Sinh viên chọn… đi đường tắt

26/02/2023 06:00 GMT+7

Để rút ngắn thời gian học, nhiều sinh viên không ngại đăng ký học thêm môn để học vượt và tốt nghiệp trước thời hạn. Nhờ "đi đường tắt" mà nhiều sinh viên sớm tiếp xúc, cọ xát với thực tế và cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

VỀ ĐÍCH CÀNG SỚM CƠ HỘI CÀNG NHIỀU

Ở bậc đại học, sinh viên (SV) được đăng ký học theo tín chỉ, có quyền lựa chọn các môn học trong một học kỳ, miễn không thấp hơn số tín chỉ tối thiểu mà nhà trường quy định. Do đó, với mong muốn học xong nhanh để đi làm, tự lập sớm nên Nguyễn Văn Út, theo học chuyên ngành công nghệ phần mềm, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đã quyết định học vượt.

"Việc học vượt không chỉ giúp mình tiết kiệm thời gian mà còn có nhiều cơ hội hơn so với bạn bè đồng trang lứa, vì ra trường sớm hơn nên tỷ lệ cạnh tranh giảm bớt", Út nói.

Nhờ sự nỗ lực, nam sinh này đã hoàn thành chương trình học sớm hơn một học kỳ. Chia sẻ về khoảng thời gian học vượt, Út kể: "Học vượt có áp lực hơn vì muốn học nhanh phải đăng ký thêm nhiều môn đồng nghĩa với việc bài tập và nghiên cứu dồn dập, phải thức khuya thường xuyên để hoàn thành bài vở. Tuy nhiên mình được ra trường sớm và có nhiều thời gian đi làm hơn nên mình vẫn không hối hận khi học vượt".

Sinh viên chọn… đi đường tắt - Ảnh 1.

Sinh viên chọn học vượt ra trường sớm để tìm kiếm cơ hội việc làm

THẢO PHƯƠNG

Hiện tại, anh chàng gen Z này đang làm việc ở công ty cổ phần công nghệ Xelex với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức lương khởi điểm nên Út vẫn đang tiếp tục nỗ lực trau dồi thêm tiếng Anh để ứng tuyển vào một công ty khác với mức thu nhập cao hơn.

Còn với Huỳnh Trọng Phát, SV ngành tài chính - ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, quyết định học vượt trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19. Ngành học theo chương trình đào tạo là 4 năm, nhưng Phát chỉ mất hơn 3 năm để hoàn thành. "Vì sắp xếp được thời gian và chủ động trong học tập nên mình học xong tất cả các môn vào khoảng tháng 6, tháng 7 và chính thức tốt nghiệp vào tháng 12 năm ngoái", Phát nói. Dù học vượt nhưng nam SV này vẫn rất năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện, là chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca và nhạc cổ truyền Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Mặc dù hoàn thành chương trình học sớm và chưa có bằng tốt nghiệp nhưng Phát không gặp khó khăn khi xin việc làm tại các công ty hay ngân hàng. "Lúc vừa làm xong khóa luận tốt nghiệp mình có làm việc tại một ngân hàng ở TP.HCM. Tuy nhiên, làm được một tháng mình cảm thấy không phù hợp với môi trường cũng như công việc nên xin nghỉ", Phát chia sẻ.

Để tìm được công việc phù hợp, một tháng sau, Phát thi tuyển tại 3 ngân hàng thuộc BIG 4 và hiện tại đang làm việc tại một chi nhánh của Vietinbank với vị trí quan hệ khách hàng doanh nghiệp. "Công việc đúng với ngành học và mang lại cho mình thu nhập khá cao đối với một SV vừa mới ra trường", Phát nói.

Từ góc độ tuyển dụng, ông Trần Bằng Việt, chuyên gia tư vấn - CEO DongA Solutions, cho rằng việc SV học vượt ra trường sớm không ảnh hưởng gì đến vấn đề việc làm, ngược lại điều này còn chứng tỏ được khả năng của họ: "Những SV học vượt để ra trường sớm cho thấy SV có khả năng, có thái độ vượt khó, chấp nhận vượt qua giới hạn, đi nhanh hơn so với những bạn có cùng xuất phát điểm. Nếu người khác 1 ngày đi 7 km thì các SV học vượt đi 9 - 10 km. Chính thái độ này là yếu tố quyết định sự thành công", ông Việt nhận định.

Ông Việt cũng cho biết thêm, xã hội hiện tại như một cuộc chạy đua, nếu SV ra trường sớm được 1 năm hay 1 học kỳ thì đỡ phải cạnh tranh. "3 tháng thực tập có khi bằng 4 năm học ở trường, tôi nghĩ lấy hiệu quả công việc làm thước đo chứ đừng quá nặng nề về khung chương trình học 3 năm hay 4 năm. Cũng thừa nhận rằng chỉ số về mặt thái độ vươn lên, kỹ năng vượt khó của những SV dám học vượt cũng là tố chất để giúp họ thành công xa hơn", ông Việt nói.

MUỐN HỌC TỪ NHỮNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Không chỉ muốn ra trường sớm, có được công việc và thu nhập ổn định như mong muốn, mà nhiều SV học vượt còn muốn học hỏi từ những trải nghiệm thực tế.

"Theo quan điểm cá nhân của mình, các môn học ở trường là nền tảng để có thể tiến xa hơn trong công việc. Bên cạnh đó, mình cũng thích học từ những trải nghiệm thực tế hơn là sách vở. Cũng có thể nói rằng, mình cố gắng học nhanh để ra đời đi làm sớm, để trưởng thành", Phát tâm sự.

Tuy nhiên, học vượt không phải chỉ đơn giản bạn học nhiều hơn số lượng tín chỉ mà trường sắp xếp, bản thân mỗi SV cần phải có kế hoạch tự phân bổ thời gian, môn học một cách khoa học nếu không muốn vừa tốn thời gian vừa tốn tiền học lại vì rớt môn.

Không chỉ học vượt mà còn học song bằng, Lê Thanh Hải, SV năm 4 chuyên ngành kinh doanh quốc tế, song ngành thương mại điện tử Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đã lên kế hoạch học vượt khi mới bước chân vào giảng đường đại học.

"Mình đã có ý định học vượt và học song ngành từ năm học thứ nhất, nên đã liệt kê ra các môn học cần phải hoàn thành trong 4 năm và cụ thể mỗi học kỳ mình phải hoàn thành bao nhiêu môn, rồi tự phân bổ sắp xếp lại lịch học sao cho phù hợp với bản thân, chứ không đăng ký theo sự sắp xếp sẵn của trường", Hải nói.

Ở trường của Hải, mỗi SV khi học song bằng sẽ có thời gian tốt nghiệp từ 4 năm rưỡi đến 5 năm nhưng Hải tốt nghiệp cả 2 ngành chỉ trong vòng 4 năm (ngành thương mại điện tử học trong 3 năm rưỡi, kinh doanh quốc tế 4 năm). Để có thể tốt nghiệp nhanh, Hải đã duy trì số lượng tín chỉ và môn học đều đặn qua từng học kỳ. "Tại trường của mình, số tín chỉ bắt buộc phải học trong một học kỳ sẽ giảm dần qua từng năm. Nếu năm nhất học 10 môn/học kỳ thì sang năm 2, 3 còn khoảng 6 - 8 môn, năm cuối thì khoảng 2 - 4 môn, còn bản thân mình vừa học song ngành vừa học vượt nên tất cả các học kỳ đều duy trì học từ 9 - 10 môn", Hải chia sẻ

Khi được hỏi việc học vượt có đảm bảo chắc chắn kiến thức khi đi làm không, Hải cho biết: "Không quan trọng là mình học môn học đó ở thời điểm nào mà quan trọng là mình có dành cho nó tâm huyết và sự nghiêm túc hay không. Cho nên những môn học dù có học vượt hay đúng tiến độ mình đều rất tập trung. Việc học vượt còn khiến bản thân mình bận rộn, từ đó giúp mình phân bố thời gian sao cho hợp lý, cho mình cơ hội để tiếp xúc với những kiến thức mới trong thời gian sớm hơn. Hơn nữa, còn được học với các anh chị đi trước giúp mình kết nối được với các mối quan hệ mới, đó cũng là cơ hội để mình phát triển bản thân", Hải cho hay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.