm nay, người phụ nữ này hay lo sợ nhiễm lại dù cách vài ngày xét nghiệm Covid-19 một lần đều cho kết quả âm tính.

Chưa đầy 1 tuần sau khi tiêm mũi 1 vắc xin, ngày 31.8, chị Linh phát hiện nhiễm Covid-19. Trước đó, ngày 26.8, chồng chị là anh H.V.Hiền (40 tuổi) dương tính với SARS-CoV-2. Hai ngày sau, con trai 6 tuổi cũng nhiễm bệnh. May mắn là 2 cha con chỉ sốt, khô họng rồi khỏe hẳn sau 1 tuần.

Số F1 đang cách ly phòng dịch Covid-19 tại TP.HCM tăng cao

Theo nguồn tin của Thanh Niên, chị N.Linh là ca F0 đặc biệt vì nghe theo lời người thân súc nước muối và móc họng cho nôn dẫn đến ngộ độc thuốc, phải cấp cứu. Nói về điều này, chị cho biết bản thân chủ quan, nghĩ rằng làm vậy để “đưa vi rút ra khỏi cơ thể”. Nào ngờ khiến tình trạng nguy kịch hơn.

Vừa chỉ tay vào đầu, người phụ nữ cười xòa nói mới cắt bỏ mái tóc dài với mong muốn xả xui. Chị run rẩy nhớ lại: “Lúc bác sĩ đến, cánh tay đã tê liệt xuống tới chân. Tôi thở như cá mắc cạn. Khoảnh khắc đó, tôi muốn được sống”.

THANH KHƯƠNG

Qua cơn nguy kịch, chị Linh ao ước được thở, được sống

Chị Linh là công nhân may, còn anh Hiền vừa xin làm ở một xưởng đá hoa cương. Tổng thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng dao động từ 11-13 triệu đồng. 3 tháng thất nghiệp không có nguồn thu, vợ chồng chị phải vay mượn người thân để xoay xở. Đầu tháng 10, thành phố nới lỏng giãn cách, cả hai lập tức quay trở lại với công việc.

“Nửa năm đầu làm được bao nhiêu là mấy tháng qua tiêu xài hết, coi như xé nháp, bây giờ làm lại từ đầu. Tiền bạc hết nhưng còn sức khỏe, còn sống là còn làm lại được, tôi hay động viên bản thân và gia đình như vậy”,

Chị N.Linh

Vừa nói xong, đồng hồ điểm 20 giờ 30 phút, một người đàn ông mặc bộ đồ lấm bụi chạy xe đậu trước cửa nhà. Đó là anh Hiền, vừa tăng ca trở về. Anh cười nói: “Nay tôi khỏe hẳn rồi nên muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, chỉ mong dư dả chút để Tết này đủ đầy hơn”.

Chỉ mong con mạnh khỏe mỗi ngày

Tương tự, gia đình 4 người của bà N.T.Hoàn (46 tuổi, ngụ P.An Phú Đông, Q.12) cũng lần lượt bị Covid-19 gọi tên. Không may, chồng bà mắc nhiều bệnh nền nên không qua khỏi vào ngày 20.9, sau 12 ngày chiến đấu.

NVCC

Bà Hoàn (áo cam) trở thành chỗ dựa cho 2 con trai sau khi chồng mất vì Covid-19

Bà Hoàn kể lại, sáng 8.9, ông xã đi tiêm mũi 1 vắc xin. Chiều cùng ngày, cả nhà phát hiện nhiễm Covid-19. Sau 14 ngày cách ly tại nhà, 3 mẹ con xét nghiệm lại đều cho kết quả âm tính. Lúc nhiễm bệnh, bà Hoàn đã tiêm đủ 2 liều vắc xin và chỉ gặp các triệu chứng nhẹ. Bà có tiền sử hen suyễn, hậu Covid-19, các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên hơn.

Người phụ nữ trung niên chia sẻ, lúc đó bà cứ nghĩ chồng sẽ qua khỏi vì được nhập viện điều trị. Mấy ngày đầu ông gọi về hoặc các bác sĩ cập nhật tình hình sức khỏe. Tuần cuối cùng mất hẳn liên lạc, mấy mẹ con đâm ra lo lắng. Cuối cùng chuyện gì tới cũng tới, người chồng, người cha ấy đã đi xa...

“Đau buồn lắm nhưng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Tôi dần chấp nhận sự thật rằng anh không còn nữa, cũng hiểu được cuộc sống quá đỗi vô thường. Khi không còn lựa chọn nào khác, mình buộc phải bước tiếp thôi. Tôi muốn làm chỗ dựa cho 2 con vì nếu mình không vững vàng thì các con biết nương tựa vào ai”.

Bà N.T.Hoàn

Theo lời bà Hoàn, hai vợ chồng có một căn nhà nho nhỏ, còn ba mẹ chồng sống gần đó. Kể từ ngày ông xã mất, cả nhà không dám cho ba biết vì ông nay lớn tuổi, lại bị tai biến, sợ rằng không thể vượt qua cú sốc này. Cứ như vậy, mỗi lần về thăm nhà từ nay về sau sẽ thiếu đi bóng dáng người đàn ông là trụ cột gia đình.

Trước đây, chồng bà Hoàn làm công việc tự do, còn bà là công nhân. Thu nhập của hai vợ chồng vừa đủ để trang trải cuộc sống, lo cho hai con (đang học lớp 11 và lớp 8) ăn học. Thời gian tới, người phụ nữ này dự tính duy trì công việc hiện tại và kiếm việc làm thêm buổi tối để có thêm thu nhập mong sớm ổn định cuộc sống.

“Anh là chỗ dựa vững vàng của tôi, anh mất đi, cuộc sống của mấy mẹ con có nhiều xáo trộn. Mọi thứ còn quá mới mẻ, tôi cần thời gian để bình tâm lại. Giờ cố gắng đi làm, động viên các con chăm lo học hành để vượt qua khó khăn trước mắt rồi về lâu dài tính sau”, bà Hoàn tâm sự.

NVCC

Bà Hoàn bày tỏ mong muốn sáng thức dậy thấy các con khỏe mạnh

Vừa khỏi Covid-19 và trải qua nỗi mất mát lớn, bà Hoàn ý thức được mức độ nguy hiểm của đại dịch. Bà nói: “Ngẫm lại, còn sống tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Giờ chẳng mong gì cao xa ngoài việc sáng thức dậy thấy các con khỏe mạnh. Tôi cố gắng giữ 5K cho mình và mọi người xung quanh, chỉ mong ai cũng có được cuộc sống bình yên và hạnh phúc”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.