Nhằm đảm bảo quyền lợi cho SV tốt nghiệp đúng hạn, nhiều trường chọn cách để SV tự nhận bằng thay vì làm lễ tốt nghiệp như những năm trước.
Được giảng viên thông báo đã có bằng tốt nghiệp, SV đến trường mang theo CMND và thẻ SV khi nhận bằng. Khổng Trí Quy, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Vì dịch bệnh còn căng thẳng nên khi đến cổng trường liên hệ với phòng đào tạo qua điện thoại ở khu bảo vệ, sau khi báo hết thông tin thì mình vào trong sảnh khai báo y tế và ngồi đợi nhận bằng là xong”. Quy đồng thời tâm sự: “Lúc đến trường một mình quả thật rất buồn và thất vọng vì mình đã cố gắng học thật tốt để có thể ra trường đúng hạn, được làm lễ tốt nghiệp nhưng rốt cuộc lại không có gì cả”.
Cầm trên tay bằng tốt nghiệp ĐH nhưng không cùng bộ lễ phục quen thuộc, Khổng Trí Quy tranh thủ chụp ảnh tại trường lưu lại kỷ niệm |
NVCC |
Nam sinh này chia sẻ thêm, buổi lễ tốt nghiệp tuy mang tính hình thức nhưng đối với anh như một dấu mốc quan trọng. Đánh dấu chính thức bản thân đã trưởng thành, phải đi làm để tự nuôi sống bản thân, gia đình sau này... Buổi lễ tốt nghiệp còn thể hiện giấc mơ lâu năm của cha mẹ đã tiết kiệm để Quy vượt qua quãng thời gian học tập.
Hành trình 4 năm khép lại với đầy ắp gam màu thú vị, mở ra một hành trình mới, hành trình đủ tự tin và bản lĩnh để chinh phục những thử thách.
Hứa Ngọc Linh, SV Trường ĐH Cần Thơ, khóa 43 chuyên ngành quản trị kinh doanh, cho biết: “Tôi lấy bằng tốt nghiệp vào tháng 4 nhưng vì tình hình dịch bệnh nên đến nay vẫn chưa làm lễ. Tôi đã mơ về không khí của buổi lễ mà tại đó tôi được mặc lễ phục tốt nghiệp, bên cạnh có bố mẹ, người thân đến chia vui và nhận được lời chúc mừng từ mọi người”.
Cô SV này cho biết mình đã từng xúc động khi nhìn thấy đoạn phim các anh chị được xướng tên, đứng trên sân khấu nhận tấm bằng từ thầy hiệu trưởng và khoảnh khắc cả hội trường đếm ngược cùng tung nón. Nếu năm nay trường không tổ chức lễ, Linh sẽ cảm thấy thiếu mất cái gì đó, không trọn vẹn.
Mặc dù tiếc nuối nhưng tình hình chung cả nước đang phải gồng mình chống dịch và bạn bè đồng trang lứa cũng rơi vào hoàn cảnh giống mình nên Linh không còn buồn. Cô hy vọng sau dịch, trường sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp cho SV, dù làm trễ nhưng vẫn sẵn sàng chờ đợi vì đã chờ 4 năm rồi thì trễ thêm 1 năm nữa cũng không sao.
Trường nắm bắt được tâm lý của SV nên trước đó đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và nhận bằng scan qua thư điện tử. Nhưng đối với Nguyễn Thị Hoài Thương, SV Trường ĐH Luật TP.HCM, hai hình thức đó không thể bù đắp cho việc làm lễ tốt nghiệp tại trường.
“Ba mẹ mình ở quê ngại chi phí và đi lại nên 4 năm mình học ĐH chưa có dịp lên thăm. Nhưng mỗi lần nói chuyện là kêu chờ con gái tốt nghiệp chắc chắn cả nhà sẽ lên Sài Gòn tham dự”, Thương kể lại.
Dù rất buồn nhưng Hoài Thương vẫn chấp nhận vì đây là trường hợp không ai mong muốn cả, tình hình hiện tại nếu vẫn tổ chức lễ sẽ ảnh hưởng càng nghiêm trọng. Cô gái 9X tự nhủ một năm đầy biến động rồi sẽ qua đi, hy vọng tất cả mọi người đều bình an, vì sức khỏe là quan trọng nhất.
Theo Hoài Thương, đây là sự tiếc nuối của cá nhân nhưng cô cảm thấy với những gì mà dịch bệnh đã gây ra và những người không may mất vì bệnh thì sự tiếc nuối ấy không là gì đối với cộng đồng cả. Chúng ta phải biết suy nghĩ xa hơn vì mọi người và cộng đồng. Có hướng suy nghĩ tích cực để đạt được giá trị xa, mang đến một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn.
Bình luận (0)