Sinh viên 'chới với' trước nghề nghiệp tương lai, tìm sự hỗ trợ ở đâu?

20/02/2023 09:37 GMT+7

Ý tưởng về nền tảng mạng xã hội giúp sinh viên đang 'chới với' được định hướng nghề nghiệp thông qua việc kết nối với cựu sinh viên, chuyên gia một cách miễn phí, nhanh chóng đã giành giải cao nhất của một cuộc thi khởi nghiệp.

FMentor là một nền tảng mạng xã hội do nhóm sinh viên Trường ĐH FPT sáng tạo ra nhằm giúp sinh viên, bạn trẻ đang "chới với" trong quá trình học tập hoặc mông lung trước tương lai có thể được dẫn dắt, định hướng nghề nghiệp để bước tiếp nhờ vào việc kết nối với cựu sinh viên và các chuyên gia.

Huỳnh Nữ Cẩm Tú, trưởng nhóm, cho hay: "Tụi em nhận thấy đối với vấn đề định hướng nghề nghiệp đang có rất nhiều khoá học, tài liệu hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề mà sinh viên đang gặp phải chính là không biết mình muốn gì, không hiểu điểm mạnh và điểm yếu của mình để có định hướng đúng đắn và lựa chọn các kiến thức phù hợp với mình. Vì vậy các bạn rất cần có một người dẫn dắt và tư vấn trực tiếp trong giai đoạn đầu đời này".

Sinh viên "chới với" trước tương lai, làm thế nào để vững vàng bước tiếp?   - Ảnh 1.

Nhóm sinh viên giành giải nhất

Đ.Q

Từ thực tế đó, Tú cùng với các bạn trong nhóm gồm Huỳnh Nguyễn Hà My, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Hoàng Phương Trinh, Lê Tiến Dũng (đều là sinh viên năm cuối) đã nghiên cứu và thực hiện sản phẩm mang tên FMentor (với sự hỗ trợ code của 2 sinh viên Lê Hồng Anh và Nguyễn Thiện Quang), với hy vọng giúp cho sinh viên có định hướng tốt và kỹ năng làm việc tốt hơn sau khi ra trường.

"Vậy người có thể dẫn dắt và định hướng tốt nhất cho các bạn sinh viên không ai khác chính là các anh chị cựu sinh viên. Mô hình kết nối giữa mentor (người hướng dẫn) là các anh chị cựu sinh viên với mentee (người được hướng dẫn) là các bạn sinh viên, sẽ được thúc đẩy nhằm giúp mối quan hệ này có thể phát triển và tạo ra nhiều giá trị", Tú cho biết thêm.

Tú lấy một ví dụ, Vân là một sinh viên ngành digital marketing dù học năm cuối vẫn chưa hiểu được thế mạnh của bản thân, đang mơ hồ về sự lựa chọn nghề nghiệp nên không biết ra trường nên đi làm theo các bạn hay làm điều mình thích.

Lúc đó, mentor là anh Kha, một cựu sinh viên 27 tuổi, là quản lý tiếp thị của một công ty, rất thích các hoạt động giúp đỡ hỗ trợ sinh viên định hướng cũng như học tập. Anh Kha sẽ được kết nối để chia sẻ kinh nghiệm, định hướng cho Vân và những sinh viên cần đến sự hỗ trợ tương tự trong mạng lưới kết nối rộng lớn của FMentor... Các mentor và doanh nghiệp cũng có thể cung cấp các khóa học phù hợp cho sinh viên cần (sinh viên không bắt buộc phải mua).

Sinh viên "chới với" trước tương lai, làm thế nào để vững vàng bước tiếp?   - Ảnh 2.

Một nhóm thuyết trình ý tưởng tại vòng chung kết cuộc thi

MỸ QUYÊN

Theo các thành viên của nhóm, FMentor là một dự án có tiềm năng phát triển bởi hiện nay có hàng triệu sinh viên năm 3, 4 trên cả nước và trung bình số lượng tân sinh viên hàng năm là 430.000, rất nhiều trong số đó cần tìm cố vấn trong học tập và định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường.

Cẩm Tú chia sẻ: "Hiện tại FMentor đã có kế hoạch tiếp thị cho năm đầu tiên khi sản phẩm vào thị trường với nhóm khách hàng mục tiêu là sinh viên năm 3, 4 và người đi làm đã có 1-2 năm kinh nghiệm. KPI năm 2023 của FMentor là thu hút 14.000 mentee và 1.400 mentor. Ước tính doanh thu 2 năm đầu của FMentor là 42,6 tỉ đồng, trong đó 58% doanh thu từ hoa hồng bán khoá học, 2% doanh thu từ phí đăng thông tin tuyển dụng/tuyển sinh, 1% nhờ vào tiền quảng cáo...".

Ngoài việc xây dựng thương hiệu FMentor thành một nền tảng kết nối cố vấn miễn phí cho các sinh viên và bạn trẻ, FMentor còn có mục tiêu trở thành sân chơi, giao lưu kiến thức, kinh nghiệm, tìm kiếm công việc giữa các mentor và mentee, mentee và mentee.

Học ĐH không phải chỉ để có bằng cấp

Chiều 19.2, 8 đội sinh viên với 8 ý tưởng khởi nghiệp đã tranh tài tại chung kết cuộc thi FPT Entrepreneurial Hackathon Spring 2023 (Lập trình tạo ra các sản phẩm dành cho mục đích khởi nghiệp). Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của gần 1.200 thí sinh trong và ngoài trường. FMentor là ý tưởng vượt qua 24 đội để giành giải nhất.

Ban giám khảo gồm những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và khởi nghiệp cùng lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các đội thi cạnh tranh với nhau trong việc phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch, thương mại điện tử... để giải quyết các vấn đề thực tế trong xã hội.

Tiến sĩ Phan Gia Hoàng, Chủ nhiệm bộ môn phát triển khởi nghiệp Trường ĐH FPT, chia sẻ: "Cuộc thi Hackathon dành cho sinh viên khởi nghiệp đã chứng kiến sự phát triển sáng tạo của các sinh viên, khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ trong khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Cuộc thi không chỉ đánh giá sản phẩm của các đội thi, mà còn đánh giá khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, và khả năng thích ứng dưới áp lực thời gian".

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH FPT, nhận định tham gia cuộc thi, sinh viên được trải nghiệm các kiến thức thực tế về khởi nghiệp, một môn học quan trọng và bắt buộc đối với sinh viên toàn trường. "Chúng tôi muốn các em hiểu rằng sứ mệnh của sinh viên không phải chỉ là học để có bằng cấp và việc làm tốt, mà học còn để có tư duy làm thế nào tạo ra công việc sản phẩm dịch vụ mới bám sát với xu thế, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển của quốc gia", tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.