Sinh viên Canada, Mỹ bắt máy bay đi học để tiết kiệm tiền thuê phòng

23/02/2024 17:07 GMT+7

Trước thực trạng giá nhà tăng cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn, một số sinh viên tại Canada, Mỹ quyết định bắt máy bay đi học thay vì thuê phòng gần trường để tiết kiệm chi phí.

Sinh viên Canada, Mỹ bắt máy bay đi học để tiết kiệm tiền thuê phòng- Ảnh 1.

Bắt máy bay đi học đã không còn là khái niệm lạ lẫm với sinh viên các nước Bắc Mỹ

UNSPLASH

Truyền thông Canada ngày 19.2 xôn xao thông tin một sinh viên đã tiết kiệm tiền thuê phòng bằng cách bắt máy bay đi học. Đó là Tim Chen, sinh viên ĐH British Columbia (TP.Vancouver), hiện sống cùng bố mẹ tại TP.Calgary cách đó gần 1.000 km. Chen cho biết đã tiết kiệm đáng kể tiền thuê phòng hằng tháng khi bắt máy bay đi học 2 lần/tuần (nam sinh viên có hai ngày học vào thứ ba và thứ năm), đài NDTV đưa tin.

Cụ thể, Chen chi khoảng 150 USD/lần bay khứ hồi, tức gần 1.200 USD/tháng (hơn 29 triệu đồng). Trong khi đó, căn hộ một phòng ngủ tại Vancouver có giá thuê hằng tháng khoảng 2.100 USD (hơn 51 triệu đồng), đắt gần gấp đôi. "Tôi bay đến Vancouver vào buổi sáng và trở về Calgary vào buổi tối. Trong tháng 1.2024, tôi đã bay 7 chuyến khứ hồi như vậy và tiết kiệm rất nhiều chi phí", Chen chia sẻ.

Trả lời tờ Daily Hive, ông Andrew Parr, Phó giám đốc phụ trách nhà ở sinh viên và dịch vụ cộng đồng tại ĐH British Columbia, chia sẻ sự đồng cảm với các sinh viên đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhà ở. "Việc tìm được nơi thuê phòng có giá phải chăng là thách thức với một số sinh viên", ông Parr nói, đồng thời nhấn mạnh hoạt động này còn "đặc biệt khó khăn" ở Vancouver.

Cũng theo ông Parr, ĐH British Columbia hiện có 13.505 giường cho sinh viên sống trong ký túc xá, với giá thuê phòng rẻ hơn so với bên ngoài và trường cũng đang tìm cách tăng con số này lên. Song, trong học kỳ này, một số sinh viên của trường đã nhận email thông báo chi phí thuê phòng sẽ tăng từ 5 - 6%, cao hơn mức tối đa mà tỉnh bang cho phép là 3,5%. Điều này đã khiến nhiều sinh viên bức xúc.

Câu chuyện của Tim Chen không phải hiếm gặp trong cộng đồng sinh viên Bắc Mỹ. Chia sẻ trên trang Business Insider hồi tháng 7.2023, Bill Zhou (26 tuổi, sống tại TP.Los Angeles), lúc đó vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật giao thông vận tải tại ĐH California tại Berkeley (Mỹ), cũng cho biết đã bắt máy bay đi học 3 lần/tuần trong vì giá thuê phòng quanh trường "quá đắt đỏ".

Sinh viên Canada, Mỹ bắt máy bay đi học để tiết kiệm tiền thuê phòng- Ảnh 2.

Bill Zhou cùng những tấm vé máy bay anh dùng để di chuyển trong suốt khóa học thạc sĩ

HEYANG QIU

Cụ thể, Zhou đã bay trên 238 chuyến trong 8 tháng của khóa học và chi khoảng 6.100 USD (150 triệu đồng) cho toàn bộ phí di chuyển, gồm xăng, tiền đỗ xe, vé máy bay và các phương tiện giao thông công cộng. Mức phí này rẻ hơn nhiều nếu so với giá thuê phòng ước tính tại TP.Berkeley là 36.000 USD/năm. "Hằng ngày, tôi dậy lúc 3 giờ 40 để bay chuyến 6 giờ. Sau một ngày học, tôi thường về nhà lúc 21 giờ 30", anh kể.

Trước đó một tháng, Sophia Celentano, sinh viên ĐH Virginia (Mỹ) sống tại TP.Charleston (bang South Carolina) cũng thu hút chú ý của truyền thông nước này khi đi làm 1 - 2 ngày/tuần bằng máy bay, cũng với lý do tiết kiệm hàng nghìn USD so với thuê phòng gần công ty ở TP.Newark (bang New Jersey) nơi cô thực tập. Và ngoài Sophia, một số đồng nghiệp khác cũng bay từ Boston, Philadelphia hay Atlanta đến văn phòng hằng tuần.

Những sinh viên như Tim Chen, Bill Zhou hay Sophia Celentano được gọi là "super commuter", tức những người chịu khó di chuyển thời gian dài, thường là hơn 90 phút, bằng đường hàng không, đường sắt, ô tô hoặc xe buýt để đi làm hoặc đi học. Xu hướng này bắt đầu phổ biến kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra vì giá thuê phòng tăng cao và công ty, trường học áp dụng mô hình làm việc hay giảng dạy kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.