"Quan trọng là kỷ niệm"
Sau thành công của đêm nhạc Anh trai vượt ngàn chông gai tại TP.HCM, ban tổ chức tiếp tục chiều lòng người hâm mộ khi quyết định sẽ tổ chức concert day 2 tại miền Bắc. Theo thông tin từ ban tổ chức, chỉ sau 40 phút mở bán trên nền tảng Ticket, toàn bộ số vé đã hết sạch. Với mong muốn đến xem và cổ vũ thần tượng, nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi mạnh tay để tham gia sự kiện được mong chờ này.
Chị Mai Anh (20 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ, mặc dù giá vé của chương trình thấp hơn so với các concert của nghệ sĩ quốc tế nhưng vẫn là khoản chi không hề nhỏ, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên. Mức giá rẻ nhất là 800.000 đồng, những vị trí đẹp có giá từ 3 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, những khu vực giá rẻ thường "cháy vé" chỉ trong một vài phút mở bán.
Mai Anh cho biết đã mua được vé hạng VIP với giá gốc 8 triệu đồng. Ngoài ra, những chi phí khác như trang phục, trang điểm 4 triệu đồng; chi phí di chuyển và thuê phòng 5 triệu đồng. "Em đã chuẩn bị rất kỹ cho concert lần này và sẵn sàng chi bằng mọi giá để được gặp các anh tài. Số tiền như trên là khá lớn so với em, lương em có 2 triệu vì còn là thực tập sinh nhưng quan trọng là kỷ niệm. Sau này có nhiều tiền thì cũng không mua lại được đâu", Mai Anh cho biết.
Không mua được vé từ website chính thức của chương trình, Minh Đức (21 tuổi, Hà Nội) mua vé từ những người bán lại với giá cao gấp 3 lần. "Em mua cặp vé ở vị trí 'đỉnh nóc kịch trần' với giá 10 triệu. Mặc dù đó là cái giá khá cao so với giá gốc là 3,5 triệu đồng nhưng em vẫn mua bởi chương trình rất hot, càng sát ngày giá vé càng tăng lên", Đức nói.
Minh Đức cho biết còn là sinh viên và phải nhận hỗ trợ tài chính từ gia đình, nhưng vẫn sẵn sàng chi một số tiền lớn để được gặp thần tượng.
"Em vẫn còn một chút tiền tết và trước đó, em có bán lại một số mô hình để gom đủ tiền mua vé chương trình lần này. Còn trẻ mà, em mong bản thân có nhiều kỷ niệm và trải nghiệm nên đây sẽ là hoạt động thú vị giúp em vừa ‘chữa lành’ tinh thần, vừa làm ký ức của em màu sắc hơn", chàng trai chia sẻ.
Người trẻ và tâm lý tiêu dùng 'mua trải nghiệm'
Theo TS Đỗ Anh Đức, giảng viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), phần lớn sinh viên hiện nay sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động giải trí như concert bởi họ coi trọng trải nghiệm cá nhân, đầu tư cho sức khỏe tinh thần. "So với các thế hệ trước, genZ đánh giá cao giá trị tinh thần mà những sự kiện này mang lại, coi đó là cơ hội để thư giãn, giải tỏa stress, kết nối với những người chung đam mê và tạo kỷ niệm đáng nhớ", ông Đức nói.
Ông Đức cho biết, việc sinh viên sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua vé concert cho thấy sự thay đổi trong quan niệm tiêu dùng của giới trẻ hiện nay. Đó không chỉ là một hành vi tiêu dùng đơn thuần mà còn phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của giới trẻ đến đời sống tinh thần. "Họ không chỉ đơn thuần mua một tấm vé, mà đang tìm kiếm một trải nghiệm", ông cho biết.
Mặc dù việc "đu idol" và và tham gia concert là điều tuyệt vời, nhưng các bạn trẻ cũng cần tỉnh táo để không rơi vào tình trạng "cháy túi" vì "vung tay quá trán".
Khổ sở bị lừa tiền khi ‘đu’ concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai
TS Đỗ Anh Đức dành lời khuyên tới các bạn trẻ, rằng hãy tự học cách quản lý tài chính cá nhân, đặt ra những mục tiêu tài chính, thiết lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, phân chia thu nhập rõ ràng. Quan trọng nhất, cần xây dựng một văn hóa thần tượng lành mạnh, tránh chạy theo những trào lưu nhất thời, tiêu xài hoang phí.
Bình luận (0)