Từ năm 2012, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chính thức đưa nội dung bơi lội vào chương trình học giáo dục thể chất. Theo quy định của trường này, SV phải hoàn thành 3 môn thể thao, trong đó bơi lội là môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số 16 môn khác. Để đủ điều kiện xét tốt nghiệp, một trong các nội dung cần đạt được là đạt yêu cầu đợt kiểm tra bơi lội, tối thiểu 25 m (với nữ) và 50 m (với nam).
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học bơi |
L.P |
Thạc sĩ Phạm Thanh Anh Khoa, phụ trách Khoa Khoa học thể thao Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết Bộ GD-ĐT không có yêu cầu cụ thể quy định môn bơi lội là bắt buộc trong chương trình học ĐH. Tuy nhiên, nhận thấy tầm quan trọng cũng như ý nghĩa thực tiễn mà môn bơi lội mang lại, từ năm 2012 trường bắt đầu đưa môn học này vào nhóm môn giáo dục thể chất bắt buộc.
Thạc sĩ Anh Khoa cho rằng: “Việc phổ cập bơi trong trường học phải nên được áp dụng từ bậc tiểu học hoặc sớm hơn. Điều này đặc biệt cần thiết trước thực tế hằng năm vẫn có không ít học sinh, SV bị đuối nước. Tuy nhiên, vấn đề này hiện còn gặp khó khăn, nhất là điều kiện cơ sở vật chất, hồ bơi”.
Nhận định chung về thực trạng dạy học bơi các trường ĐH hiện nay, tiến sĩ Thái Thị Diễm Thúy, giảng viên giảng dạy môn bơi lội Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM, cho biết: “Các trường có chú trọng hơn đến hoạt động bơi lội, giúp SV có kỹ năng phòng chống đuối nước. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mới nổi bật ở số ít trường. Ở nhiều trường khác còn nhiều khó khăn do phải đi thuê hồ bơi bên ngoài và thiếu đội ngũ giảng viên đúng chuyên ngành”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Gấm, Trưởng khoa Giáo dục thể chất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết bơi lội là một trong số các môn tự chọn chương trình giáo dục thể chất tại trường này. Theo thống kê của trường, số lượng SV đăng ký học bơi lội đang tăng nhiều trong các năm gần đây. Trung bình, mỗi học kỳ trường có khoảng 5 - 6 lớp học nội dung này.
Chia sẻ về tầm quan trọng của môn học này, tiến sĩ Gấm cũng cho rằng: “Phổ cập bơi lội là cần thiết, xem như một kỹ năng sinh tồn bảo vệ an toàn cho bản thân và cứu giúp người xung quanh”. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Gấm, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nội dung này học sinh được trang bị từ bậc phổ thông. Do vậy, ở bậc ĐH hoạt động này chỉ nên xem là nội dung tự chọn để người học nâng cao kỹ năng hoặc rèn luyện sức khỏe.
Bình luận (0)