Sinh viên bị buộc thôi học: Có phải chỉ do học tập yếu kém?

30/10/2024 05:45 GMT+7

Hội đồng xử lý học vụ các trường ĐH thông báo hàng loạt sinh viên trong tình trạng thử thách học tập, cảnh báo học tập, thậm chí buộc thôi học. Các sinh viên này đều có kết quả học tập yếu kém, đa số điểm trung bình chung học kỳ hoặc điểm tích lũy dưới 1.

Câu hỏi được đặt ra là học lực các sinh viên (SV) này có thực sự yếu kém hay còn những nguyên nhân nào khác?

HÀNG NGÀN SV BỊ XỬ LÝ HỌC VỤ

Sau mỗi học kỳ chính, các trường ĐH thực hiện rà soát và xử lý học vụ với SV có kết quả học tập yếu kém. Năm 2024, số lượng SV rơi vào tình trạng bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ, thử thách học tập ở mức cao trong những năm gần đây. Đáng chú ý, có nhiều trường, chỉ sau một học kỳ số lượng SV bị đưa vào diện xử lý học vụ lên tới hàng ngàn người.

Sinh viên bị buộc thôi học: Có phải chỉ do học tập 
yếu kém?- Ảnh 1.

Theo thống kê của nhiều trường ĐH, trong số các lý do khiến sinh viên bị cảnh cáo thì nguyên nhân chủ yếu là không tiếp tục đăng ký tín chỉ (ảnh minh họa)

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cuối tháng 9, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thông báo danh sách SV bị thử thách, cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2023 - 2024 và bị buộc thôi học học kỳ 1 năm học 2024 - 2025. Trong đó, có 892 SV các khóa 2021, 2022, 2023 dự kiến bị thử thách kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2023 - 2024 do nợ tín chỉ, có điểm trung bình tích lũy xếp loại yếu. Bên cạnh đó, 964 SV các khóa 2021, 2022, 2023 dự kiến bị cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2023 - 2024. Đặc biệt, có 88 SV dự kiến bị buộc thôi học học kỳ 1 năm học 2024 - 2025. Các SV này từng có 2 học kỳ liên tiếp (học kỳ 1 - 2 năm học 2023 - 2024) điểm trung bình học kỳ dưới 1 hoặc có số tín chỉ không đạt theo quy định. Như vậy, chỉ trong đợt này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến buộc thôi học, cảnh báo và thử thách kết quả học tập gần 2.000 SV các khóa 2021, 2022, 2023 do kết quả học tập yếu kém.

Cũng giữa tháng 9, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo danh sách SV bị cảnh báo kết quả học tập trong học kỳ 2 năm học 2023 - 2024. Trước đó gần 1 tháng, trường ĐH này thông báo kết quả xét và xử lý học vụ học kỳ 1 năm học 2023 - 2024. Trong đó, có tới 3.875 SV bị cảnh báo học vụ lần 1 và 1.490 SV khác bị nhận quyết định buộc thôi học.

Với cách xét tuyển nhiều phương thức những năm gần đây, học sinh có học lực trung bình vẫn có thể dễ dàng trúng tuyển nhiều trường bằng xét học bạ. Với khối ngành học nặng như kỹ thuật công nghệ, có thể nhiều em không đủ năng lực theo học. Do đó, với nhóm này dễ dàng trúng tuyển nhưng dễ dàng bỏ dở việc học.

Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM

Cùng thời điểm này, Học viện Ngân hàng thông báo danh sách dự kiến của hơn 450 SV bị xử lý học vụ học kỳ 2 năm học 2023 - 2024. Trong đó, 241 SV bị buộc thôi học do vượt quá thời hạn đào tạo tối đa 6 năm, bị cảnh báo học vụ 3 lần liên tiếp. Bên cạnh đó, 217 SV bị cảnh báo học vụ do kết quả học tập kém. Đáng chú ý, nhiều SV bị điểm trung bình học kỳ dưới 1 nên không đủ điểm trung bình để xét.

BUỘC THÔI HỌC VÌ KHÔNG ĐĂNG KÝ TÍN CHỈ HỌC TẬP

Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn (ĐH Đà Nẵng) xem xét buộc thôi học gần 80 SV các khóa từ 2020 - 2023 với lý do không đăng ký tín chỉ học kỳ 1 năm học 2024 - 2025. Trong đó nhiều SV không trở lại học sau khi hết thời hạn nghỉ học tạm thời. Trước đó, giữa tháng 9, trường ĐH này cũng thông báo xem xét xử lý kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2023 - 2024 với 179 trường hợp thuộc diện buộc thôi học và hơn 200 SV bị cảnh báo học tập do điểm trung bình chung học kỳ dưới 1.

Tại Trường ĐH Luật TP.HCM, nhiều SV ĐH chính quy cũng đứng trước nguy cơ bị cảnh báo học tập, buộc thôi học vì có kết quả học tập yếu kém học kỳ 2 năm học 2023 - 2024. Cụ thể, 41 trường hợp có tên trong danh sách bị buộc thôi học và 75 trường hợp thuộc danh sách dự kiến bị cảnh báo học tập vì có kết quả học tập yếu kém trong học kỳ 2 năm học 2023 - 2024…

CHỦ ĐỘNG NGỪNG HỌC TẬP VÌ HỌC NGÀNH KHÁC, TRƯỜNG KHÁC

Việc xử lý học vụ SV dựa trên kết quả học tập của các trường ĐH được thực hiện theo quy định chung. Theo đó, SV bị cảnh báo học tập nếu điểm trung bình học kỳ không đạt hoặc có tổng số tín chỉ bị nợ theo quy định. Sau 2 - 3 học kỳ bị cảnh báo học tập liên tiếp, SV bị đưa vào danh sách bị buộc thôi học. Điểm chung của phần lớn các SV này là do kết quả học tập yếu kém. Vấn đề đặt ra, có phải các SV này không đủ năng lực học ĐH nên dẫn đến kết quả yếu kém, có SV chỉ 0 điểm trong nhiều học kỳ?

Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường đã thực hiện khảo sát với 88 SV dự kiến bị buộc thôi học tính đến đầu năm học này. Trong số hơn 40 trường hợp phản hồi, kết quả chung cho thấy chủ yếu SV chủ động không tham gia học tập. Với nhóm SV chủ động dừng việc học sau năm đầu tiên, nguyên nhân đa phần là đã trúng tuyển và chuyển sang học ngành khác, trường khác. Một số trường hợp, chủ yếu rơi vào SV sau khi hoàn tất năm thứ 3, đi làm không quay về học. Một số ít trường hợp không tiếp tục học để đi nước ngoài học. "Tính trong tổng số quy mô hơn 20.000 SV chính quy toàn trường, hơn 80 SV dự kiến bị cảnh báo học vụ là tỷ lệ không cao nhưng cũng là sự trăn trở của nhà trường", tiến sĩ Hải nói thêm.

Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết căn cứ trên kết quả học tập của SV, các trường hợp bị xử lý thường do SV chủ động nghỉ học, không phải do không theo nổi chương trình học dẫn đến kết quả học tập yếu kém. "Tỷ lệ người học bị buộc thôi học tại trường không nhiều, phần lớn do sau khi trúng tuyển không đúng ngành thực sự yêu thích. Do đó, SV chủ động dừng việc học ĐH, nhiều trường hợp ôn thi lại vào nhóm trường công an, quân đội và một số ít đi du học", thạc sĩ Hiển phân tích thêm.

Sinh viên bị buộc thôi học: Có phải chỉ do học tập 
yếu kém?- Ảnh 2.
Sinh viên bị buộc thôi học: Có phải chỉ do học tập 
yếu kém?- Ảnh 3.
Sinh viên bị buộc thôi học: Có phải chỉ do học tập 
yếu kém?- Ảnh 4.

Thông báo của các trường ĐH về xử lý học vụ sinh viên có kết quả học tập yếu kém

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

TRƯỜNG ĐIỂM ĐẦU VÀO CÀNG THẤP, NGUY CƠ SV BỎ HỌC CÀNG CAO

Số lượng người học bị xử lý học vụ và nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không giống nhau ở các nhóm trường. Có những trường ĐH, số lượng này được ghi nhận ở mức rất cao. Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tư thục tại TP.HCM cho biết tỷ lệ SV bị cảnh báo kết quả học tập theo học kỳ lên tới trên dưới 20% quy mô SV toàn trường.

Tỷ lệ này cũng rất khác nhau giữa các ngành học, trong đó những ngành liên quan lĩnh vực công nghệ kỹ thuật có ngành SV bị cảnh báo học tập lên tới 30 - 40%. Trong số các lý do cảnh báo, nguyên nhân đến từ việc SV không đăng ký học có học kỳ lên tới trên 75% trường hợp, còn lại là trường hợp SV bị điểm trung bình học kỳ bằng 0 hoặc dưới 1.

Từ kết quả thống kê trên, Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH bình luận: "Sau năm học đầu tiên, tỷ lệ SV tự ý bỏ học chiếm tỷ lệ cao nhất, nguyên nhân chính vẫn là SV không đăng ký học". Về nguyên nhân, theo Trưởng phòng Đào tạo này, có sự khác nhau tùy nhóm trường. Nhưng có thể thấy những ngành và trường có điểm đầu vào càng thấp thì nguy cơ bỏ học sớm càng cao. "Với cách xét tuyển nhiều phương thức những năm gần đây, học sinh có học lực trung bình vẫn có thể dễ dàng trúng tuyển nhiều trường bằng xét học bạ. Với khối ngành học nặng như kỹ thuật công nghệ, có thể nhiều em không đủ năng lực theo học. Do đó, với nhóm này dễ dàng trúng tuyển nhưng dễ dàng bỏ dở việc học", vị này chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.