Sinh viên có mức sống trung bình được vay vốn 4 triệu đồng/tháng

07/05/2022 10:55 GMT+7

Từ tháng 5, một số chính sách , quy định về giáo dục được có hiệu lực. Trong đó, có quy định điều chỉnh về mức vay vốn tối đa của học sinh, sinh viên trong chính sách tín dụng mà Chính phủ thực hiện từ năm 2007.

Mở rộng đối tượng học sinh, sinh viên được vay vốn

Theo Quyết định 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HS, SV), từ ngày 19.5, mức vay tối đa của mỗi HS, SV được điều chỉnh lên 4 triệu đồng/tháng.

Quyết định 157 là hiện thực hóa chính sách tín dụng đối với HS, SV được áp dụng để hỗ trợ cho những HS, SV khó khăn góp phần trang trải chi phí. Khởi đầu, mức vay tối đa được quy định là 800.000 đồng/tháng. Năm 2019 Chính phủ điều chỉnh lên 2,5 triệu đồng/tháng, và giờ đây được điều chỉnh lên 4 triệu đồng/tháng.

Sinh viên tại TP.HCM thực hiện vay tín dụng học tập

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngoài mức vay được điều chỉnh tăng lên như trên, Quyết định 05 còn điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng HS, SV được vay vốn. Theo đó, HS, SV thuộc diện hộ cận nghèo, thậm chí hộ có mức sống trung bình cũng là đối tượng thụ hưởng chính sách này. Ngoài ra, các đối tượng khác được liệt kê trong Quyết định 157 vẫn được giữ nguyên: HS, SV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HS, SV có gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học (có xác nhận của nơi cư trú).

Quyết định 05 yêu cầu HS, SV bắt đầu trả nợ vào thời điểm 12 tháng sau khi kết thúc khóa học (trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên, lãi suất 0,5%/tháng). HS, SV được trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Các trường cũng có nhiều lợi ích

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc Chính phủ mở rộng diện HS, SV được hưởng thụ chính sách tín dụng là kết quả của quá trình kiến nghị mà các trường ĐH, các đơn vị GD-ĐT gửi đến Chính phủ và các cơ quan hữu quan từ nhiều năm nay. Việc nhà nước cho vay nợ để theo học ĐH, sau đó được trả nợ trong vòng 15 - 20 năm sau khi tốt nghiệp ĐH, là một thông lệ quốc tế. Điều này giải quyết được vấn đề lớn về tài chính cho nhà nước trong việc tạo cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của mọi người dân. Còn ở ta, chính sách tín dụng dành cho HS, SV tuy được triển khai từ năm 2007 nhưng diện được vay rất hẹp. Vì thế, hầu hết HS, SV dựa vào nguồn tài chính do bố mẹ hỗ trợ. “Không chỉ người học được hưởng lợi mà các trường cũng có nhiều lợi ích từ chính sách này. Các trường sẽ bớt đau đầu trước bài toán học phí khi phải tự chủ tài chính. Không tăng thì không có tiền để đầu tư cho đào tạo chất lượng, mà tăng thì SV không thể theo học khi không có lối thoát về tài chính”, PGS Điền chia sẻ.

Còn theo GS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mức vay 4 triệu đồng/tháng có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của HS, SV. Hiện nay, khi tính thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính xác định mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng cho một trường hợp được giảm trừ, nghĩa là đây là một mức hợp lý để người lao động nuôi được một người. “Đây là mức mà HS, SV có thể đáp ứng ở mức độ các yêu cầu cơ bản của các khoản học phí, sinh hoạt phí”, GS Cường nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.