Sinh viên có nên học vượt?

17/03/2023 10:38 GMT+7

Mục đích thường thấy của học vượt là rút ngắn 'lộ trình' ĐH, song không phải sinh viên nào cũng học vượt vì điều này. Và trong trường hợp nào sinh viên học vượt đạt hiệu quả?

Học vượt để tích lũy kiến thức

Sinh viên học theo tín chỉ, nên được đăng ký nhiều môn hơn trong chương trình so với kế hoạch đào tạo ban đầu. Vì thế, sinh viên hoàn thành tốt ở các môn sẽ có cơ hội tốt nghiệp sớm từ 1-2 học kỳ, thậm chí là 1 năm. Dẫu vậy, việc tiết kiệm thời gian học ĐH chưa hẳn là đích đến của một số sinh viên học vượt, mà họ chỉ muốn học những gì mình thích để bổ trợ kiến thức.

Đó là mong muốn của Nguyễn Văn Hoài Trung (sinh viên năm 1, ngành truyền thông-thiết kế, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM). Hoài Trung chia sẻ: "Tôi quyết định đăng ký học vượt 5 môn. Nhờ học vượt, tôi biết trước nhiều điều mới lạ, hiểu sâu kiến thức để phần nào đáp ứng yêu cầu đổi mới không ngừng của chuyên ngành mình theo học. Tôi cũng học được cách tư duy, làm việc sáng tạo khi học chung với các anh chị đi trước".

Tương tự, Bùi Duy Nam (23 tuổi, thủ khoa tốt nghiệp sớm năm 2022 ngành kỹ thuật robot, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) từng đăng ký thêm các môn khác so với chương trình tiêu chuẩn mỗi học kỳ, vì nhận thấy các môn có sự liên kết nhất định với nhau.

"Tôi thấy mình học toàn diện hơn, mỗi môn đều khai sáng một mảng kiến thức mới trong 'bài toán tổng quát'. Nhờ đó, tôi có thể vận dụng chúng vào các đề tài nghiên cứu khoa học, xem như cách thực hành lý thuyết. Không chỉ vậy, trải nghiệm nhiều kiến thức khi học vượt còn hỗ trợ tôi tìm kiếm, sớm tiếp cận lĩnh vực yêu thích", Nam chia sẻ.

Sinh viên học vượt: Có phải chỉ để tốt nghiệp ĐH sớm? - Ảnh 1.

Sinh viên cần cân nhắc điều kiện và khả năng của bản thân trước khi quyết định học vượt

SHUTTERSTOCK

Giảm áp lực cho năm cuối

Một số sinh viên khác xem học vượt là cách sử dụng quỹ thời gian theo kiểu "khổ trước sướng sau".

Với số tín chỉ tối thiểu cần đảm bảo hoàn thành trong thời gian nhất định (trung bình khoảng 3,5-4 năm), N.L.N.T. (sinh viên năm 3, chuyên ngành tiếng Anh thương mại, ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng) đã bỏ thời gian ra học trước, cụ thể là từ học kỳ 2, năm 1.

"Tôi tận dụng thời gian trống của năm đầu ĐH để giảm nhẹ khối lượng kiến thức cũng như áp lực học tập môn chuyên ngành cho các năm sau. Như vậy, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị thực tập hay thi các chứng chỉ đầu ra ở năm 3, 4", N.T. giải thích.

Nhờ phương pháp hiệu quả, từ năm 1 đến nay, N.T. đã có 4 học kỳ liên tiếp nhận học bổng khuyến khích học tập, đặc biệt còn giành được học bổng cho sinh viên xuất sắc của khoa.

Như vậy, bên cạnh mục đích chung nhất là rút ngắn thời gian đào tạo, học vượt còn giúp sinh viên học hỏi nhiều kiến thức, tìm kiếm cơ hội mới cũng như sử dụng quỹ thời gian hiệu quả để giảm áp lực, thậm chí là giảm sự cạnh tranh so với các bạn đồng trang lứa.

Học vượt sao để không bị quá tải hoặc lớt phớt?

Ngoài lợi ích nhất định, học vượt cũng gây ra áp lực không nhỏ cho sinh viên, nên không phải ai cũng có thể học vượt.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng thường trực kiêm Trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường ĐH Văn Lang, lưu ý năng lực học tập của sinh viên cần phải đạt mức ổn định đến tốt thì mới cân bằng được các môn đại cương lẫn chuyên ngành khi học vượt. Nếu không, mức điểm bình quân tích lũy sẽ thấp, ảnh hưởng đến xếp loại tốt nghiệp. Khả năng tài chính cũng là vấn đề đáng quan tâm, bởi học phí của từng học kỳ sẽ phải đóng nhiều hơn mức thông thường nếu học vượt.

Khi đã chọn học vượt, sinh viên phải biết cân bằng giữa việc học với các hoạt động khác trong cuộc sống để không bị quá tải, theo tiến sĩ Tuấn.

Sinh viên học vượt: Có phải chỉ để tốt nghiệp ĐH sớm? - Ảnh 2.

Học vượt với phương pháp hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên

SHUTTERSTOCK

Hiểu được điều này, N.L.N.T chỉ đăng ký học vượt 1-2 môn/học kỳ, cố gắng hoàn thành bài ngay tại lớp để giảm thời gian tự học ở nhà.

Tương tự, Trần Hữu Trí (thủ khoa tốt nghiệp năm 2021, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng chỉ học vượt một cách vừa phải.

Nam sinh viên chia sẻ: "Dù nhà trường cho phép đăng ký tối đa 24 tín chỉ/học kỳ, tôi chỉ học 20 tín chỉ, tức đăng ký thêm khoảng 2-4 tín chỉ so với chương trình chuẩn. Như vậy, tôi chỉ cần dành khoảng 20 giờ/tuần cho việc học trên trường, hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động khác hoặc tự ôn tập tại nhà". Trí cũng thường thực tập ở nhiều vị trí liên quan đến ngành học, giúp anh dễ dàng tiếp thu kiến thức mà không bị "ngợp".

Về vấn đề này, tiến sĩ Võ Văn Tuấn đề xuất: "Sinh viên cần hiểu rõ năng lực và lộ trình học tập của mình. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tích cực quan tâm, đồng hành và đưa ra định hướng học tập phù hợp, tối ưu cho các em".

Sau cùng, để không học vượt nhưng nắm kiến thức chưa sâu, sinh viên cần nâng cao năng lực và thái độ học tập để chọn lọc, tiếp thu kiến thức từ giảng viên, quan trọng nhất là đạt được chuẩn đầu ra của học phần nói riêng, chương trình đào tạo nói chung.

Quy định học vượt

Theo Quy chế đào tạo trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT, sinh viên được đăng ký số tín chỉ không vượt quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn.

Căn cứ quy định chung của Bộ GD-ĐT, từng trường sẽ xây dựng quy chế học vượt phù hợp. Nhà trường thường không hạn chế mong muốn của sinh viên nếu các bạn muốn học vượt. Tuy nhiên, cố vấn học tập sẽ phải tư vấn kỹ trước khi sinh viên quyết định đăng ký học để giúp các bạn có cái nhìn bao quát, cụ thể hơn về những vấn đề gặp phải trong quá trình học vượt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.