Sinh viên Bách Khoa chế bếp củi bảo vệ môi trường

02/10/2016 11:11 GMT+7

Hai sinh viên Trần Công Hậu và Lê Minh Đan, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã chế tạo thành công sản phẩm bếp củi thân thiện với môi trường.

“Mặc dù hiện nay bếp điện, bếp ga phổ biến nhiều nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn được bếp củi truyền thống. Nhất là ở miền quê, việc nấu thức ăn chăn nuôi hay các quán xá nấu thức ăn với số lượng nhiều vẫn phải sử dụng đến bếp củi để tiết kiệm. Hơn nữa, khi về quê, nhìn thấy ba mẹ phải hì hục bên chiếc bếp củi với khói bụi mù mịt, ảnh hưởng đến sức khỏe, nên tụi mình mới quyết tâm tạo ra sản phẩm chất lượng hơn”, Công Hậu chia sẻ.
Bếp gồm có 5 bộ phận chính. Mặt bếp được làm từ tấm sắt với độ dày là 3 mm, trên mặt đặt miệng bếp với bán kính của miệng là 6 cm và đã được thiết kế một chân bếp di động bằng inox. Khi không nấu ăn, người sử dụng có thể tháo gỡ chân bếp và tận dụng nhiệt lượng tỏa ra từ buồng cháy để nướng thức ăn.
Buồng đốt được làm bằng thép, bên ngoài là một ống hình chữ nhật, bên trong là một hình ống trụ tròn cách với bên ngoài một khoảng 10 mm, được lấp đầy bằng hỗn hợp đất sét trộn hạt xốp để cách nhiệt.
“Đất sét là vật liệu cách nhiệt tốt nhưng nhóm vẫn muốn một chất liệu cách nhiệt tốt hơn nên mới nghiên cứu hỗn hợp đất sét trộn xốp. Khi bếp được đốt lên, đất sét nung nóng và các hạt xốp bắt đầu teo lại tạo thành các lỗ trống, từ đó cách nhiệt sẽ hiệu quả hơn”, Minh Đan lý giải.
Bên cạnh đó, buồng đốt với chiều cao 20 cm sẽ tạo được khoảng không khuếch đại nguồn khí đối lưu, gia tăng sức hút gió từ ngoài vào. Buồng đốt tạo thành một cột khí đối lưu giúp ngọn lửa cháy cao, mạnh và triệt để hơn. Khi đốt nhiên liệu, ngọn lửa của bếp có màu xanh nên muội than không bám dính vào xoong, nồi.
Bộ phận cổng đốt được thiết kế nghiêng 45 độ so với bếp, dùng để đưa củi vào. Nhờ góc nghiêng, củi khi cháy tới đâu sẽ tự động rơi vào buồng đốt để tiếp tục cháy, không cần người dùng phải đẩy vào như các bếp củi thông thường. Cổng này cũng có cửa để đảm bảo quá trình đốt bên trong được khép kín, tránh tro bay ra ngoài.
Điểm đặc biệt của sản phẩm này là có thêm bộ phận thu hồi tro và ruột bếp khí hóa.
“Hộp thu hồi tro này sẽ giúp thu hồi tro trong quá trình cháy và được tách riêng để làm tăng quá trình cháy. Không những thế, việc thu hồi tro sẽ giảm được lượng tro phát tán gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe”, Hậu phân tích.
Còn ruột bếp khí hóa là phần sáng tạo thêm để cải tiến sản phẩm. Vì phần ruột này giúp biến bếp củi thành bếp khí hóa có khả năng đốt nhiều nguyên liệu khác nhau như mùn cưa, rác trấu và khi tháo ra lại thành bếp đốt củi.
Với những bộ phận cải tiến trên, sản phẩm của nhóm rất thân thiện với môi trường và tăng được hiệu suất đun nấu.
“Sản phẩm giúp tiết kiệm được 45% nguyên liệu và 40% thời gian đun nấu; tận dụng được nguồn phế thải nông nghiệp, rất ít khói, ít bụi than vì nguyên liệu được cháy gần như triệt để và không bị ngún khói. Lượng ít khói sẽ được tập trung thải ra ngoài bằng ống khói giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế ô nhiễm môi trường. Còn khi đốt khí hóa thì bếp hoàn toàn không có khói, lại nhỏ gọn, tiện lợi và có thể tháo lắp”, Minh Đan phân tích về những ưu điểm của sản phẩm.
Để sáng chế được sản phẩm này, nhóm phải đến Hóc Môn làm quen với xưởng cơ khí để học hỏi thêm về các kỹ thuật như: hàn, cắt và gia công. Sản phẩm của nhóm cũng từng giành được giải bảo vệ môi trường của Holcim Prize 2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.