Sinh viên có nên ra trường sớm ?

08/12/2012 03:00 GMT+7

Quy chế đào tạo tín chỉ cho phép sinh viên (SV) có thể tích lũy đủ khối lượng kiến thức trước thời hạn để tốt nghiệp sớm hơn bình thường. Thế nhưng đây có phải là điều nên làm với tất cả SV ?

Quan trọng là chất lượng

Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mỗi năm có khoảng 2, 3 SV ra trường sớm trước một học kỳ. Tiến sĩ Lương Đình Thành, Phó phòng Đào tạo, cho hay: “Đến thời điểm này, mới chỉ có một SV tốt nghiệp loại giỏi. Tôi thấy việc này tùy vào năng lực của mỗi SV chứ không phải ai cũng có thể làm được. Em nào học tốt, biết lập kế hoạch, sắp xếp thời khóa biểu khoa học, hợp lý thì sẽ có cơ hội nhiều hơn. Tuy nhiên, học ít tín chỉ trong mỗi học kỳ mà có kết quả cao sẽ tốt hơn học nhiều để ra trường sớm, mà kết quả lại thấp”.

Tinh thần của tín chỉ là giúp SV lựa chọn chương trình học vừa với khả năng của mình về mặt sức khỏe, tài chính, thời gian để làm sao việc học đạt chất lượng tốt nhất. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết để ra trường đúng hạn, mỗi học kỳ đạt 15 tín chỉ là vừa sức với SV có lực học trung bình và điều kiện trung bình. Hiện nay trường cho phép SV tích lũy tối đa 25 tín chỉ/học kỳ, 50 tín chỉ/năm, học kỳ hè 12 tín chỉ và các kỳ học thêm là 20 tín chỉ. “Nếu siêu thì chỉ 2 năm là SV có thể ra trường. Tuy nhiên, trước hết các em phải trả lời được câu hỏi: Lý do phải ra trường sớm là gì? Lực học, điều kiện thời gian, tài chính có cho phép hay không? Kết quả học tập sẽ như thế nào? Từ đó cân nhắc, tính toán thật kỹ trước khi thực hiện” - tiến sĩ Nam nói.

Năm 2012, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng có 4 SV ra trường sớm trước một năm. Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, nhận định: “Tùy theo nhóm ngành, tùy theo sức học, năng lực, điều kiện của từng cá nhân mà có nên quyết tâm học rút ngắn hay không. Vấn đề là chất lượng phải được đặt ra hàng đầu. Cần lưu ý SV học vượt phải học nhiều môn trong mỗi học kỳ so với bình thường nên đòi hỏi phải thật sự có năng lực”.

Không đồng nhất ra trường sớm là giỏi

Phần lớn đều cho rằng, nếu việc ra trường sớm giúp SV tiết kiệm được thời gian và trong điều kiện, khả năng cho phép thì cũng nên làm. Tiến sĩ Lương Đình Thành cho biết một số nhà tuyển dụng đánh giá cao những em ra trường sớm có kết quả học tập tốt, vì những SV này rất giỏi kỹ năng sắp xếp, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề…, nhờ thế khi làm việc cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lại nhận định: “Một số nhà tuyển dụng nhiều khi chỉ quan tâm tới bảng điểm và năng lực thể hiện trong vòng phỏng vấn trực tiếp có đáp ứng yêu cầu hay không, chứ không biết bạn ra trường sớm hay muộn, do đó, dù ra trường sớm thì cũng chú ý học sao cho kết quả tốt”.

Trần Thị Thanh, cựu SV ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ Hà Nội, hiện học cao học ngành khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có ý kiến: “Chương trình học của các ngành kỹ thuật, công nghệ khá nặng, học rất vất vả. Chẳng hạn như ngành công nghệ thông tin, có những cuốn sách tham khảo dày cả ngàn trang, nếu không có thời gian nghiên cứu thì khó có thể hiểu và đạt được điểm tốt, chưa kể tài liệu tiếng Anh rất nhiều. Theo tôi thì tốt nhất không nên ra trường sớm, lợi về mặt thời gian nhưng kiến thức chưa chắc đã tốt”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam cũng cho rằng không nên đồng nhất việc ra trường sớm là giỏi và khuyến khích việc này, vì SV có nhiều mục tiêu phải làm chứ không phải chỉ là việc ra trường sớm.

Có thể rút ngắn hoặc kéo dài

Quy chế 43 về đào tạo theo học chế tín chỉ của Bộ GD-ĐT quy định: “Điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp khi SV tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình đào tạo với: khối lượng không dưới 180 tín chỉ đối với khóa đại học 6 năm, 150 tín chỉ đối với khóa đại học 5 năm, 120 tín chỉ đối với khóa đại học 4 năm. Hiệu trưởng quy định cụ thể khối lượng kiến thức tối thiểu cho từng chương trình được triển khai đào tạo trong phạm vi trường mình”. Theo đó, tùy theo sức học của mình, SV có thể đăng ký học vượt để tốt nghiệp trước thời hạn.

Ý kiến

Không nên gặt lúa non

“Tôi không đồng ý với quan điểm ra trường sớm để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Vấn đề không phải sớm hay không, mà là có đạt chất lượng hay không. Tiêu chí của đào tạo không phải là thời gian hay tiền bạc mà là cho ra trường những SV chất lượng để làm việc giỏi. Ta có thể trồng loại lúa ngắn hạn, chứ không nên gặt lúa non” Tiến sĩ Lê Quang Đức (Giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)

Không thể gọi là chín ép

“Những SV có lực học, sức khỏe và tài chính muốn học vượt để tốt nghiệp sớm là điều tốt thôi. Theo quy định học ĐH là từ 3 đến 6 năm. Không phải một em ra trường sau 3 năm là chín ép so với một em ra trường sau 6 năm. Chúng tôi khuyến khích tất cả SV nếu đủ điều kiện thì cứ thu xếp thời gian để học vượt. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những em ra trường sớm (tất nhiên kết quả học tập phải không tồi) vì đây là những SV biết lập kế hoạch cho cuộc sống của mình”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)

Phải đảm bảo kết quả học tập

“Nếu thấy thực sự việc ra trường sớm là nhu cầu cần thiết thì hãy quyết định học vượt để tốt nghiệp sớm, nhưng phải đảm bảo kết quả học tập được tốt nhất. Bản thân em muốn ra trường sớm để tiết kiệm thời gian nên đã tận dụng kỳ nghỉ hè để ở lại học, đồng thời học thêm Anh văn, vi tính và các kỹ năng mềm”. Đàm Thị Thảo Nguyên (SV ngành kế toán Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, vừa tốt nghiệp sớm một năm, đạt loại giỏi)

Mỹ Quyên

>> Những sinh viên 'phu hồ'
>> Lại chiêu lừa sinh viên
>> Sinh viên có cơ hội tham gia trao giải tại Oscar 2013
>> Sinh viên thanh lịch
>> Hỗ trợ tài chính cho sinh viên
>> Bữa ăn thân thiện cho sinh viên
>> Dương Triệu Vũ diễn miễn phí cho sinh viên, công nhân
>> Chương trình trao đổi sinh viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.